Bản in     Gởi bài viết  
Những kết quả đạt được và kinh nghiệm thực tiễn về chương trình phối hợp của Mặt trận và Đoàn thanh niên các cấp trong thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trên địa bàn tỉnh. 

     Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, trong thời gian qua Tỉnh Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa để hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì phát động.

 

   Năm 2014, nhằm cụ thể hóa Chương trình phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh và BTV Tỉnh đoàn đã ban hành kế hoạch phối hợp về việc xây nhà Đại đoàn kết. Đối tượng được hỗ trợ là các hộ nghèo, hộ bị thiệt hại do bão, lụt năm 2013 được lựa chọn, bình xét từ cơ sở đảm bảo công khai, đúng đối tượng. Sau khi kế hoạch được ban hành, để tạo sự thống nhất và đồng loạt trong triển khai thực hiện, BTV Tỉnh đoàn đã chủ trì phối hợp với MTTQ tổ chức Lễ ra quân xây nhà Đại đoàn kết tại xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, đồng thời chỉ đạo MTTQ và Đoàn TN các huyện, thị xã chủ động phối hợp khởi công xây nhà Đại đoàn kết đảm bảo việc triển khai đúng tiến độ. Sau 7 tháng triển khai, với sự vào cuộc tích cực của MTTQ, sự chủ động của Đoàn Thanh niên, sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với chính quyền, đoàn thể, và sự đồng tình hưởng ứng của người dân, 197 nhà ĐĐK đã được bàn giao và đưa vào sử dụng với tổng số tiền huy động thực hiện là 13,8 tỷ đồng, trong đó nguồn từ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh 5,6 tỷ đồng, địa phương hỗ trợ 158 triệu đồng, gia đình đóng góp 7,3 tỷ đồng, từ nguồn khác hơn 700 triệu đồng và hàng trăm ngày công tình nguyện của đoàn viên thanh niên.

   Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2015, Ủy ban Mặt trận TQ tỉnh, Tỉnh đoàn Quảng Bình tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp triển khai giúp đỡ 60 hộ nghèo tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (trong đó có 41 hộ được hỗ trợ xây nhà, 19 hộ được hỗ trợ cây, con giống). Có thể nói, chương trình phối hợp giữa Mặt trận TQ và Đoàn TN trong xây nhà Đại đoàn kết và hỗ trợ mô hình sản xuất cho hộ nghèo thời gian qua đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo được sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện. Từ việc phân bổ, khảo sát, bình xét đối tượng, lập hồ sơ đề nghị, đến việc chủ động phối hợp giữa MTTQ, Đoàn TN với chính quyền, các đoàn thể, trong đó đặc biệt là sự năng động, chủ động của Đoàn TN các cấp trong việc đảm nhận, giúp đỡ hỗ trợ vật chất, ngày công tình nguyện đã giúp nhiều hộ gia đình trước đây ở trong những căn nhà tạm bợ, dột nát thì giờ đây họ được ở trong ngôi nhà khang trang, kiên cố như hộ ông Trương Quang Liên, thôn Tiến Mại, xã Cao Quảng, Tuyên Hóa; Bà Trương Thị Tràng - Thôn 2, Kim Bảng, Minh Hóa; Bà Trần Thị Cảnh, Thôn Trường Sơn, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch hay những hộ gia đình trước đây chưa có cây, con giống thì giờ đây đã được hỗ trợ cây, con giống phát triển sản xuất chăn nuôi như hộ Anh Lê Văn Tư, Trần Văn Tâm, Nguyễn Chí Cường, Tuyên Hóa... và nhiều hộ gia đình khác nữa. Trên đây chỉ là một trong nhiều hoạt động phối hợp thiết thực giữa MTTQ và Đoàn Thanh niên các cấp để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phát động.

   Cùng với việc triển khai có hiệu quả chương trình xây nhà Đại đoàn kết, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn TN các cấp đã chủ động phối hợp triển khai lồng ghép cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” gắn với triển khai phong trào “Xung kích tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” và các chương trình an sinh xã hội khác. Trong đó nổi bật là các hoạt động của tuổi trẻ xung kích đảm nhận thực hiện các chương trình, dự án, công trình và phần việc thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. 15 năm qua, tuổi trẻ toàn tỉnh đã phối hợp vận động thực hiện trên 35 chương trình, dự án cấp tỉnh, 136 công trình thanh niên cấp huyện và hàng trăm công trình phần việc thanh niên cấp cơ sở với tổng trị giá trên 200 tỷ đồng, huy động 39.000 lượt ĐVTN tham gia, mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.

   Được phát động từ năm 2011, cuộc vận động “Tuổi trẻ Quảng Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” được các cấp bộ Đoàn, Hội trong toàn tỉnh triển khai với nhiều hoạt động cụ thể như: làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, xây nhà tiêu hợp vệ sinh, điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi... Công trình “Thắp sáng đường quê” đã có sức lan toả lớn, được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh, với hơn 2,4 tỷ đồng từ sự đóng góp của lực lượng ĐVTN trong tỉnh, hiện nay đã có 242 tuyến đường thắp sáng. Chương trình “Giữ sạch cánh đồng quê, trường học” được cụ thể hóa bằng nhiều việc làm thiết thực như: giúp nông dân làm cỏ, nạo vét kênh mương, chăm sóc lúa nước, diệt chuột, diệt cây mai dương với hàng ngàn ngày công; xây mới 307 bể chứa rác thải trên các cánh đồng, 120 hố chứa rác thải trong các trường học do ĐVTN đảm nhận thực hiện với trị giá hàng trăm triệu đồng...

   Phát huy những kết quả đạt được, để cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và Đoàn TN các cấp thực sự lan tỏa, trở thành hoạt động thường xuyên và liên tục trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp như sau:

   Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với những hình thức phù hợp để làm rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; tuyên truyền, chia sẽ những kinh nghiệm hay, điển hình, mô hình, cách làm hiệu quả mà cuộc vận động đã đạt được trong thời gian qua đến các tổ chức, cá nhân và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

   Thứ hai, đa dạng hóa các hình thức vận động, cơ chế ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân và nâng cao hiệu quả việc sử dụng nguồn lực thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Chủ động, linh hoạt trong phương thức hỗ trợ, cần ưu tiên để hỗ trợ về vốn, công cụ lao động phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư mô hình chăn nuôi, trồng trọt, góp phần tạo sinh kế cho hộ nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

   Thứ ba, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” để tạo nên sức mạnh tổng hợp, không nên xem đây là công việc riêng của Mặt trận Tổ quốc. Chú ý lựa chọn thời điểm phát động và gắn triển khai thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” với các phong trào thi đua, các chương trình hoạt động trọng tâm khác của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị.

   Thứ tư, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận và các đoàn thể, trong đó Đoàn TN giữ vai trò xung kích trong việc hướng dẫn đoàn viên, hội viên thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, xây nhà Đại đoàn kết ở từng khu dân cư. Gắn cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào “Thanh niên xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội” và các hoạt động an sinh xã hội khác. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác vận động, quản lý và sử dụng nguồn lực, đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch.

   Thứ năm, cần tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, tổ chức, tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, đồng thời phát động thực hiện cuộc vận động trong thời gian tiếp theo.

   Có thể khẳng định, những kết quả quan trọng trong thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, trong đó trọng tâm là việc triển khai xây nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, thực hiện các chương trình an sinh xã hội giữa Mặt trận và Đoàn thanh niên các cấp là biểu hiện sinh động của sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận, Đoàn TN và các đoàn thể ở cơ sở trong việc phối hợp, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên và huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, góp phần cùng với cả tỉnh, cả nước thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Anh Đào

[Trở về]