Bản in     Gởi bài viết  
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO ( Tiếp theo) 
 

    Phần V: Giới thiệu Chương III Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo

 Chương III quy định về hoạt động tín ngưỡng gồm: 05 điều, từ Điều 10 - Điều 15:

1.Nguyên tắc tổ chức hoạt động tín ngưỡng

Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng khi thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường.

2.Người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng

Luật quy định cơ sở tín ngưỡng phải có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động diễn ra tại cơ sở. Người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi đầy đủ, có uy tín trong cộng đồng dân cư, và việc bầu, cử người đại diện hơặc thành viên ban quản lý do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức để cộng đồng dân cư bầu, cử. Căn cứ vào kết quả bầu, cử, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản công nhận người đại diện hoặc thành viên ban quản lý trong thời hạn 05 ngày làm việc.

Đối với cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng là di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh, việc bầu, cử người đại diện hoặc thành lập ban quản lý cơ sở tín ngưỡng thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; việc bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý nhà thờ dòng họ là công việc nội bộ của dòng họ vì vậy không phải áp dụng theo những quy định nói trên.

3.Về đăng ký hoạt động tín ngưỡng

Hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải đăng ký, trừ cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ dòng họ. Việc đăng ký hoạt động hằng năm của cơ sở tín ngưỡng phải thực hiện đăng ký chậm nhất là 30 ngày trước ngày cơ sở tín ngưỡng bắt đầu hoạt động tín ngưỡng, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do. Đối với các hoạt động tín ngưỡng không có trong đăng ký đã được chấp thuận thì người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm đăng ký bổ sung.

Đối với cơ sở tín ngưỡng đã thông báo hoạt động tín ngưỡng hằng năm trước ngày Luật có hiệu lực, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Luật có hiệu lực, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm đăng ký hoạt động tín ngưỡng với Ủy ban nhân dân xã nơi có cơ sở.

4. Tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ

Tùy theo quy mô tổ chức lễ hội, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ chậm nhất là 20 ngày trước ngày tổ chức lễ hội đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ tại cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân các cấp tùy quy mô của lễ hội) có trách nhiệm bảo đảm về việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng theo nội dung thông báo.

5. Tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi

Luật quy định trước khi tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi về quy mô, nội dung, thời gian, địa điểm thì người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức lễ hội. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do./.

Văn Minh - MT tỉnh

 

[Trở về]