Bản in     Gởi bài viết  
Phần IV: Giới thiệu Chương I và Chương II Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 
 

     Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Luật ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với Hiến pháp năm 2013; khắc phục những tồn tại, bất cập của pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành; tương thích với các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà Việt Nam là thành viên và đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thực tiễn công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

  CHƯƠNG I: Quy định về những quy định chung của Luật ( gồm 05 điều, từ Điều 1 đến Điều 5)

1. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

- Luật này quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

- Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Giải thích từ ngữ

Luật dành một điều giải thích từ ngữ để đưa ra cách hiểu chung thống nhất các từ ngữ được sử dụng thường xuyên trong Luật.

- Bỏ một số từ ngữ được sử dụng tại Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo như tổ chức tôn giáo cơ sở, hội đoàn tôn giáo.

- Kế thừa nhưng sửa đổi, bổ sung nội hàm của một số từ ngữ đã được qui định tại Pháp lệnh như hoạt động tín ngưỡng, cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, hoạt động tôn giáo, cơ sở tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc.

- Bổ sung từ ngữ mới được sử dụng thường xuyên như tín ngưỡng, tôn giáo, chức việc, sinh hoạt tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, địa điểm hợp pháp, người đại diện.

3. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật qui định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đó là Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

4.Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Tham gia xây dựng văn bản qui phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản qui phạm pháp luật, qui hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo qui định của pháp luật.

- Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

- Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

5. Các hành vi bị nghiêm cấm

Trên cơ sở kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm qui định tại Pháp lệnh, Điều 5 của Luật đã đưa ra các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo bị cấm khi xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm hại thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Bên cạnh đó, Luật cũng đưa ra hành vị bị nghiêm cấm khác như lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Tùy từng trường hợp, khi vi phạm các điều cấm này, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật.

CHƯƠNG II: Quy định về quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo (gồm 04 điều, từ Điều 6 - Điều 9)

Luật đưa ra một chương riêng quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

1. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người

Cụ thể hóa quy định tại Điều 24 Hiếp pháp năm 2013 “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”, Luật quy định chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là mọi người ( khoản 1 Điều 6).

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Đối với người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, me hoặc người giám hộ đồng ý. Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiệm bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

Như vây, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.

2. Quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Luật quy định mang tính nguyên tắc về các quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Các quyền này bao gồm hoạt động tôn giáo theo hiến chương, điều lệ và văn bản có nội dung tương tự của tổ chức tôn giáo; tổ chức sinh hoạt tôn giáo; xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tôn giáo; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo; cải tạo nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo; nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho; các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Luật đã dành một điều quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Các quyền này bao gồm được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung; mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người Việt Nam thực hiện nghi lễ tôn giáo, giảng đạo; mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo; vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đối với chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam ngoài các quyền trên có quyền được giảng đạo tai cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam.

4. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tựu do tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 9 của Luật quy định tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp, Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với với chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm hướng dẫn tín đồ, người tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo đúng quy định của pháp luật.

Văn Minh-MT tỉnh

[Trở về]