Bản in     Gởi bài viết  
SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO 
 

      Ngày 16 tháng 11 năm 2016, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo với 9 chương, 68 điều. Ngày 01 tháng 12 năm 2016, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký lệnh công bố. Ngày 01 tháng 01 năm 2018 Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành.

 Hội nghị phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, nhà tu hành tôn giáo các tỉnh, thành phố phía Bắc

      Ngày 18 tháng 6 năm 2004, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, tạo hành lang pháp lý để ghi nhận, bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân cũng như chính sách của Nhà nước đối với tôn giáo, quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Nội dung của Pháp lệnh đã quán triệt, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước được ghi nhận qua các kỳ Đại hội. Pháp lệnh cũng thể hiện chính sách dân chủ, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc những việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo do các tôn giáo giải quyết theo Hiến chương, Điều lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

      Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết thi hành có thể thấy vẫn còn những bấp cập trong các qui định của Pháp lệnh như một số qui định của Pháp lệnh còn thiếu cụ thể; một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được qui định trong Pháp lệnh. Những hạn chế, bấp cập này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công tác đối với tín ngưỡng, tôn giáo.

     Cùng với đó, Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi quan trọng về chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là của “công dân” Việt Nam mà là của “mọi người”, ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền con người quan trọng, cơ bản, được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; bổ sung nguyên tắc về việc hạn chế quyền con người chỉ có thể bị hạn chế theo qui định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, Hiến pháp cũng đã phân định thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định chính sách tôn giáo của Nhà nước, vì vậy việc ban hành luật để cụ thể hóa đầy đủ nội dung, qui định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo càng trở lên cần thiết và cấp bách.

     Trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động tôn giáo trên thế giới rất đa dạng, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tôn giáo cũng như công tác tôn giáo ở Việt Nam. Việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo để bảo đảm tính tương thích với luật pháp quốc tế điều chỉnh về quyền con người trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đặc biệt là những Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên càng trở nên cần thiết.

      Bên cạnh những tôn giáo hoạt động ổn định, có đủ điều kiện theo Luật định đã đước Nhà nước cấp phép đăng ký hoạt động, công nhận về tổ chức thì còn nhiều hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện trong đó có hiện tượng phản văn hóa thể hiện lối sống lệch lạc trái với các giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc, ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc và vi phạm pháp luật;… cũng đặt ra yêu cầu càng sớm sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật mới để hoàn thiện cơ sở pháp lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

     Từ những căn cứ nêu trên, yêu cầu phải có một đạo luật để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với Hiến pháp năm 2013; khắc phục những tồn tại, bất cập của pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành; tương thích với các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thực tiễn công tác tín ngưỡng, tôn giáo là yêu cầu cấp thiết hiện nay./.

Văn Minh - MT tỉnh

 

[Trở về]