Bản in     Gởi bài viết  
TẤM GƯƠNG NGƯỜI UY TÍN, TIÊU BIỂU TRONG VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN “ THAM GIA BẢO VỆ CHỦ QUYÊN LÃNH THỔ, AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA” 
    Ông Trần Văn Phúc, Sinh năm 1944, người dân tộc Vân Kiều ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số về vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.  

   Trường Sơn là một xã vùng cao, biên giới, có diện tích tự nhiên 77.427,86 ha, chiếm 2/3 diện tích tự nhiên của huyện Quảng Ninh. Có 38 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Toàn xã có 19 thôn, bản với 1.136 hộ, 4.665 khẩu; dân cư sống phân bố tại 4 thôn và 15 bản, trong đó: dân tộc Vân Kiều có 674 hộ, 2.880 khẩu, chiếm 61,4% dân số trong toàn xã. Đồng bào dân tộc Vân Kiều chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp, làm nương rẫy và tận thu các loại lâm sản phụ từ rừng.

Ông Trần Văn Phúc phát biểu tham luận tại Hội nghị

   Với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, ông đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Do đó, ông đã thường xuyên gần gủi nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của bà con trong bản để kiến nghị đề xuất với cấp trên kịp thời giải quyết một cách thấu đáo. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cán bộ trong bản, cán bộ Mặt trận xã và Đồn biên phòng Làng Mô để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia", tuyên truyền cho bà con hiểu rõ về âm mưu của các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “dân chủ”, “nhân quyền” để ngăn chặn sự dụ dỗ, lôi kéo, kích động tư tưởng ly khai, vượt biên trái phép. Thường xuyên xây dựng tình đoàn kết trong bản làng mình và các thôn, bản trên địa bàn xã; nêu cao được ý thức tự lực, tự cường, tích cực lao động sản xuất, xoá đói, giảm nghèo; không chặt phá rừng làm nương rẫy; khi phát hiện người lạ vào khu vực biên giới phải báo cho trưởng bản, Công an xã và Đồn biên phòng Làng Mô. Ông luôn động viên bà con trong bản làng biết ăn ở hợp vệ sinh, biết phòng chống các dịch bệnh và tham gia cùng với Đồn biên phòng Làng Mô tuần tra, bảo vệ đường biên cột mốc; kiên quyết bài trừ các phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan trái với đạo đức xã hội và pháp luật. Không gây rối mất trật tự an ninh trong bản, làng và không sa vào các tệ nạn xã hội như: Rượu chè, cờ bạc, ma túy; nâng cao cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, không nghe, không tin, không làm theo lời xúi dục của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta, chống phá sự bình yên của bản, làng. Vận động bà con trong bản từ bỏ cuộc sống du canh, du cư, từ bỏ tập quán sống theo dòng họ riêng lẻ để cùng với cộng đồng dân cư xây dựng cuộc sống mới giàu đẹp và văn minh hơn. Ông luôn gần gũi, động viên đội ngũ cán bộ trong bản đoàn kết, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của bản, làng để góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

   Thông qua việc thực hiện Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia" đã làm thay đổi được nhận thức cơ bản của đồng bào về ý thức chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hạn chế được tư tưởng trong chờ ỷ lại trong đồng bào dân tộc Vân Kiều. Do đó, từ chổ du canh, du cư với phương thức canh tác lạc hậu, đến nay bà con dân tộc Vân Kiều đã biết khai hoang, làm thủy lợi, trồng lúa nước và các loại cây nông sản, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ đói nghèo qua hàng năm đều giảm đáng kể. Đến nay 15/15 bản đã có điện sinh hoạt, có trường học tại bản, có nhà sinh hoạt cộng đồng; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào được khôi phục và phát huy. Các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã được xóa bỏ; an ninh biên giới, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị tại 15 bản được củng cố vững chắc; tỷ lệ thu hút đồng bào tham gia vào các tổ chức đoàn, hội đạt trên 90%, có 15/15 bản hình thành tổ “nhân dân tự quản về an ninh trật tự”. Đến nay trên địa bàn xã không có người sa vào các tệ nạn xã hội nghiêm trọng, đặc biệt là hiện nay trên địa bàn xã vẫn là điểm trắng về ma túy…

   Tuy nhiên, điều mà ông luôn trăn trở là xã miền núi vùng biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; trình độ, nhận thức của đồng bào còn hạn chế; địa bàn rộng, chia cắt bởi nhiều đồi núi, sông suối hiểm trỡ, giao thông đi lại cách trở, khó khăn; có bản phải đi bộ gần một ngày đường mới đến được trung tâm xã; cơ sở hạ tầng giao thông còn thiếu và yếu; đồng bào còn thiếu đất sản xuất; phương thức sản xuất, chăn nuôi của đồng bào còn nhỏ lẻ. Còn 6 bản chưa có đường ô tô đến bản; còn 131 hộ đồng bào thuộc diện hộ nghèo đang ở nhà tranh tre tạm bợ. Điều đáng quan tâm hơn là thời gian gần đây một số hộ dân ở các bản xa trung tâm sát biên giới có ý định chuyển ra gần trung tâm xã để có điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn, có đường, có trạm y tế…

   Với những kết quả đạt được trong công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ông Trần Văn Phúc luôn được bà con tín nhiệm, tin yêu. Ông vinh dự được tham gia Hội nghị Biểu dương “ Người có uy tín, tiêu biểu trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới” khu vực Biên giới tuyến Việt Nam- Trung Quốc và Việt Nam- Lào giai đoạn 2009-2018, do Ủy ban T W Mặt trận TQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Viêt Nam tổ chức ngày 27- 28 tháng 9 năm 2018 tại tỉnh Quảng Trị./.

 

( Văn Minh- MT tỉnh)
 

[Trở về]