Bản in     Gởi bài viết  
Thực trạng và giải pháp tổ chức thực hiện các mô hình tự quản ở khu dân cư, tổ dân phố tỉnh Quảng Bình 

    Thời gian qua, hoạt động của các mô hình tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa bàn địa bàn dân cư, được nhân dân đồng tình ủng hộ.  

      Quảng Bình có 08 đơn vị hành chính cấp huyện (06 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố); toàn tỉnh có 159 xã, phường, thị trấn, 1.262 thôn, bản, tổ dân phố (838 thôn, 244 bản, 180 tổ dân phố); diện tích tự nhiên trên 8.000km2, có 201 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào; dân số có trên 882.505 người. Phần lớn dân cư địa phương là người Kinh. Dân tộc ít người thuộc hai nhóm chính là Chứt và Bru – Vân Kiều, gồm những tộc người chính là: Khùa, Mã Liềng, Rục, Sách, Vân Kiều, Mày, Arem, v.v...

   Toàn tỉnh có 1.262 khu dân cư, mỗi khu dân cư đều có Ban Cán sự thôn, Ban Công tác Mặt trận và các chi hội, đoàn thể: Phụ Nữ, Đoàn thanh niên, CCB, Nông dân, Khuyến học, Cao Tuổi, Chữ Thập đỏ, Thanh niên xung phong và các Hội xã hội... Nhìn chung, Ban công tác Mặt trận dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, phối hợp tốt với Ban Cán sự thôn và các chi hội, chi đoàn tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dân cư.

Khu dân cư Kim Thủy, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa tổ chức ký kết xây dựng mô hình điểm ATGT năm 2019

  Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW Ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Chỉ thị nêu rõ: “Mở rộng các hình thức tổ chức tự quản để nhân dân, công nhân, cán bộ, công chức tự bàn bạc và thực hiện trong khuôn khổ pháp luật những công việc mang tính xã hội hoá, có sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan, đơn vị (như việc xây dựng hương ước, quy ước làng văn hoá, xây dựng tổ hoà giải, tổ an ninh, phong trào vệ sinh - môi trường, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo…)”; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đã yêu cầu: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc và bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền”.

   Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, tổ chức Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố và phát triển, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; đặc biệt, thực hiện chủ trương xây dựng các mô hình tự quản, đến nay ở nhiều đơn vị việc phát huy vai trò tự quản đã được quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, kết quả đạt được trong các mô hình tự quản ở khu dân cư, tổ dân phố đã góp phần nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

   Hoạt động của mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh luôn gắn với việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Mặt trận xây dựng các mô hình thực hiện cuộc vận động; tổ chức hiệp thương với các thành viên đăng ký các nội dung của Cuộc vận động từ đó xây dựng các mô hình cho phù hợp. Nhờ vậy, các mô hình đều phát huy được hiệu quả trong hoạt động, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

   Việc triển khai các mô hình tự quản ở khu dân cư luôn gắn với việc nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình an sinh xã hội, vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; thực hiện công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch đẹp; thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo nhằm giúp đỡ gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn trong cuộc sống, làm cho mọi người, mọi nhà đều được ấm no, hạnh phúc, thôn xóm bình yên, tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt...

   Xác định tầm quan trọng của mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh phối hợp với chính quyền, các ban ngành, các tổ chức thành viên hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận các cấp phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức thành viên cùng cấp xác định nội dung mô hình tự quản cụ thể, phù hợp, sát với từng khu dân cư. Việc xây dựng mô hình khu dân cư tự quản tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, không sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng an ninh tại địa phương...
Chính vì vậy, Thời gian qua, hoạt động của các mô hình tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa bàn địa bàn dân cư, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

   Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 4.571 mô hình tự quản do Mặt trận, các đơn vị, các ngành, hội đoàn thể xây dựng với 136.150 thành viên tham gia. Trong đó:

   - Về lĩnh vực kinh tế có 852 mô hình tự quản, với 9.283 thành viên tham gia. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như mô hình: “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với giảm nghèo bền vững, giảm nghèo có địa chỉ của Mặt trận; mô hình:“Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Tiết kiệm cho vay vốn hỗ trợ sản xuất sản xuất kinh doanh” của Hội phụ nữ; mô hình: “Nông dân giúp nhau giảm nghèo, làm giàu bền vững”; “Nuôi ong lấy mật”; “Làm hương”, “Chăn nuôi tổng hợp” “Tổ hợp tác trồng rau sạch”, “Tổ hùn vốn phát triển kinh tế” của Hội Nông dân …

   - Về lĩnh vực an ninh trật tự có 1.337 mô hình, với 66.312 thành viên tham gia. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, như mô hình: “Trường học an toàn”, “Khu dân cư đảm bảo an toàn giao thông”, “Nhóm liên gia tự quản”; “Khu dân cư bảo đảm về an ninh trật tự và không có tệ nạn xã hội“. Đặc biệt là xuất phát từ tình hình an ninh trật tự liên quan đến sự cố môi trường biển năm 2016, Mặt trận huyện Quảng Trạch đã chủ động tham mưu cho Cấp ủy, phối hợp với Chính quyền và Công an huyện thành lập mô hình Tổ “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ“ trên địa bàn 232/232 khu dân cư toàn huyện. Với phương thức, Mặt trận thành lập tổ chức, Công an huyện tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho 100% thành viên Tổ Tự phòng, tự quản, mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả giải quyết cơ bản những vấn đề an ninh trật tự nẩy sinh trên địa bàn, mô hình đã được nhân rộng trên địa bàn; mô hình “Camera giám sát an ninh trật tự” ở thành phố Đồng Hới, Lệ Thủy đã lan tỏa trên địa bàn các huyện, thị xã trên toàn tỉnh. Qua việc theo dõi hình ảnh từ Camera, lực lượng Công an đã chủ động phát hiện các vụ việc vi phạm hoặc tình hình có liên quan đến ANTT, ATGT kịp thời xác minh, lập biên bản và xử lý nhằm ổn định tình hình. Nhiều thông tin, hình ảnh, người dân cung cấp nhằm phản ánh những sự kiện nghi vấn có hoạt động phạm pháp trên địa bàn thông qua hệ thống Camera gia đình để Công an nghiên cứu, xác minh có biện pháp giải quyết phù hợp. Việc triển khai lắp đặt và đưa mô hình “Camera giám sát an ninh trật tự” đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tình hình tội phạm được đẩy lùi, ANTT, ATGT được bảo đảm, các vấn đề trật tự công cộng từng bước được giải quyết. Đây được xem là một kênh quan trọng giúp lực lượng Công an kịp thời phát hiện, nhận dạng, theo dõi, bắt giữ các đối tượng nghi vấn, phục vụ đắc lực cho công tác truy xét các vụ án một cách nhanh chóng và thuận lợi, từng bước đưa phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ trên địa bàn ngày càng phát triển lớn mạnh, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm tốt ANTT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

   - Về lĩnh vực bảo vệ môi trường có 1.027 mô hình với 16.928 thành viên tham gia. Nhiều mô hình đã phát huy tính chủ động, sáng tạo của nhân dân, đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với việc bảo vệ môi trường, góp phần không nhỏ vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi nhận thức về vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường chung của cộng đồng cư dân, tình trạng vứt rác bừa bãi đã giảm nhiều so với trước, môi trường sống của người dân được cải thiện đáng kể, người dân đã bắt đầu quen với việc phân loại rác hàng ngày và xử lý đúng nơi quy định, bộ mặt khu dân cư khang trang, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc như mô hình: “Thu gom và xử lý rác thải”; “Khu dân cư bảo vệ môi trường sáng - xanh - sạch đẹp”; mô hình: “Giữ gìn vệ sinh môi trường”; “Đoạn đường tự quản”, “Khu phố văn minh”,…

   - Về lĩnh vực thực hiện nếp sống văn minh có 1.001 mô hình với 25.053 thành viên tham gia. Nổi bật có các mô hình: “Câu lạc bộ dưỡng sinh”, “KDC thực hiện DSKHHGĐ”, mô hình “Thực hiện nếp sống văn minh”; “Tuyến đường kiểu mẫu”, “Khu phố văn minh không lấn chiếm lòng đường, vĩa hè”; mô hình: “Đường hoa, điểm hoa đô thị”, do Mặt trận và các thành viên phát động…

   Việc xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư, do người dân tự nguyện, tự giác tham gia, vì vậy có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Từ việc thực hiện mô hình tự quản toàn diện nhân dân đã tham gia các hoạt động ở tổ dân phố, thôn tích cực trách nhiệm hơn…Việc nộp thuế nhà đất, phí vệ sinh môi trường, tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo cũng như việc chấp hành các quy định về quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang … tự giác hơn. Tình cảm của các gia đình trong khu phố, thôn được gần gủi, gắn bó, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau được phát huy, hạn chế những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tinh thần trách nhiệm của cán thôn, tổ dân phố được nâng cao. Góp phần tích cực thực hiện các nội dung, tiêu chí về xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

  Việc triển khai các mô hình tự quản thể hiện rõ được vai trò tự quản, mỗi địa bàn dân cư đã chủ động hình thành các mô hình, các tổ tự quản liên gia, tạo phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ của địa phương cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

   Tuy nhiên việc duy trì, nhân rộng còn khó khăn; nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên; công tác phối hợp chỉ đạo còn hạn chế; kinh phí xây dựng mô hình còn khó khăn. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình tự quản được nhiều ngành, nhiều cấp triển khai nên còn thiếu tính đồng bộ, chồng chéo về nội dung, đối tượng, mô hình…một số mô hình còn mang tính hình thức.

   Để công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản trong tình hình hiện nay cần làm tốt các giải pháp sau:

   Thứ nhất: Để các mô hình tự quản hoạt động có hiệu quả yếu tố quan trọng và quyết định đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, của chính quyền, sự phối hợp giữa Mặt trận và các ban ngành đoàn thể từ xã, phường đến thôn, tổ dân phố, sự đồng thuận của nhân dân; mô hình phải phù hợp với đặc điểm, tình hình ở từng khu dân cư, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống, xã hội. Về quy mô tổ chức, phạm vi và lĩnh vực hoạt động sẽ linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện và tình hình thực tế ở từng địa phương, phát huy tính chủ động và sáng tạo ở cơ sở. Thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể từng giai đoạn.

   Thứ hai: Để tránh chồng chéo, trùng lặp trong xây dựng mô hình, Mặt trận phải chủ trì rà soát, đánh giá để thống nhất với các đoàn thể trong xây dựng mô hình.

   Thứ ba: Ban công tác Mặt trận các địa phương cần tiếp tục vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đoàn kết, nhất trí trong hành động. Kịp thời nắm bắt và phản ánh tâm tư nguyện vọng nhân dân để đề xuất cho cấp ủy, chính quyền những vấn đề cần giải quyết, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

   Thứ tư: Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư cần đẩy mạnh việc phối hợp thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư, vận động nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức nhà nước, đảng viên nơi cư trú...

 

Văn Lộc – Mặt trận tỉnh


 

[Trở về]