Bản in     Gởi bài viết  
Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, những vấn đề cần quan tâm 

    Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình trọng tâm của Nghị quyết số 26-NQ/TW- Nghị quyết quan trọng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau hơn 6 năm thực hiện, diện mạo nhiều vùng nông thôn trong tỉnh được đổi thay, hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được nâng cấp, đời sống đa số nông dân được cải thiện, hộ nghèo giảm, nhiều nét đẹp văn hóa được phát huy, tình làng nghĩa xóm được vun đắp. Tuy nhiên, so với mục tiêu phát triển thì còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra, trong đó cần nói đến việc thực hiện tiêu chí môi trường.

 

   Theo Quyết định số 491/QĐ -TTg, ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó, vấn đề môi trường thuộc tiêu chí 17 với 05 nội dung, đó là: Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

   Qua kết quả giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh về kết quả thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 -2016 cho thấy: Bảo vệ môi trường được xem là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, là một trong những mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững kinh tế xã hội của từng địa phương. Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quan tâm triển khai thực hiện. Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận và các đoàn thể, các hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường được tổ chức trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, thông qua đó góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

   Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả cơ bản như: Các huyện, thành phố và các xã đã quan tâm vận động nhân dân sử dụng nước hợpvệ sinh và nước sạch. Chính quyền và cơ quan chức năng đã kiểm tra, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt từ 90 - 95%. Nhân dân đã phát huy ý thức trách nhiệm trong xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất, phá bỏ tường rào để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh ở các đường làng và hộ gia đình để tạo không gian xanh. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẽ trong khu dân cư đã chú ý thực hiện việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bioga, hồ chứa có nắp đậy, bể lắng sinh học... Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường nhân các dịp Lễ, Tết, Ngày môi trường thế giới được nhân dân hưởng ứng tích cực. Chính quyền xã, thôn cơ bản đã thực hiện tốt việc quy hoạch nghĩa trang với khoảng cách xa khu dân cư. Nhiều xã đã thành lập Ban quản lý nghĩa trang và ban hành Quy chế quản lý nghĩa trang. Việc an táng người chết được thực hiện đúng quy định, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh. Chất thải, nước thải cơ bản đã được thu gom và xử lý. Nhiều xã đã thành lập tổ dịch vụ thu gom rác thải, định kỳ thu gom theo quy ước của địa phương. Nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động thu gom rác theo hướng dịch vụ chuyên nghiệp, phục vụ tốt nhu cầu thu gom xử lý rác thải của nhân dân ở cộng đồng dân cư, như xã Đồng Trạch có tổ dịch vụ thu gom rác thải của Ông Nguyễn Văn Huấn; xã Bảo Ninh duy trì hoạt động của tổ thu gom rác của xã với 28 thành viên…

Thu gom rác thải hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2017

   Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: Kinh phí thực hiện tiêu chí môi trường còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những huyện, xã vùng sâu, vùng xa, kinh tế kém phát triển, xã thuần nông. Phương tiện chuyên dụng phục vụ hoạt động thu gom rác thải còn thiếu thốn, không đáp ứng đủ nhu cầu thu gom rác trong nhân dân. Các tổ, đội thu gom rác còn khó khăn về chế độ tiền lương, thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động. Nhiều nơi thành lập tổ thu gom rác thải do Chi hội phụ nữ đảm nhận dưới hình thức hoạt động tình nguyện, vì vậy không đảm bảo về kỹ thuật an toàn lao động và thiếu tính bền vững. Việc quy hoạch bãi rác trung chuyển, bãi tập kết và xử lý chất thải rắn, chất thải độc hại còn gặp khó khăn về địa điểm, kinh phí, đang trở thành vấn đề bức bách của nhiều địa phương.

   Kết quả thực hiện một số nội dung trong tiêu chí môi trường chưa cao, như: Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch còn thấp. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, chăn nuôi hộ gia đình chưa có bản cam kết bảo vệ môi trường. Hệ thống tiêu thoát nước chưa được đầu tư xây dựng hoặc hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa nên vẫn còn tình trạng ngập, ứ đọng trong mùa mưa lũ. Quy hoạch nghĩa trang của một số xã còn gần khu dân cư. Nhiều xã chưa thành lập Ban quản lý và chưa có Quy chế quản lý nghĩa trang. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa đáp ứng đủ yêu cầu sinh hoạt của nhân dân. Việc phân loại rác thải tại nguồn chưa thực hiện trên diện rộng, còn lúng túng về phương thức vận chuyển và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại ở các hộ gia đình, làng nghề. Công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền về tiêu chí môi trường và các văn bản luật liên quan về bảo vệ môi trường còn thiếu thường xuyên, do đó nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ. Ý thức của một bộ phận nhân dân chưa cao, còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của tập thể, nhà nước. Chưa tự giác trong thu gom, xử lý rác thải…

   Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường còn bất cập. Ý thức chấp hành, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm. Sự phân cấp, phối hợp với các cơ quan chức năng, các ngành, các cấp chưa được chặt chẽ. Bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu đặc biệt là cán bộ xã nên chưa theo kịp với những diễn biến ngày càng phức tạp của các vấn đề môi trường. Nguồn lực đầu tư cho tiêu chí môi trường còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý chi sự nghiệp bảo vệ môi trường còn chưa hiệu quả, phân bố dàn trải. Xã hội hóa nguồn lực bảo vệ môi trường cần cơ chế chính sách phù hợp để huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường. Nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường. Cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương chưa phát huy đúng vai trò, trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Việc phát hiện xử lý còn chậm, lúng túng.

   Cùng với quá trình phát triển, sức ép về môi trường ngày càng lớn, tác động nhiều mặt đến đời sống người dân. Để đạt được tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Thiết nghĩ cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ khâu quy hoạch, kế hoạch bố trí nguồn lực thực hiện đánh giá kết quả và điều chỉnh kịp thời. Tăng cường vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu dân cư, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại, đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải đúng quy định. Huy động các nguồn lực xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn. Đặc biệt cần tổ chức các đội tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn, bản. Quy hoạch nơi tập kết, xử lý rác tập trung phù hợp với thực tế và quy hoạch chung của địa phương. Việc xây dựng nông thôn mới cần được phối hợp triển khai đồng bộ và tận dụng tốt nguồn lực từ các chương trình, dự án khác. Lồng ghép các nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới", thực hiện hương ước - quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường (tiêu biểu như làm bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi); đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn. Thu gom, xử lý rác thải giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động và chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về thực hiện công tác bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh tực phẩm; phát hiện và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

   Việc nâng cao nhận thức và ý thức của các tầng lớp nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, Mặt trận và đoàn thể nhằm góp phần xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng phát triển bền vững, giàu đẹp.

Mỹ Hiền - CQ UBMTTQVN tỉnh

[Trở về]