Bản in     Gởi bài viết  
ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH QUẢNG BÌNH VỚI CÔNG TÁC TÔN GIÁO 

     Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 2 tôn giáo được Nhà nước công nhận là Phật giáo và Công giáo (trong đó, Phật giáo có khoảng 3.000 tín đồ chiếm 0,35% dân số toàn tỉnh, phân bố trên địa bàn của 08 huyện, thị xã, thành phố. Công giáo có khoảng 31.071 hộ với gần 102.316 tín đồ, chiếm 12% dân số toàn tỉnh, tập trung ở 68 đơn vị hành chính cấp xã và 06 đơn vị hành chính cấp huyện). Toàn tỉnh có 02 giáo hạt (Đồng Troóc, Hướng Phương), 35 giáo xứ, 94 giáo họ; 01 Tu viện Mến Thánh giá Hướng Phương có trên 100 tu nữ và một Trung tâm nuôi trẻ khuyết tật có hơn 100 cháu khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Có 43 linh mục và 02 Trưởng, Phó Tu viện, 686 chức việc.

     Toàn tỉnh có 02 giáo hạt (Đồng Troóc, Hướng Phương), 35 giáo xứ, 94 giáo họ; 01 Tu viện Mến Thánh giá Hướng Phương có trên 100 tu nữ và một Trung tâm nuôi trẻ khuyết tật có hơn 100 cháu khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Có 43 linh mục và 02 Trưởng, Phó Tu viện, 686 chức việc.

     Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình được thành lập năm 2009, đến nay có 05 Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (cấp tỉnh 01, cấp huyện 04); có 37 chức sắc, chức việc và nhà tu hành; 13 cơ sở thờ tự Phật giáo (trong đó 6 chùa đã có sư trụ trì). Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh được thành lập tháng 10/2014, ngày 15.12.2014 đã tổ chức Đại hội đại biểu “Người công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2014-2019, đã hiệp thương cử Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh gồm 30 vị, trong đó có 02 vị linh mục làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch.

     Với quan điểm, tôn giáo và công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt, năm 2019, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Bình phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai, thực hiện tốt công tác tôn giáo với tinh thần tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân theo quy định của pháp luật. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã quan tâm phối hợp với các sở, ban ngành rà soát, thống kê tình hình quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất liên quan đến tôn giáo để phối hợp hướng dẫn các tổ chức tôn giáo lập hồ sơ đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Đến cuối năm 2019, đã có 102/112 cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trong đó Phật giáo 03, Công giáo 99) với diện tích 536.047m2. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Giáo hội Phật giáo tỉnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp số 13/CTrPH-MTTQ-TNMT-GHPG-UBĐKCG ngày 27.4.2017 về thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2017 - 2020). Năm 2019 tiếp tục cấp kinh phí để xây dựng mới 02 mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường” tại Thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Phật giáo) và Thôn Đồng Giang, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa (Công giáo) đồng thời hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để tổ chức sơ kết mô hình điểm và duy trì, nhân rộng mô hình trên địa bàn các huyện (mô hình ở Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy; mô hình ở Phú Xuân, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch; mô hình khu dân cư Chợ Cuồi, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tại giáo họ Minh Tiến, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn; tại Chùa Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh). Hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận huyện Bố Trạch xây dựng mô hình “Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau” giữa các khu dân cư vùng lương và vùng giáo trên địa bàn huyện nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình triển khai các hoạt động công tác Mặt trận tại địa bàn dân cư; khơi dậy tinh thần "Tương thân, tương ái" trong nhân dân, huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội để cùng với chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp quan tâm, chăm lo, giúp đỡ những khu dân cư, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là khu dân cư, hộ gia đình vùng giáo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

    Ủy ban MTTQ phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy tỉnh chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng thực hiện tốt các chế độ, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, Ủy ban Mặt trận tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà các chức sắc, chức việc, người theo đạo tiêu biểu trong đồng bào tôn giáo nhân các dịp Lễ, Tết truyền thống của dân tộc; kỷ niệm các ngày Lễ trọng, Đại lễ của tôn giáo và hỗ trợ các công trình an sinh xã hội cho các địa phương vùng giáo, hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất cho đồng bào vùng giáo với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

    Xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ và phối hợp của chính quyền các cấp, MTTQ và các đoàn thể luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào tôn giáo. Tích cực phối hợp cùng các tổ chức tôn giáo tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Đặc biệt là tích cực tuyên tuyền và phân tích cho đồng bào hiểu rõ những chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các tôn giáo, cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đấu tranh xóa bỏ các tà đạo, các tổ chức bất hợp pháp tuyên truyền trái phép vào địa phương.

Ông Hoàng Văn Minh, P. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình thăm chúc mừng các Linh mục trên địa bàn Lễ Noel năm 2019

     Những hoạt động của Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2019 đã góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Giảm nghèo bền vững” trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và địa bàn vùng giáo nói riêng. Với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thường trực Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự phối hợp vào cuộc của các cấp chính quyền và sự năng động, sáng tạo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh, các hoạt động của MTTQ đã tạo được sự đồng tình, phấn khởi trong các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

      Để công tác tôn giáo góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm tới, thiết nghĩ, MTTQ các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo cho các chức sắc, tín đồ các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân; củng cố niềm tin của đồng bào tôn giáo đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của các cấp chính quyền; tạo sự đồng thuận, gắn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, giữa đồng bào theo tôn giáo khác nhau.

     Thứ hai, định kỳ và đột xuất chủ trì tham mưu, phối hợp tổ chức cho cấp ủy, chính quyền gặp gỡ, đối thoại, tập hợp tâm tư, nguyện vọng chính đáng và các đề xuất, kiến nghị của tổ chức tôn giáo và đồng bào các tôn giáo.

     Thứ ba, tham mưu cho cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo; tiếp tục chọn cử cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp tham gia các lớp đào tạo chuyên ngành tôn giáo nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác này.

     Thứ tư, quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, nhất là Kết luận số 02/KL-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam “Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo”; làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc vận động, tập hợp chức sắc, nhà tu hành và xây dựng cốt cán phong trào trong các tôn giáo; phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tín đồ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong việc tạo tiếng nói chính thống để đấu tranh chống lại các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh trật tự tại địa bàn, nhất là tại các Dự án trọng điểm của tỉnh./.

Lê Huy - Ban DTTG

 

[Trở về]