Bản in     Gởi bài viết  
Vợ chồng cựu chiến binh nghèo hiến 700m2 đất để làm đường 

    Mặc dù kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, tuổi cao, sức yếu và cần tiền chữa bệnh, nhưng vợ chồng cựu chiến binh (CCB) Hoàng Công Xoan - Bùi Thị Lời, ở thôn 6 - Lộc Đại, xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã tự nguyện hiến 700m2 đất để làm đường, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ông, bà cũng luôn là CCB gương mẫu, tích cực tham gia hoạt động xã hội ở địa phương.

 

    Một thời hào hùng nơi chiến trường ác liệt

   Cùng CCB Trần Văn Thăng, chúng tôi đến thăm gia đình CCB Hoàng Công Xoan. Trong căn nhà cấp bốn đã xuống cấp, vợ chồng CCB Hoàng Công Xoan vui vẻ tiếp chúng tôi. Qua trò chuyện, chúng tôi thêm khâm phục hai vợ chồng ông đã trải qua những năm tháng tham gia kháng chiến đầy gian khổ, nhưng hào hùng không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

   Sinh năm 1942, chàng thanh niên Hoàng Công Xoan sớm lên đường nhập ngũ vào Tiểu đoàn 45, thuộc Tỉnh đội Quảng Bình. Ban ngày, bộ đội tiểu đoàn cùng người dân Vĩnh Linh tăng gia sản xuất, đêm đến ngụy trang bơi qua sông Thạch Hãn đánh giặc ở khu vực Thành cổ Quảng Trị. Người dân nơi đây thường gọi đơn vị bằng cái tên: “Đội quân ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”. Tháng 7-1968, trong một trận chiến đấu ác liệt với quân giặc, mặc dù tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, nhưng đơn vị của anh đã chiến đấu dũng cảm, nhiều đồng chí hy sinh. Hoàng Công Xoan bị thương, sau đó được đưa ra huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An điều trị. Năm 1970, anh xây dựng gia đình với chị Bùi Thị Lời, một thanh nữ nết na, tháo vát ở cùng xã. Vì lý do sức khỏe, năm 1971, Thượng sĩ Hoàng Công Xoan phục viên, trở về địa phương. Quá trình chiến đấu dũng cảm, lập nhiều thành tích, anh được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương các loại. Về tham gia công tác ở địa phương, là xã viên Hợp tác xã Quang Lộc, CCB Hoàng Công Xoan luôn thể hiện tính tiên phong gương mẫu. Thấy anh siêng năng, có tinh thần trách nhiệm cao, năm 1980, lãnh đạo cấp trên cử anh đảm nhận phụ trách Đội sản xuất Sơn Tràng. Năm 1990, do vết thương cũ và bệnh sốt rét tái phát, sức khỏe giảm sút, nên anh phải nghỉ việc để điều trị.

   Bà Bùi Thị Lời, sinh năm 1948, cha mất sớm do bị giặc Pháp giết hại. Tháng 6-1962, khi đang học cấp 3, biết anh Lào, ở thôn Lộc Đại trốn đi thanh niên xung phong, chị Lời cũng giấu mẹ gia nhập lực lượng thanh niên xung phong để được tham gia phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. Do mới tuổi 14, vóc người lại nhỏ, nên chỉ huy đơn vị thanh niên xung phong không nhận và trả về địa phương. Vậy là chị nằng nặc xin ở lại đơn vị và nói: “Nếu cháu không được ở đơn vị này thì cháu sẽ tìm đến đơn vị khác, chứ cháu nhất quyết không về nhà!”. Trước sự quyết tâm của chị, đồng chí đại đội trưởng đành chấp nhận cho chị ở lại và phân công nhiệm vụ trực phòng không. Chị còn tham gia cứu chữa thương binh. Tiếp đó, chị được chuyển sang phục vụ tại một đơn vị quân đội. Khi biết tin đơn vị chỉ nhận nam giới để đảm nhận công tác giao liên, bởi đường sá rất khó đi, gập ghềnh, nhiều đèo, dốc; để được nhận vào đơn vị, chị phải cắt tóc ngắn, đóng giả con trai. Trong một đợt dẫn bộ đội qua sông, do phải leo bờ sông quá cao, bất ngờ chiếc mũ bị rơi, đồng chí Phương-người chỉ huy đơn vị mới phát hiện chị là con gái. Đồng chí Phương nắm chặt tay chị mà nước mắt rưng rưng.

   Năm 1966, khi đơn vị đang làm đường ở Cà Tang, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình để gấp rút mở tuyến huyết mạch giao thông phục vụ cho tiền tuyến thì máy bay địch tập trung ném bom ác liệt; chị Lời cùng 44 đồng chí bị thương và 2 đồng chí hy sinh. Chị được đưa về Bệnh viện 14, đóng trên tuyến đường 12A để điều trị. Sau khi vết thương lành, chị được cấp trên cho đi học lớp y sĩ và tiếp tục phục vụ trong quân đội. Tháng 3-1969, đơn vị cử chị sang công tác tại các tỉnh Trung Lào để chữa trị cho bộ đội và nhân dân bị nhiễm chất độc hóa học. Cũng trong đợt này, chị vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông đi thị sát chiến trường. Thấy chị quá nhỏ bé, Đại tướng hỏi: “Con còn bé thế mà đi bộ đội, làm sao chịu đựng được gian khổ?”. Chị xúc động, nhưng rắn rỏi trả lời: “Dạ thưa Đại tướng, tuy con còn nhỏ, nhưng nước mất, thù cha con chưa trả được thì con không thể ở nhà được ạ!”.

   Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bên nước bạn, tháng 10-1969, chị trở về công tác ở Bệnh viện 14. Tháng 10-1970, khi lãnh đạo chính quyền địa phương đến tận đơn vị xin cho chị trở về quê vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mẹ ốm nặng, đơn vị cho chị ra quân. Về đến nhà chị mới biết, mẹ mình mới qua đời.

   Nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng

   Năm nay đã 68 tuổi, nhưng CCB Bùi Thị Lời vẫn giữ vững bản chất “bộ đội cụ Hồ”, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì tập thể, không có tư tưởng vụ lợi, vun vén cá nhân, mạnh dạn đấu tranh với những đối tượng có hành vi trộm cắp tài sản…, nên lãnh đạo Ban Quản lý chợ TP Đồng Hới cử bà đảm nhận việc thu lệ phí và quét dọn, bảo đảm vệ sinh môi trường tại chợ xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới.

   Đến thăm gia đình CCB Hoàng Công Xoan, biết ông đang mắc bệnh tiểu đường, vết thương cũ tái phát, cần có thuốc chữa trị và bồi dưỡng, trong khi thu nhập của gia đình hạn hẹp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tôi không ngần ngại đặt câu hỏi: “Sao gia đình không bán đất lấy tiền mua thuốc chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe, mà lại tự nguyện hiến 700m2 đất để làm đường?". Bà Lời vui vẻ trả lời: “Trước kia nước nhà bị đế quốc xâm lăng, chúng tôi đã không tiếc máu xương để giành lại độc lập, tự do. Nay đất nước thống nhất, chúng tôi muốn quê hương mình ngày càng đổi mới, đẹp thêm, xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ. Để quê hương, thôn xóm thêm đẹp thì đường làng, ngõ xóm phải được mở rộng và vì thế gia đình tôi sẵn sàng hiến đất. Chúng tôi không thể vui được khi đường làng chưa đẹp, bà con không vui!”.

Con đường bê tông thoáng rộng mà gia đình CCB Hoàng Công Xoan đã hiến đất để mở rộng. 

   Vâng! Câu trả lời ngắn gọn, “chắc như đinh đóng cột” đó thể hiện ý chí, phẩm chất, tấm lòng của vợ chồng CCB đều là thương binh, tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, nhưng luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Gia đình ông đã tự nguyện hiến đất, góp phần làm cho cảnh quan thôn, xóm thêm đẹp, người dân thuận tiện và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

   CCB Trần Văn Thăng dẫn chúng tôi ra con đường liên thôn trước nhà - ở đó có sự đóng góp không nhỏ của gia đình CCB Hoàng Công Xoan, khi ông bà đã hiến 700m2 đất. Nhìn con đường bê tông thoáng rộng, sạch đẹp, phẳng lì, chúng tôi thêm hiểu, con đường mới mở qua diện tích đất của gia đình hiến tặng, không những đã rút ngắn khoảng 300m đường người dân địa phương thường đi lại, mà còn làm cho cảnh sắc thôn quê thêm đẹp. Chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng, khi được biết, hiện nay, ở một số địa phương trong xây dựng nông thôn mới, còn có những hộ gia đình, mặc dù chính quyền và chủ dự án đã trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng, cán bộ đến vận động tháo dỡ công trình, tường rào… trong hành lang giải tỏa để xây dựng công trình công cộng, mở rộng đường..., nhưng họ vẫn chây ì, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và cảnh quan đường làng, ngõ xóm. Chúng tôi càng cảm phục đức hy sinh, tấm lòng vì cộng đồng của gia đình CCB, thương binh Hoàng Công Xoan, mặc dù gia đình ông còn nghèo và những năm qua gặp phải những việc không may mắn trong cuộc sống. Có được đức tính cao cả, tấm lòng vì cộng đồng đó, bởi họ luôn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ngay cả khi trở về với cuộc sống đời thường.

Bài và ảnh: Trần Văn Bình- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

[Trở về]