Bản in     Gởi bài viết  
Ý kiến của cử tri và các tầng lớp nhân dân tại kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 
   Ngày 10/7, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã chính thức khai mạc. Ông Hoàng Đăng Quang, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Thanh Hương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Trương An Ninh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp. Tại phiên khai mạc, Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh đã có báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. 

   Trong 6 tháng đầu năm 2019, các tầng lớp Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2019 - năm tăng tốc để hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp của UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, quốc phòng - an ninh giữ vững. Công tác xây dựng chỉnh đốn đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực được đẩy mạnh tạo sự đồng tình cao trong Nhân dân. Các tầng lớp Nhân dân tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tích cực lao động sản xuất, kinh doanh, hưởng ứng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân, chào mừng các ngày kỷ niệm lớn, đặc biệt là kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh và 70 năm Quảng Bình quật khởi.

Toàn cảnh  kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021

     Trên từng lĩnh vực cụ thể, cử tri và nhân dân có ý kiến như sau:

   1. Về kinh tế - xã hội
Cử tri và nhân dân đánh giá cao những chủ trương và giải pháp tích cực của tỉnh trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những tháng đầu năm 2019. Những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đã được quan tâm khai thác, tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển của tỉnh.

   Tuy vậy, tình hình sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn. Nông dân lo lắng trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây nắng hạn kéo dài; dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi đã lây lan đến một số địa phương trong tỉnh. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư; thủ tục, thời gian xây dựng nhãn hiệu, tiêu chuẩn VIETGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm kéo dài đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư sản xuất, kinh doanh của nông dân và doanh nghiệp.

   Trong thời gian qua, thị trường bất động sản, nhất là đất ở phát triển nóng, giá bị đẩy lên cao, gây “sốt ảo”, tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến người dân có nhu cầu sử dụng thật.

   Cử tri và nhân dân mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tích cực triển khai các giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhân dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả; thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; tăng cường kiểm soát, ổn định thị trường bất động sản, quản lý quy hoạch đất đô thị; tiếp tục tập trung rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, qua đó tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư sớm đưa các dự án đi vào hoạt động, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

   Cử tri và Nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian qua, nhất là trong việc quan tâm chấn chỉnh, nâng cao đạo đức, tác phong và phương pháp làm việc cho đội ngũ những người làm công tác giáo dục. Tuy nhiên, bệnh thành tích trong dạy và học vẫn tồn tại; sự cố bất thường trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã gây tâm lý bất bình cho phụ huynh, học sinh và nhân dân. Nhân dân mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, sai sót để thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đề nghị các ngành, các cấp, các địa phương và toàn xã hội cùng chung tay với ngành giáo dục, góp phần tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và chất lượng.

   Hiện nay, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bịa đặt, nói xấu cán bộ, xuyên tạc chủ trương của Đảng, Nhà nước, làm ảnh hưởng xấu tới uy tín cán bộ, lối sống thanh, thiếu niên và trật tự an toàn xã hội. Nhân dân mong muốn Sở Thông tin và truyền thông, Công an tỉnh và các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng, đẩy mạnh tuyên truyền Luật an ninh mạng, đấu tranh với các tin “xấu”, tin “độc” trên mạng xã hội. Đồng thời, xử lý nghiêm với các đối tượng vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

   Đề nghị ngành Y tế tiếp tục phối hợp triển khai tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh trong mùa hè, kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các cơ sở sản xuất, chế biến nông, hải sản, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đảm bảo phục vụ nhân dân và du khách du lịch.

    2. Về quản lý tài nguyên - môi trường

   Thời gian qua, Nhân dân bất bình, lo lắng về những vấn đề bảo vệ tài nguyên – môi trường: các vụ phá rừng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh; tình trạng công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình nhiều lần vi phạm về xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong vùng; tình trạng sử dụng thuốc hóa học để diệt cỏ một cách bừa bãi trong thời gian dài, làm ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ở các địa bàn có rừng trồng. Tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, nhất là rác thải nhựa ở các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, bãi biển, ảnh hưởng đến sức khỏe của Nhân dân, làm mất mỹ quan tại các điểm du lịch, đe dọa an toàn của đại dương; tình trạng khai thác đất, cát, sỏi lén lút, trái phép, không phép vẫn xảy ra ở một số nơi trong tỉnh…

    Cử tri và nhân dân mong muốn lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt về công tác bảo vệ tài nguyên - môi trường, xử lý nghiêm minh theo luật định đối với các đối tượng liên quan trong các vụ phá rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng nguyên sinh, rừng gỗ quý hiếm. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trái phép, không phép, vi phạm về bảo vệ môi trường tại các khu dân cư, môi trường biển, các điểm du lịch, cơ sở khai thác, sử dụng khoáng sản; các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thẩm định đánh giá chặt chẽ tác động môi trường của các dự án, kiên quyết xử lý khi các công ty, dự án tái phạm. Có biện pháp tích cực trong thu gom, xử lý rác thải nhựa, chất thải rắn.

   3. Về an ninh trật tự, an toàn xã hội

   Trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, cử tri, Nhân dân lo ngại về tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động. Nhiều vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy với quy mô, số lượng lớn; công tác phối hợp quản lý đối tượng nghiện ma túy còn chưa chặt chẽ; hoạt động “tín dụng đen”, lừa đảo, đánh bạc qua mạng ngày càng tinh vi; hoạt động của các băng nhóm “xã hội đen”, đòi nợ thuê gia tăng, gây mất an ninh trật tự công cộng. Tình hình an ninh nông thôn vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Các phần tử xấu lợi dụng dân chủ, xuyên tạc chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước để kích động lôi kéo một bộ phận Nhân dân tham gia chống đối chính quyền, cản trở việc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, gây mất trật tự, an ninh, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

    Nhân dân đề nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương có các biện pháp mạnh mẽ, tăng cường công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tụ điểm vui chơi, giải trí; kiểm soát an ninh mạng; kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng dân chủ, kích động, gây rối tình hình an ninh trật tự ở một số nơi.

    4. Về xây dựng bộ máy tổ chức cán bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

    Cử tri và nhân dân phấn khởi, tin tưởng về công tác cán bộ của tỉnh trong thời gian qua. Những cán bộ trẻ có năng lực, phẩm chất đã được lựa chọn giữ các vị trí chủ chốt ở các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành quan trọng của tỉnh theo đúng chủ trương của Đảng. Cử tri và nhân dân mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cán bộ kế cận, xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của tỉnh đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

    Cử tri, Nhân dân đồng tình và hoan nghênh tỉnh đã quyết liệt trong triển khai các chủ trương của Đảng, Chính phủ về đấu tranh phòng chống tham nhũng. Điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; xử lý, kỷ luật nghiêm những cán bộ có vi phạm. Tuy nhiên, công tác phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm, Nhân dân đang theo dõi, chờ đợi. Cử tri, Nhân dân đề nghị tỉnh tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiếp tục cải cách hành chính, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

    Bên cạnh những vấn đề nêu trên, cử tri và Nhân dân còn phản ánh về nhiều vấn đề khác như: quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai chưa chặt chẽ, quy hoạch nhiều khu đô thị mới, nhà ở thương mại; chất lượng khám chữa bệnh ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh; việc giải quyết tồn đọng hồ sơ người có công với cách mạng còn chậm, công trình nước sạch cho người dân ở nông thôn còn thiếu...

   Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; thông qua tổ chức 02 cuộc giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh kiến nghị một số nội dung sau:

    Thứ nhất, đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là thủ tục, thời gian xây dựng nhãn hiệu, tiêu chuẩn VIETGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các hợp tác xã kiểu mới.

   Đầu tư khai thác và quản lý hiệu quả các loại hình du lịch mới tạo sức hấp dẫn đối với du khách; định hướng cho nhân dân phát triển dịch vụ du lịch đúng hướng, đảm bảo cân đối giữa cung và cầu, nhất là trong dịch vụ lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ, homestay…

  Thứ hai, đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường. Các ban, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh. Công khai đánh giá tác động môi trường và đề án bảo vệ môi trường của các dự án đối với đời sống dân sinh để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân đối với các chủ trương, dự án phát triển kinh tế của tỉnh.

  Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư, môi trường biển; kiểm tra hoạt động khai thác mỏ đá, cát, sỏi ở các địa phương, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm.

   Thứ ba, đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước đối thoại trực tiếp với Nhân dân theo Quyết định số 1896 - QĐ/TU ngày 11/5/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với Quy định Số 11- QĐi/TW ngày 18/02/ 2019 của Bộ Chính trị, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Tích cực chỉ đạo việc trả lời các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của nhân dân trong các cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân ở các cấp có liên quan. Chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể trong công tác đối thoại, nhất là những điểm nổi cộm, những vấn đề liên quan đến lợi ích của người lao động, những vấn đề dư luận quan tâm.

   Thứ tư, đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 13/7/2016 về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về giảm nghèo, thường xuyên giám sát việc phân bổ kinh phí rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo Thông tư 17 và 14 của Bộ LĐTB&XH, việc bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo. Kiểm tra, phúc tra cấp huyện và cấp xã về việc thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm.

  Từng bước giảm các chính sách hỗ trợ trực tiếp về vật chất, hướng đến các chính sách hỗ trợ sinh kế để người nghèo chủ động lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo, theo phương châm Nhà nước tạo cơ chế, làm "đòn bẩy" để các hộ tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; lồng ghép các chính sách hỗ trợ giảm nghèo vào một Chương trình để giảm bớt sự chồng chéo, dàn trải, tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Mỹ Hiền
 

[Trở về]