Bản in     Gởi bài viết  
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GÓP Ý XÂY DỰNG ĐẢNG CỦA MTTQVN, CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI VÀ NHÂN DÂN 

   Công tác góp ý tham gia xây dựng Đảng của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là một trong những giải pháp quan trọng nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. 

   Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218- QĐ/TW về ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các quyết định trong cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở tổ chức quán triệt, học tập và tổ chức thực hiện rộng rãi đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Các tập thể, cá nhân xuất sắc được Tỉnh ủy tặng Bằng khen trong Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218/QĐ-TW của Bộ Chính trị 

   Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Quy định người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan nhà nước đối thoại trực tiếp với Nhân dân; Quy định trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận TQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân; “Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”...

   Những năm qua, Uỷ ban Mặt trận TQVN và các đoàn thể các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò tích cực góp ý xây dựng Đảng qua nhiều hình thức theo quy định, nhất là chú trọng công tác phối hợp với cấp uỷ, chính quyền cùng cấp tổ chức đối thoại trực tiếp với Nhân dân, kịp thời nắm bắt tình hình Nhân dân, tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và Nhân dân để tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trên các lĩnh vực. Qua đó, Mặt trận, các đoàn thể và Nhân dân đã có nhiều ý kiến góp ý cho tổ chức Đảng trong việc ban hành các chủ trương, Nghị quyết; việc thực hiện các quyết sách của tỉnh có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, cũng như góp ý đối với cán bộ, đảng viên về phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... Những ý kiến của Mặt trận và đoàn thể đã thể hiện được tiếng nói của Nhân dân với cấp uỷ, chính quyền, giúp cấp uỷ không ngừng nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; giúp chính quyền nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, hướng đến sự hài lòng của Nhân dân, góp phần ổn định tình hình ở cơ sở, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

   Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Khả năng tiếp cận và xử lý thông tin của cán bộ Mặt trận, đoàn thể cơ sở và Nhân dân còn hạn chế nên việc góp ý xây dựng Đảng, chính quyền có khi chưa kịp thời. Có nội dung chưa sát thực tiễn, hiệu quả chưa cao. Mặt trận, đoàn thể một số cơ sở còn nể nang, ngại va chạm nên chưa đóng góp nhiều ý kiến giúp cấp uỷ, chính quyền trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

   Để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân phát huy tốt vai trò góp ý xây dựng Đảng trong tình hình toàn Đảng đang phấn đấu xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Mặt trận, đoàn thể cần tiếp tục quan tâm những vấn đề như:

   Thứ nhất, các cấp uỷ Đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện để Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân phát huy vai trò góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền bằng những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể.

   Tiếp tục thực hiện tốt Quy định trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận TQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân; Quy định người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan nhà nước đối thoại trực tiếp với Nhân dân, xem công tác đối thoại với Nhân dân là một nội dung quan trọng của trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu theo Quy định số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

   Thứ hai, để có cơ sở thông tin tham gia góp ý xây dựng Đảng, các cấp Mặt trận, đoàn thể tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội.
Hàng năm, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cần lựa chọn những vấn đề mà dư luận Nhân dân quan tâm, các vấn đề bức xúc, “nổi cộm” ở địa phương… để xây dựng nội dung giám sát bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Quan tâm các vấn đề về cải cách thủ tục hành chính; xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; về phòng chống tham nhũng, lãng phí; về công tác bảo vệ môi trường.

   Chú trọng phát huy vai trò của Nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo Quyết định 99 và Quy định 124 của Ban Bí thư; vận động Nhân dân tham gia giám sát việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

   Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận, đoàn thể và Nhân dân phát hiện những vấn đề mà cấp uỷ, cơ quan quản lý nhà nước cần điều chỉnh, khắc phục trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, kịp thời góp ý, kiến nghị, phản ánh và đề xuất giải pháp thực hiện đối với cấp uỷ, chính quyền.

Thứ ba, Mặt trận và các đoàn thể các cấp thường xuyên nắm tình hình, lắng nghe, tổng hợp ý kiến, kiến nghị chính đáng của Nhân dân thông qua nhiều hình thức khác nhau, như: phối hợp tổ chức tốt các Hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư, kiến nghị của công dân…; vận động và tạo điều kiện cho các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thông qua Mặt trận, các cấp uỷ, chính quyền hiểu được những vấn đề mà người dân đang cần, đang mong muốn trong công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, từ đó có những chủ trương, chính sách đúng đắn, tạo tiếng nói chung, sự đồng thuận cao trong xã hội và Nhân dân.

    Thứ tư, Mặt trận các cấp cần thẳng thắn, chủ động nêu rõ kiến nghị, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền; đồng thời giám sát việc các cơ quan chức năng giải quyết những kiến nghị, đề xuất của Mặt trận, các đoàn thể theo quy định, từ đó để các cơ quan, đơn vị tiếp thu, thực hiện tốt hơn những ý kiến góp ý, kiến nghị chính đáng của Mặt trận. Đồng thời, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tập hợp và phát huy trí tuệ của các chuyên gia, trí thức, những cán bộ có chuyên môn sâu, tâm huyết tham gia nhiệm vụ góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quan tâm công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cho đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Mỹ Hiền

 

[Trở về]