Bản in     Gởi bài viết  
Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật 

 Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh trả lời phỏng vấn của Báo Quảng Bình về công tác chuẩn bị cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

 

   - P.V: Thưa đồng chí Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh, được biết thời gian qua cùng với cả nước, Quảng Bình đã tích cực triển khai thực hiện kế hoạch bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, xin đồng chí cho biết kết quả nổi bật của công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ở tỉnh ta?

   Đ/c Nguyễn Hữu Hoài: Có thể nói công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở tỉnh ta được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, bảo đảm theo kế hoạch, tiến độ, đúng quy trình và thời gian theo quy định của pháp luật. Nổi bật là, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bầu cử; tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.

   Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; ở cấp huyện, cấp xã đã thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử của cấp mình để lãnh đạo thực hiện công tác bầu cử ở địa phương.

   Các tổ chức phụ trách bầu cử ở các cấp được thành lập đúng quy định của pháp luật về số lượng, thành phần, cơ cấu và thời gian, cụ thể: Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; 2 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và 13 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã quyết định thành lập 8 Ủy ban bầu cử và 66 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; UBND các xã, phường, thị trấn đã thành lập 159 Ủy ban bầu cử, 1092 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và 1.138 Tổ bầu cử.
Ủy ban bầu cử các cấp đã ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu được bầu mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp và lập, công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử bảo đảm thời gian luật định.
Để thực hiện công tác bầu cử bảo đảm đúng các mốc thời gian theo quy định, Ủy ban bầu cử tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; kế hoạch tuyên truyền cuộc bầu cử; tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021;

   Ủy ban bầu cử tỉnh và Ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm, thời gian tiếp nhận hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và ứng cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 và tổ chức tiếp nhận 10 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV; 100 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh; 533 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 7.875 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Ủy ban bầu cử các cấp đã tiến hành bàn giao hồ sơ ứng cử viên cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN cùng cấp để hiệp thương, đồng thời giao nộp hồ sơ ứng cử viên đại biểu Quốc hội về Hội đồng bầu cử quốc gia theo quy định.

   Công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử được thực hiện đúng quy định. Đến ngày 17-4-2016, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN các cấp đã hoàn thành các bước của quy trình hiệp thương, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc với cử tri xã Thuận Đức, Đồng Hới.

   Đến ngày 12-4-2016, các xã, phường, thị trấn đã hoàn thành việc lập và niêm yết danh sách cử tri theo quy định tại Điều 29 đến Điều 32 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo báo cáo của các địa phương, toàn tỉnh có 648.139 cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

   Công tác tuyên truyền bầu cử trên địa bàn toàn tỉnh được quan tâm và thực hiện đúng kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được chú trọng. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến bầu cử được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, thẩm quyền quy định.

   Để tạo điều kiện cho các địa phương ở vùng sâu, vùng xa chủ động trong việc tổ chức bầu cử, vừa qua, Ủy ban bầu cử tỉnh đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến của Hội đồng bầu cử quốc gia cho phép 13 khu vực bỏ phiếu (thuộc huyện Bố Trạch và Quảng Ninh) ở nơi xa xôi, hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn được tổ chức bỏ phiếu vào ngày 20-5-2016 (sớm hơn quy định 2 ngày).

   Việc bảo đảm cơ sở, vật chất và các điều kiện phục vụ công tác bầu cử được đặc biệt quan tâm. Ủy ban bầu cử tỉnh chuẩn bị chu đáo, đầy đủ và chuyển về cho các địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử các loại tài liệu, biểu mẫu, con dấu và hướng dẫn các địa phương chuẩn bị các điều kiện khác bảo đảm cho cuộc bầu cử được diễn ra an toàn, thuận lợi, đạt kết quả tốt.

  Ngoài ra, UBND tỉnh đã quan tâm bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh và kinh phí do nguồn ngân sách Trung ương cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời thực hiện công tác bầu cử.

   - P.V: Có thể nói vấn đề mà cử tri quan tâm nhất trong tất cả các cuộc bầu cử là việc lựa chọn giới thiệu ứng cử viên có đức, có tài để đưa vào danh sách bầu cử, xin đồng chí cho biết chất lượng của các ứng cử viên đại biểu và cơ cấu các thành phần trong xã hội mà hội nghị hiệp thương các cấp đã lựa chọn lần này?

    Đ/c Nguyễn Hữu Hoài: Như đã nói ở trên, đến ngày 17-4-2016, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ 3, lập danh sách 8 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV do các cơ quan ở tỉnh giới thiệu và 2 người do Trung ương giới thiệu; 83 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND tỉnh; 462 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 4.036 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Thành phần, cơ cấu, chất lượng của ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp được hội nghị hiệp thương các cấp lựa chọn như sau:

   - Đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội (do địa phương giới thiệu): Lãnh đạo chủ chốt 1 người, chiếm 12,5%; chuyên trách 1 người (tái cử), chiếm 12,5%; phụ nữ 4 người, chiếm 50%; dân tộc thiểu số 2 người, chiếm 25%; dưới 35 tuổi 2 người, chiếm 25%; ngoài Đảng 1 người, chiếm 12,5%; trình độ chuyên môn trên đại học 5 người, chiếm 62,5%; đại học 03 người, chiếm 37,5%.

   - Đối với ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh: Chuyên trách Đảng 16 người, chiếm 19,3%; CB, CC, VC nhà nước 40 người, chiếm 48,2%; chuyên trách đoàn thể 13 người, chiếm 15,7%; doanh nghiệp 8 người, chiếm 9,6%; nông nghiệp 1 người, chiếm 1,2%; ngành nghề khác 5 người, chiếm 6%.

   Trong đó, phụ nữ 30 người, chiếm 36,1%; dân tộc thiểu số 2 người, chiếm 2,4%; dưới 35 tuổi 19 người, chiếm 22,9%; ngoài đảng 17 người, chiếm 20,5%. Về trình độ: Tiến sỹ 4 người, chiếm 4,8%; thạc sỹ 25 người, chiếm 30,1%; đại học 45 người, chiếm 54,3%; trung cấp, cao đẳng 7 người, chiếm 8,4%; còn lại 2 người, chiếm 2,4%.

   - Đối với ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện: Phụ nữ 202 người, chiếm 43,72%; ngoài Đảng 72 người, chiếm 15,8%; dưới 35 tuổi 121 người, chiếm 26,19%; người dân tộc thiểu số 13 người, chiếm 2,81%; tôn giáo 11 người, chiếm 2,38%; tái cử 98 người, chiếm 21,21%; trình độ chuyên môn trên đại học 46 người, chiếm 9,96%; đại học 323 người, chiếm 69,91%; dưới đại học 93 người, chiếm 20,13%.

   - Đối với ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã: Phụ nữ 2.586 người, chiếm 38,3%; ngoài Đảng 1.614 người, chiếm 23,9%; dưới 35 tuổi 2.059 người, chiếm 30,49%; người dân tộc thiểu số 318 người, chiếm 4,71%; tôn giáo 129 người, chiếm 1,91%; tái cử 2.223 người, chiếm 32.92%; trình độ chuyên môn trên đại học 16 người, chiếm 0,24%; đại học 2.077 người, chiếm 30,76%; dưới đại học 4.659 người, chiếm 69%.

   - P.V: Thời gian đến ngày bầu cử 22-5 không còn nhiều, xin đồng chí cho biết Ủy ban bầu cử tỉnh sẽ có chỉ đạo gì để cuộc bầu cử thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân và cử tri phát huy tối đa quyền, nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử này?

   Đ/c Nguyễn Hữu Hoài: Từ nay đến ngày bầu cử, Ủy ban bầu cử tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức phụ trách bầu cử tiếp tục thực hiện tốt các mốc thời gian theo lịch trình và kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền và công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong thời gian từ nay đến khi kết thúc cuộc bầu cử; giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử và thường xuyên cảnh giác chống mọi âm mưu phá hoại cuộc bầu cử. Các công việc tập trung chỉ đạo thực hiện đó là:

   - Chỉ đạo các Tổ bầu cử niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử theo quy định; chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử; tổ chức tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho thành viên các Tổ bầu cử;

   - Chỉ đạo công tác in ấn và phân bổ tài liệu bầu cử cho các đơn vị, địa phương để kịp thời niêm yết theo luật định; rà soát các phương tiện, thiết bị phục vụ bầu cử để bổ sung, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho các địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện tốt công tác bầu cử;

   - Chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương liên quan bảo đảm công tác an ninh trật tự, triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ bầu cử; chủ động nắm chắc tình hình cơ sở, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tôn giáo, giải phóng mặt bằng có xảy ra khiếu kiện;

   - Thành lập các Đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ở các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh và một số địa phương về thực hiện công tác bầu cử, bảo đảm công tác bầu cử đúng luật;

   - Tập trung chỉ đạo để giải quyết triệt để việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử; tránh những hoài nghi, giảm sút niềm tin và tính dân chủ trong bầu cử của cử tri;

   - Đặc biệt, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác tuyên truyền bầu cử. Đa dạng hóa các hình thức và nội dung tuyên truyền; chú trọng tuyên truyền đầy đủ về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, quyền và nghĩa vụ của người ứng cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri; đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các vùng còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử để các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực, tự giác vào sự kiện bầu cử và ngày bầu cử thực sự phải là ngày hội lớn của toàn dân.

   - P.V: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh!

(Theo QBĐT)

[Trở về]