Bản in     Gởi bài viết  
Bác Hồ với phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” và giá trị tư tưởng trong vận động các tầng lớp phụ nữ Quảng Bình tham gia phát triển kinh tế - xã hội 
 

     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc: "Non sông gấm vóc Việt Nam do Phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ". Đáp lại những tình cảm to lớn, sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phụ nữ Việt Nam đã ra sức lao động, chiến đấu góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

    Năm 1964, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã ra quân với khí thế cách mạng to lớn; lớp lớp thanh niên tình nguyện lên đường ra mặt trận với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng chục vạn phụ nữ tình nguyện đảm nhiệm “việc nước, việc nhà” để chồng, con yên tâm ra trận.

    Trong không khí sôi sục của những ngày “Nam - Bắc thi đua đánh Mỹ”, ngày 22 tháng 3 năm 1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam kêu gọi phụ nữ toàn quốc quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” trong phụ nữ toàn miền Bắc với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho chồng con đi chiến đấu; Đảm nhiệm việc gia đình cho chồng, con, anh em tòng quân và phục vụ lâu dài trong quân đội; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu; phục vụ bộ đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu.

Anh hùng lao động Nguyễn Thị Kim Huế thay mặt lớp anh hùng trẻ tuổi lên tặng hoa Bác Hồ tại Đại hội thanh niên xung phong toàn quốc, năm 1967

    Quan tâm tới phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới phong trào của chị em phụ nữ, Người đã chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang” đúng với bản chất của người phụ nữ trong gian khó. Từ “Ba đảm nhiệm” đến “Ba đảm đang”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên dấu ấn đặc biệt cho phong trào phụ nữ. Người luôn theo dõi sát sao phong trào của chị em. Lần đầu tiên phong trào “Ba đảm đang” được Bác viết trong văn bản “Lời kêu gọi nhân ngày 20-7-1965”, khuyến khích chị em thực hiện thật tốt phong trào này, để làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng “Chống Mỹ cứu nước”. Ngay từ những ngày đầu khi phong trào mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Chị em phụ nữ hãy thực hiện thật tốt “Ba đảm đang” góp phần đắc lực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…”.

    Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện nội dung phát động của TW Hội LHPN Việt Nam, ngày 03 tháng 4 năm 1965, Ban chấp hành Hội LHPN Quảng Bình phát động phong trào thi đua "Ba đảm đang" trong toàn tỉnh với tinh thần quyết tâm cao. Phong trào "Ba đảm đang" phù hợp với nguyện vọng và bản chất cách mạng của phụ nữ, nên nhanh chóng trở thành phong trào quần chúng có chiều sâu lẫn chiều rộng, huy động sức mạnh tổng hợp của phụ nữ toàn tỉnh hưởng ứng. Ở các công - nông trường, xí nghiệp, trang trại, 100% chị em đã được học tập và đăng ký sẵn sàng đảm nhiệm sản xuất, hoàn thành kế hoạch Nhà nước. Ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp, chị em sẵn sàng đảm nhiệm mọi công tác và sẵn sàng phục vụ chiến đấu.

    Phong trào “Ba đảm đang” được phụ nữ Quảng Bình hưởng ứng và thổi bùng lên khí thế cách mạng cùng với việc thực hiện nội dung phát động phong trào thi đua “Hai giỏi” của Tỉnh ủy (sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi), nhằm động viên toàn quân, toàn dân ta dương cao ngọn cờ thi đua "Quyết tâm đánh thắng Mỹ xâm lược" cho đến thắng lợi hoàn toàn, các cấp Hội phụ nữ đã nhạy bén gắn nội dung phong trào "Ba đảm đang" với nội dung phong trào thi đua “Hai giỏi”. Phong trào thi đua trở thành chiến sĩ "Hai giỏi", "Ba đảm đang" đã khơi dậy lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, bồi dưỡng, phát huy truyền thống cách mạng của phụ nữ, do đó dù gian khổ hy sinh đến mấy, chị em sẵn sàng vượt qua để chiến thắng... Phụ nữ Quảng Bình cùng với quân dân trong tỉnh không những đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mà còn vượt qua mọi khó khăn gian khổ bám sát đồng ruộng, bảo đảm diện tích canh tác, thâm canh tăng năng suất, làm thủy lợi, cấy lúa thẳng hàng, làm ruộng tăng sản. Từ đồng ruộng đến núi rừng, biển cả, xí nghiệp, công trường, bệnh viện, trường học, cửa hàng... nơi nào, ở đâu, chị em cũng vươn lên với khí thế "Hai giỏi", "Ba đảm đang".

    Phong trào "3 đảm đang", "Hai giỏi" được khơi nguồn và phát triển sâu rộng, phù hợp với nguyện vọng của chị em, vì vậy thu hút tất cả mọi tầng lớp phụ nữ tham gia. Qua phong trào "Ba đảm đang", "Hai giỏi" phụ nữ Quảng Bình đã phát huy khả năng của mình, góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ trong phong trào ”3 đảm đang", "Hai giỏi" đã xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân tiêu biểu, đó là: xã “3 đảm đang” Cam Thủy; đội đánh cá nữ Minh Khai do nữ Anh hùng Nguyễn Thị Khứu làm đội trưởng; Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Ba Đa - Đồng Sơn; Tổ 27/3 Nông trường Lệ Ninh; Tổ 1/5 Nông trường Việt Trung; cửa hàng “3 đảm đang” Văn la…; Đại đội Nữ Pháo binh Ngư Thủy Anh hùng đã bắn cháy 5 tàu chiến Mỹ; 27 đơn vị dân quân trực tiếp dùng súng 12ly7, nhiều đơn vị bắn rơi máy bay; sáu nữ anh hùng lao động và anh hùng lực lượng vũ trang: Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Suốt, anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thị Lý, anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, anh hùng Đinh Thị Thu Hiệp trên mặt trận Giao thông, anh hùng ngành Y tế Trần Thị Diên, anh hùng lao động Nguyễn Thi Khứu và 25.586 chị đạt danh hiệu “2 giỏi”; “3 đảm đang” là những bông hoa tiêu biểu của phụ nữ trên khắp các mặt trận sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

    Hơn 50 năm đã trôi qua, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ đã được ghi nhận là một mốc son trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam - một phong trào đã có tác dụng vận động to lớn trong một giai đoạn lịch sử dân tộc. Phong trào đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nhưng những giá trị tinh thần và hiệu quả to lớn vẫn giữ nguyên giá trị và trở thành truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Truyền thống đảm đang đã và đang được các thế hệ phụ nữ trân trọng, phát huy và nâng lên tầm cao mới và đến hôm nay tinh thần “Ba đảm đang” luôn được thắp sáng trong phong trào phụ nữ Quảng Bình.

    Phát huy truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của phụ nữ Việt Nam, kế thừa tinh thần "Ba đảm đang", phụ nữ Quảng Bình đã không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn và có nhiều đóng góp xứng đáng trên các lĩnh vực. Sau hơn 30 năm đổi mới xây dựng quê hương, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận dụng sáng tạo các chương trình trọng tâm, nhiệm vụ công tác của Hội phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đồng thời đáp ứng với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của cán bộ, hội viên phụ nữ. Tổ chức, hướng dẫn và vận động các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng các phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn của Hội, đặc biệt là phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Phụ nữ Quảng Bình học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã có sức lan toả, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động đối với hội viên phụ nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ Quảng Bình đã tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua như: “Phụ nữ thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Giúp nhau phát triển kinh tế”... Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, chị em đã nổ lực lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều phụ nữ được giúp đỡ thoát nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, phụ nữ tích cực học tập, nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, nâng cao hiểu biết về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, giúp chị em có những kiến thức cần thiết để tổ chức tốt cuộc sống gia đình, thực hiện tốt chức năng làm vợ, làm mẹ, xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc'', tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao vai trò, địa vị người phụ nữ. Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng Hội vững mạnh, nhận thức đúng đắn nhiệm vụ và vai trò trách nhiệm của phụ nữ trong việc góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, phụ nữ Quảng Bình không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nêu cao trách nhiệm tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… Những kết quả đó, chính là nền tảng quan trọng để các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, để phụ nữ Quảng Bình tiếp tục ra sức học tập, rèn luyện, vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

    Tự hào và phát huy truyền thống của các thế hệ phụ nữ “Ba đảm đang”, phát huy truyền thống oanh liệt của Bà Trưng, Bà Triệu, của các thế hệ phụ nữ Việt Nam anh hùng, của phụ nữ quê hương “Hai giỏi”, phụ nữ Quảng Bình khắc ghi lời dạy của Bác, phát huy cao độ tinh thần “Ba đảm đang” trong giai đoạn mới, tích cực vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ hoàn thiện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, phấn đấu vươn lên cùng với toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh nhà, xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng phụ nữ Việt Nam "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang"./.

Phạm Thị Hân - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

 

 

[Trở về]