Bản in     Gởi bài viết  
Báo cáo về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do bão số 10, bão số 11 gây ra 
(Website Quảng Bình) - Ngày 29-10-2013, UBND tỉnh đã có Báo cáo số 195/BC-UBND-KTTH về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do bão số 10, bão số 11 gây ra. Nội dung cụ thể như sau:
I. Diễn biến của bão số 10, bão số 11 và các hiện tượng thời tiết do bão số 11 gây ra
- Ngày 30/9/2013, bão số 10 đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình. Theo báo cáo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, bão số 10 đổ bộ vào đất liền có sức gió rất mạnh. Tại thành phố Đồng Hới bão cấp 12 giật cấp 13, tại huyện Quảng Trạch bão cấp 13, giật cấp 14; tại huyện Bố Trạch bão cấp 12, giật cấp 13, có nơi giật cấp 14; tại huyện Tuyên Hóa, bão cấp 10 giật cấp 11; huyện Minh Hóa bão cấp 9, giật cấp 10; tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh bão cấp 11 giật cấp 12. Thời gian bão duy trì trên cấp 10 kéo dài hơn 5 giờ (từ 14 giờ đến hơn 19 giờ ngày 30/9). Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Quảng Bình trong hơn 30 năm qua, phạm vi ảnh hưởng rộng, sức tàn phá lớn, tâm bão nằm trọn trên địa bàn của tỉnh, đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
 
- Trong hai ngày 14 và 15/10/2013, do ảnh hưởng cơn bão số 11, trên địa bàn tỉnh có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Cùng với tác động của hoàn lưu vùng thấp do bão số 11, kết hợp với không khí lạnh tăng cường, nên từ 7h ngày 15/10 đến 8h ngày 16/10 đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to; đặc biệt trên địa bàn các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa lượng mưa đo được từ 465mm đến 536mm, lúc 13h ngày 16/10 mực nước sông tại Đồng Tâm là 16,64m trên báo động III 0,70m, tại Mai Hóa: 7.93m trên báo động III 1,43m, xuất hiện lũ đặc biệt lớn ở các lưu vực sông Gianh và sông Son tương tự lũ năm 2007 và 2010.
Cùng với thời gian bão và lũ, lụt, trong ngày 16 và ngày 17/10/2013 xảy ra lốc xoáy tại xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Cao Quảng, xã Ngư Hoá (huyện Tuyên Hoá), xã Lâm Thủy, Mai Thuỷ, Mỹ Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ), đặc biệt, lốc xoáy rất mạnh xảy ra tại các xã Quảng Sơn, Quảng Văn, Quảng Minh (huyện Quảng Trạch) gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
 
II. Công tác chỉ đạo
 
Thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn về triển khai công tác phòng chống bão số 10 và cơn bão số 11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 02 công văn chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND lúc 16h ngày 28/9/2013, Công điện số 09/CĐ-UBND lúc 17h ngày 29/9/2013; Công điện số 11/CĐ-UBND lúc 10 giờ 00 ngày 14/10/2013, Công điện số 12/CĐ-UBND lúc 16 giờ 00, ngày 15/10/2013 và Công điện số 13/CĐ-UBND lúc 10 giờ 00 ngày 16/10/2013 gửi các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị triển khai công tác phòng chống, sẵn sàng ứng phó với bão, lũ lụt. Ngày 17/10/2013, Uỷ ban nhân dân tỉnh có Công văn số 1189/UBND gửi các sở, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lụt, bão số 11.
 
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 10, bão số 11 ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, tập trung các địa bàn xung yếu, vùng trũng thấp; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, các địa phương hoãn các hội nghị, các cuộc họp để tập trung cho công tác phòng, chống bão. Các lực lượng chức năng, cơ quan, đơn vị, địa phương đã huy động lực lượng để ứng phó với bão số 10 và bão số 11, không cho tàu thuyền ra khơi, kêu gọi tàu thuyền về khu neo đậu an toàn; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản; cử người canh gác tại các điểm ngầm, tràn, đò ngang; tích cực chỉ đạo chằng, chống kho tàng, công trình, trụ sở, cắt tỉa cây xanh; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải; rà soát, kiểm tra an toàn điện lưới, thông tin, an toàn hồ đập; chỉ đạo cho học sinh các trường học nghỉ học trong những ngày mưa bão, lũ lụt.
 
Lực lượng vũ trang tỉnh đã triển khai các phương án, bố trí nhân lực, phương tiện trực 24/24 đảm bảo xử lý các tình huống khẩn cấp. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động 300 cán bộ, chiến sỹ, 35 phương tiện; Công an tỉnh huy động 15 ca nô, 150 cán bộ, chiến sỹ; Quân sự tỉnh huy động 20 ca nô cùng hàng trăm cán bộ, chiến sỹ phối hợp với lực lượng dân quân thường trực tại các xã, thị trấn đã kêu gọi 3.745 tàu thuyền với 14.971 ngư dân vào nơi tránh, trú bão; di dời 2.147 hộ dân/7.430 nhân khẩu đến nơi an toàn. 
Trước và trong những ngày bão, lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã họp khẩn, triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 10, cơn bão số 11; đồng thời, thành lập các đoàn công tác về trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại các địa phương trong tỉnh.
 
Đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương do Bộ trưởng Cao Đức Phát - Trưởng ban Chỉ đạo và Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vào kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lụt tại tỉnh. 
Ngay sau bão số 10 và lũ lụt, lốc xoáy của hoàn lưu bão số 11, Tỉnh ủy đã có Công văn, Ủy ban nhân dân tỉnh có Công điện khẩn; đồng thời, tổ chức các đoàn đi kiểm tra, nắm tình hình và khẩn trương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão, lụt ở các địa phương, đơn vị.
 
III. Tình hình thiệt hại
 
Mặc dù đã tích cực triển khai các phương án đối phó với bão số 10, bão số 11, nhưng do đây là cơn bão rất mạnh, đổ bộ trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh, kèm theo mưa to đến rất to, lốc xoáy và xảy ra trong thời gian rất gần nhau nên đã gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người và tài sản.
 
1. Về người
 
- Bão, lũ đã làm chết 19 người, trong đó bão số 10: 07 người (Đồng Hới: 2, Lệ Thuỷ: 1, Quảng Trạch: 2, Bố Trạch: 2); bão số 11 và lũ lụt, lốc xoáy: 12 người (Quảng Trạch: 9, Bố Trạch: 3);
- Người bị thương: 229 người, trong đó bão số 10: 140 người; bão số 11 và lũ lụt, lốc xoáy: 89 người.
 
2. Về tài sản
 
- Nhà sập đổ: 471 nhà, trong đó: bão số 10: 345 nhà; bão số 11 và lũ lụt, lốc xoáy: 260 nhà;
- Nhà bị tốc mái: 157.500 nhà, trong đó: bão số 10: 156.517 nhà; bão số 11 và lũ lụt, lốc xoáy: 983 nhà;
- Nhà bị ngập: 38.902 nhà, trong đó: bão số 10: 3.581 nhà; bão số 11: 34.321 nhà;
- Trường học bị tốc mái: 461 trường, trong đó: bão số 10: 460 trường; bão số 11 và lũ lụt, lốc xoáy: 01 trường;
- Trường học bị ngập: 333 phòng (chủ yếu do bão số 11);
- Trạm y tế, công trình phúc lợi khác bị tốc mái, ngập lụt: 756 công trình, trong đó: bão số 10: 98 công trình; bão số 11 và lũ lụt, lốc xoáy: 658 công trình;
- Tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng: 116 chiếc, trong đó: bão số 10: 113 chiếc; bão số 11 và lụt, lụt, lốc xoáy: 03 chiếc.
 
3. Về nông nghiệp, thủy sản
 
- Diện tích hoa màu bị ngập, hư hỏng: 80 ha; cây ăn quả bị thiệt hại: 60 ha; hoa màu các loại: 2.499 ha (chủ yếu do bão số 11 và lũ, lụt);
- Cây lâm nghiệp bị thiệt hại: 7.666 ha, trong đó: bão số 10: 7.495 ha; bão số 11 và lụt, lụt, lốc xoáy: 171 ha;
- Tổng diện tích cao su bị thiệt hại: 12.174 ha/18.220 ha, gồm:
+ Diện tích cao su kiến thiết cơ bản: 3.083 ha, trong đó thiệt hại trên 70% là 911 ha, thiệt hại từ 50 - 70% là 132 ha; thiệt hại từ 25 - 50% là 1.819 ha, còn lại là thiệt hại dưới 25%;
+ Diện tích cao su kinh doanh: 9.091 ha, trong đó thiệt hại trên 70% là 7.680 ha, thiệt hại từ 50 - 70% là 1.049 ha; thiệt hại từ 25 - 50% là 253 ha, còn lại là thiệt hại dưới 25%.
Về địa bàn thiệt hại: Huyện Bố Trạch là đơn vị bị thiệt hại nặng nhất với hơn 8.000 ha, trong đó Công ty TNHH MTV Việt Trung thiệt hại gần 3.000 ha, với gần 1.000 ha thiệt hại hoàn toàn, còn lại là diện tích cao su tiểu điền của người dân. Hai công ty khác là Công ty TNHH MTV Lệ Ninh thiệt hại hoàn toàn hơn 600 ha, Công ty TNHH MTV lâm công nghiệp Long Đại thiệt hại nặng hơn 700 ha.
- Lương thực bị thiệt hại: 11.704 tấn (chủ yếu do bão số 11);
- Có 308 con trâu, bò; 3.102 con lợn; 22.766 con gia cầm bị cuốn trôi và chết (chủ yếu do lũ, lụt);
- Diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại: 382 ha, trong đó: bão số 10: 289 ha; bão số 11 và lũ lụt, lốc xoáy: 93 ha.
 
4. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi
 
- Đất đá, bê tông bị sạt lở: 1.287.371m3, trong đó: bão số 10: 800.000m3; bão số 11 và lũ, lụt, lốc xoáy: 487.371m3;
- Chiều dài đê kè bị sạt lở cuốn trôi: 145.620m (chủ yếu do bão số 11);
- Công trình phai, đập cống bị hư hỏng: 64 công trình (chủ yếu do bão số 11);
- Trạm bơm bị hư hỏng: 28 trạm (chủ yếu do bão số 11);
- Hồ chứa, đập dâng bị hư hỏng: 21 cái (chủ yếu do bão số 11);
- Trên 4.640 cột điện, cột thông tin bị gảy, đổ; 5 trạm thông tin bị thiệt hại; 650.550 m dây thông tin, dây điện bị đứt.
(có các Phụ lục chi tiết kèm theo)
Ước tính tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh do hai đợt thiên tai xảy ra trong tháng 10 là 8.636 tỉ đồng, trong đó: bão số 10 là 8.121 tỉ đồng và bão số 11 là 514 tỷ đồng.
 
IV. Công tác khắc phục hậu quả bão, lũ
 
Ngay sau khi bão và lũ lụt xảy ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Công văn khẩn chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10 và lũ lụt, lốc xoáy do hoàn lưu bão số 11 gây ra. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Công điện và công văn để chỉ đạo các huyện, thành phố, các sở, ngành khẩn trương khắc phục hậu quả bão, lụt. Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tỉnh đã cử các đoàn đi kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc phục hậu quả của cơn bão số 10 vào lũ lụt, lốc xoáy của hoàn lưu bão số 11.
 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp rà soát, nắm bắt tình hình, động viên, ổn định tư tưởng nhân dân; chỉ đạo huy động các lực lượng tại chỗ để khẩn trương khắc phục hậu quả, nhất là những nơi bị thiệt hại nặng; tập trung cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân trong vùng bão, lụt; thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, bị thương, gia đình bị thiệt hại nặng; chỉ đạo các địa phương hỗ trợ ban đầu các gia đình có người chết, người bị thương và gia đình có nhà bị sập đổ, cuốn trôi, tốc mái theo quy định. Mặt trận, các đoàn thể và lực lượng vũ trang tăng cường vận động đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ tích cực giúp dân sửa chữa lại nhà ở; chỉ đạo xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau bão và lũ lụt.
 
UBND tỉnh đã trích kinh phí dự phòng năm 2013 của tỉnh là 19 tỷ đồng và huy động các nguồn lực hỗ trợ các huyện, thành phố khắc phục hậu quả cơn bão số 10.
Ngay sau bão, lũ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng cử cán bộ, chiến sỹ, Đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội đã cử người xuống các địa phương, nhất là các địa phương bị lốc xoáy, bị lũ, bị ngập lụt lớn giúp người dân dọn dẹp, tu bổ, sửa chữa nhà cửa, trường học, bệnh viện, trạm y tế, trụ sở, nhà cửa. Đến nay, các trường học trong toàn tỉnh đã ổn định việc dạy và học.
 
Các ngành chức năng đã tập trung huy động lực lực lượng, phương tiện để khắc phục các tuyến đường giao thông bị hư hỏng, nhất là Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường tỉnh lộ; khắc phục các tuyến đường dây, trạm biến áp, hệ thống thông tin liên lạc bị hư hỏng; kiểm tra tình hình thiệt hại về sản xuất nông, lâm, thủy sản; đồng thời có biện pháp khắc phục sự cố của các hồ, đập thủy lợi, hệ thống đê, kè để đảm bảo an toàn cho các công trình. Các tuyến giao thông Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A, Quốc lộ 15, 16, Quốc lộ 9B, hiện tại các tuyến đường trên địa bàn đã thông xe. Mạng lưới thông tin liên lạc cơ bản đã được khắc phục; điện lưới đã khôi phục trên 80%, hiện tại 153/157 xã đã có điện lưới; việc cấp nước, cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và đời sống nhân dân đã cơ bản ổn định.
 
Ủy ban Mặt trận tỉnh, Ban Cứu trợ tỉnh đã ra lời kêu gọi, tổ chức tốt việc tiếp nhận và phân bổ tiền, hàng hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ nhân dân trong tỉnh. Đến ngày 24/10/2013, Ban Cứu trợ tỉnh, Ủy ban Mặt trận tỉnh đã tiếp nhận hỗ trợ của 154 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền và hàng hóa quy ra tiền trên 45 tỷ đồng (trong đó nguồn ủng hộ của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tỉnh, thành phố trên 14 tỷ đồng); đã phân bổ 31 tỷ đồng, trong đó các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm trực tiếp các địa phương là 9,738 tỷ đồng; Hội Chữ Thập đỏ và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phân bổ trên 6,255 tỷ đồng. Việc tiếp nhận, phân bổ các nguồn hàng cứu trợ đảm bảo khẩn trương, kịp thời, đúng đối tượng. Hiện nay, Ban Cứu trợ tỉnh, Ủy ban Mặt trận tỉnh, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh đang tiếp tục tiếp nhận hàng cứu trợ để cấp phát đến tận tay người dân bị thiệt hại.
 
Để tiếp tục khắc phục hậu quả bão, lụt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có các văn bản và trực tiếp chỉ đạo các địa phương, cơ quan, các sở, ngành trong tỉnh tập trung xử lý và kịp thời khắc phục hậu quả bão, lụt. Trước mắt, tập trung chỉ đạo khẩn trương các công việc chủ yếu sau đây:
 
- Tiếp tục phát động toàn dân, huy động các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, Đoàn Thanh niên giúp dân khắc phục, sửa chữa, dọn dẹp cây cối, đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông trên địa bàn; tiếp tục khắc phục, sửa chữa các sự cố, đảm bảo điện, nước, thông tin liên lạc cho nhân dân; tu bổ, sửa chữa trường học, bệnh viện, trạm y tế, trụ sở, nhà cửa để ổn định việc học tập của học sinh và sinh hoạt, khám chữa bệnh của nhân dân. Tập trung làm vệ sinh, xử lý môi trường, tăng cường các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh cho người và gia súc.
- Tiếp tục tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị nạn, các gia đình có người chết, người bị thương.
 
- Chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát các đối tượng chính sách, hộ nghèo bị thiệt hại lớn về tài sản để trích ngân sách dự phòng hỗ trợ, đảm bảo cho nhân dân không bị đói và một số nhu cầu thiết yếu.
- Tích cực chỉ đạo và tăng cường các biện pháp để khôi phục những thiệt hại liên quan đến sản xuất, chuẩn bị các điều kiện về giống, vật tư, phân bón để triển khai sản xuất vụ Đông, Đông Xuân 2013 - 2014 và sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn.
 
V. Kiến nghị, đề xuất
 
Do sức tàn phá của bão số 10 và lũ, lụt, lốc xoáy của hoàn lưu cơn bão số 11 quá lớn, lại xảy ra trong thời điểm gần nhau, nên hậu quả gây ra đối với tỉnh hết sức nặng nề, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để khắc phục, đảm bảo an sinh xã hội và sửa chữa các công trình cấp bách. Trong lúc nguồn lực của địa phương còn rất hạn chế, tỉnh Quảng Bình kính đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ cho tỉnh như sau:
 
1. Hỗ trợ khẩn cấp
 
- Hỗ trợ cứu đói cho người dân ở những vùng thiệt hại không có gạo để ăn: 10.000 tấn gạo, trước mắt hỗ trợ 5.000 tấn.
- Hỗ trợ 480 tỷ đồng, trước mắt hỗ trợ khẩn cấp 200 tỷ đồng để sớm khắc phục hậu quả do cơn bão số 10 và lũ, lụt, lốc xoáy do hoàn lưu cơn bão số 11 gây ra.
- Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuốc xử lý môi trường và phòng dịch bệnh vật nuôi, cây trồng: 30 tỷ đồng.
 
2. Hỗ trợ đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng
 
Ngoài phần hỗ trợ giải quyết những vấn đề cấp bách như đã đề xuất ở trên, trong năm 2013 và 2014 đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh khắc phục, sửa chữa các công trình thiết yếu, đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân với tổng số tiền là: 2.542.620 triệu đồng (Hai ngàn, năm trăm bốn mươi hai tỷ, sáu trăm hai mươi triệu đồng), gồm:
- Hệ thống thuỷ lợi, đê kè: Đề nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ khắc phục sửa chữa các công trình hư hại do bão, lũ gây ra và đầu tư vốn để sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa, đê kè bờ biển và các công trình đê kè chống xói lở bờ sông: 1.004.164 triệu đồng.
 
- Về giao thông - vận tải: Đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ cho tỉnh khắc phục sửa chữa hệ thống đường giao thông nông thôn đã bị thiệt hại do bão lũ để ổn định đời sống nhân dân, giúp tỉnh từng bước khôi phục lại nền kinh tế: 765.200 triệu đồng.
- Về Y tế: Đề nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả thiệt hại của bão số 10, số 11, tiếp tục bố trí vốn cho các dự án của các Bệnh viện và Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện, đặc biệt đối với hệ thống trạm y tế xã bị thiệt hại nặng: 58.300 triệu đồng.
 
- Về giáo dục: Sau bão số 10 và số 11, hệ thống trường lớp học, thiết bị phục vụ dạy và học trên toàn tỉnh đã bị hư hỏng nặng, nhất là các công trình chưa được kiên cố và hệ thống các trường mầm non không đảm bảo an toàn cho các cháu vào học. Số phòng học cần phải kiên cố phát sinh sau thiên tai là 2.876 phòng học, 1.052 phòng chức năng, 684 phòng nội trú. Ngoài ra, phòng học bộ môn, nhà đa năng, thư viện, y tế học đường của tỉnh còn đang thiếu trầm trọng, nhiều trường phải tổ chức học dồn lớp, ghép lớp và dạy học 2 ca, đề nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ 652.956 triệu đồng để khắc phục hậu quả thiệt hại.
- Đề nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng các công trình di dân khẩn cấp là 62.000 triệu đồng.
 
3. Về cơ chế chính sách
 
- Đề nghị Chính phủ có chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất hoặc không tính lãi suất cho vay đối với các khoản vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình bị thiệt hại do bão gây ra; đồng thời, tiếp tục có chính sách cho vay ưu đãi để khắc phục hậu quả bão lụt nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
- Về nông nghiệp: Đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ các diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, đặc biệt là diện tích cao su và rừng trồng; hỗ trợ vốn cho ngư dân khôi phục, sửa chữa, đóng mới tàu bị thiệt hại do thiên tai.
 
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà vượt lũ cho người dân ở các vùng thấp, vùng có nguy cơ cao.
- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương liên quan xây dựng đề án Phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Bắc Trung bộ thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống lụt bão.
Trên đây là báo cáo về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả bão số 10 và lũ lụt, lốc xoáy do hoàn lưu bão số 11 gây ra trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Quảng Bình kính báo cáo.
 
Nguồn: Báo cáo số 195/BC-UBND-KTTH ngày 29/10/2013


 

[Trở về]