Bản in     Gởi bài viết  
ĐỂ DANH HIỆU THI ĐUA Ở CƠ SỞ NGÀY CÀNG TIÊU BIỂU, THIẾT THỰC VÀ ĐI VÀO LÒNG DÂN 

   Trong quá trình hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện các phong trào thi đua và nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mơi, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh, đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã có bài phát biểu quan trọng góp ý vào các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Khóa XV; Ban biên tập đăng tải toàn văn bài phát biểu như sau:

   

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 

    Trước hết tôi cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban xã hội của Quốc hội về sự cần thiết và các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. Tôi chỉ xin tham gia góp ý một nội dung đó là: Bổ sung quy định về Xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu; thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu; gia đình tiêu biểu như sau:

    Thứ nhất, theo tôi đề nghị của Báo cáo thẩm tra cần làm rõ nội hàm, phạm vi, tính chất, cấp độ của “tiêu biểu” là hết sức xác đáng và rất quan trọng, làm cơ sở chính xác để ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành đảm bảo sát thực tế, hiệu quả, nhất là định lượng được trong việc bình xét, và đảm bảo tỷ lệ một cách thực chất, tránh khen thưởng tràn lan, mất ý nghĩa của danh hiệu. Tôi thấy rằng đã là “ Tiêu biểu “ thì phải là tấm gương sáng là điển hình; đạt tiêu biểu là cấp độ điển hình nên tiêu chuẩn phải được quy định cao hơn rất nhiều so với danh hiệu văn hoá.

    Thứ hai, tiêu chuẩn của khu dân cư tiêu biểu được đưa ra ở các điểm a, b, c, d; mục 1, Điều 27 về việc quy định phải là khu dân cư dẫn đầu trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, trật tự là chưa sát với thực tế đang diễn ra. Có thể có khu dân cư của một đơn vị cấp xã dẫn đầu một hoặc một vài lĩnh vực nào đó chứ rất khó để chọn khu dân cư dẫn đầu toàn diện. Vì vậy theo tôi việc suy tôn danh hiệu tiêu biểu cho khu dân cư chỉ cần dẫn dầu một số lĩnh vực, còn lại phải là xuất sắc và tính toàn diện được xem là nổi trội hơn so với các khu dân cư khác thì mới đảm bảo tính hợp lý.

   Thứ ba, việc quy định danh hiệu “ Tập thể lao động tiên tiến “ tại Điều 25 có các tiêu chuẩn đi kèm trong đó quy định tại điểm c, mục 1 có quy định có tính chất định lượng rất rõ đó là: Có trên 50% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu “ Lao động tiên tiến “ và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên. Vậy củng đề nghị đưa các tiêu chuẩn mang tính chất định lượng cho danh hiệu “ Xã tiêu biểu “; “ Phường, Thị trấn tiêu biểu “; “ Thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố tiêu biểu “ như: quy định đối với khu dân cư tiêu biểu phải có ít nhất bao nhiêu % hộ gia đình tiêu biểu và muốn đạt danh hiệu Xã, phường, thị trấn tiêu biểu thì củng phải đạt ít nhất bao nhiêu % khu dân cư trực thuộc tiêu biểu, đi kèm với đó là những quy định cứng mang tính bắt buộc, chẳng hạn như không có tình trạng khiếu kiện đông người, tập thể…

   Thứ tư, hiện tại đang thực hiện Nghị định 122/2018 về xét tặng danh hiệu “ Gia đình văn hoá” và “Khu dân cư văn hoá”, tuy nhiên có một số tỉnh củng đã thực hiện khen thưởng đối với gia đình văn hoá tiêu biểu trong số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá như tỉnh Quảng Bình và thấy rằng việc khen thưởng này là khá thực chất, việc suy tôn danh hiệu gia đình tiêu biểu ở khu dân cư sẽ có tác dụng lớn về động viên, khích lệ nên cần làm rõ tính chất, mức độ của “tiêu biểu” để đề ra tiêu chuẩn và hàng năm việc công nhận danh hiệu đạt một tỷ lệ sát thực tế, thực chất phản ánh đúng chất lượng mọi mặt đời sống gia đình đang diễn ra, tránh việc công nhận danh hiệu và khen thưởng nhiều mất đi giá trị, sự trân trọng đối với danh hiệu.

   Thứ năm, đối với tiêu chuẩn của “Xã tiêu biểu”, “làng, thôn, bản” tiêu biểu có thể có căn cứ khá vững chắc đó là 19 tiêu chí của xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu vậy “Phường, Thị trấn tiêu biểu “ và đặc biệt là “tổ dân phố tiêu biểu “ và tương đương sẽ lấy căn cứ nào? Vậy nên khi thay thế Nghị định 122 cần phải có sự điều chỉnh, tính toán cụ thể, có căn cứ xác đáng.

   Thứ sáu, Theo tôi Xã tiêu biểu phải là xã đạt nông thôn mới nâng cao hoặc kiểu mẫu vì hiện nay tỷ lệ đạt nông thôn mới đang rất cao trong khi danh hiệu là vinh dự và đồng thời đó là danh hiệu nằm trọng số ít mà phải suy tôn mới có chứ không phải là phổ biến, tưng tự đối với làng, thôn, bản củng như vậy. Bên cạnh đó cần phải có tiêu chuẩn cụ thể đối với xã tiêu biểu, khu dân cư tiêu biểu đối với các xã miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo tính tương thích với điều kiện đặc thù,

    Thứ bảy, Về mối quan hệ giữa danh hiệu thi đua “gia đình tiêu biểu” và “gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, có đóng góp lớn về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương và xã hội đây là hai mối quan hệ rõ ràng với một bên là tiêu biểu có tính chất toàn diện còn một bên là khen đối với một hành động cụ thể vì vậy tôi cho rằng không trùng. Tuy nhiên để đảm bảo chặt chẽ thì nên bỏ cụm từ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước mà chỉ để lại “gia đình gương mẫu có đóng góp lớn về công sức, đất đai…

    Thứ tám, về khen kèm với thưởng theo tôi ngoài việc thưởng tiền nên bổ sung thưởng bằng hiện vật như đồ lưu niệm chứ không chỉ quy định bằng khen, giấy khen và khung. Điều này có giá trị rất cao trong việc giáo dục truyền thống trong gia đình, khu dân cư, xã phường, thị trấn củng như ghi nhận thành tích, có tính lan toả, động viên và tác dụng cao trong tuyên truyền và phong trào thi đua./.

 

[Trở về]