Bản in     Gởi bài viết  
4 chính sách mới về BHXH có hiệu lực từ tháng 1-2018 
 

     Từ ngày 1-1-2018, nhiều quy định về lĩnh vực BHXH, BHYT được nêu trong Luật Hình sự năm 2015, Luật BHXH năm 2014 và các thông tư liên quan sẽ bắt đầu có hiệu lực.

 Quy định đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp và khoản bổ sung khác

Từ ngày 1-1- 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là tổng thu nhập của người lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Cụ thể, phụ cấp lương là các khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ, như: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Luật BHXH cũng quy định các khoản bổ sung khác là các khoản bổ sung mà người lao động và người sử dụng lao động đã thỏa thuận, cụ thể: các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Ngư dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển ở huyện Bố Trạch được hỗ trợ thẻ BHYT trong 2 năm 2017 -2018.

Phạt tù chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Từ ngày 1-1-2018 người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia đóng BHXH bắt buộc.

Đồng thời, cũng từ ngày 1-1-2018, quy định về xử lý hình sự đối với tội "Trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động" tại điều 216 của Bộ luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Tội trốn đóng BHXH, BHYT... đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; phạm tội 2 lần trở lên phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; tội trốn đóng bảo hiểm từ 1 tỷ đồng trở lên phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm.

Tăng thời gian làm việc để hưởng 75% lương hưu

Theo quy định của Luật BHXH, từ ngày 1-1-2018, lao động nam có đủ 31 năm làm việc có tham gia BHXH mới có thể nhận lương hưu bằng 75% mức đóng BHXH, với lao động nữ là 30 năm. Trước đó, lao động nam đủ 30 năm và lao động nữ đủ 25 năm đóng BHXH sẽ nhận được mức lương hưu bằng 75% tiền đóng BHXH hàng tháng.

Hỗ trợ tối đa 30% kinh phí tham gia BHXH tự nguyện

Đây là một nội dung của Nghị định 134/2015/NĐ-CP về BHXH tự nguyện sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, cụ thể: bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Theo Báo QB điện tử

[Trở về]