Bản in     Gởi bài viết  
ĐỂ CÔNG TÁC DÂN TỘC VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC Ở TỈNH TA NGÀY CÀNG CÓ HIỆU QUẢ 

  Tỉnh ta hiện có 5.020 hộ với 22.385 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống chủ yếu tại 107 bản thuộc 17 xã miền núi, vùng cao, biên giới tập trung ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, đời sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để góp phần nâng cao đời sống, trình độ nhận thức, thay đổi diện mạo cho vùng đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, MTTQ các cấp đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện công tác dân tộc, thường xuyên chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho bà con các dân tộc thiểu số.

 

   Trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đặc biệt, vận động đồng bào thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, góp phần giảm hộ nghèo, làm cho bộ mặt vùng dân tộc, miền núi thay đổi đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

   Tuy nhiên, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đó là: Việc tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc ở nhiều địa phương vẫn nặng về tuyên truyền một chiều, chủ yếu thông qua các hội nghị, các cuộc họp, thiếu sự phối hợp tuyên truyền giữa MTTQ các cấp với các tổ chức thành viên; chưa phát huy vai trò của người có uy tín tiêu biểu, các vị Ủy viên UBMTTQ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền miệng. Việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa Mặt trận TQVN với các tổ chức thành viên trong việc xây dựng và tuyên truyền các mô hình, điển hình; chưa phát huy tốt hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng trong việc giám sát thực hiện các chương trình, dự án ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số và cán bộ làm công tác dân tộc còn thấp; chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp, các thành viên Hội đồng tư vấn và người có uy tín trong công tác dân tộc; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác dân tộc chưa thường xuyên. Bên cạnh đó do đặc điểm kinh tế chậm phát triển, đời sống đồng bào khó khăn và những bất cập về chính sách quy hoạch dân cư, đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân tộc của Mặt trận TQ các cấp.

Đồng bào dân tộc tham gia phát triển kinh tế rừng

   Để thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh ta ngày càng có chất lượng, hiệu quả, trong thời gian tới Mặt trận các cấp cần tập trung thực hiện tốt năm nội dung, giải pháp sau đây:

   Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

   - Tuyên truyền về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc; về đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận phát động; tuyên truyền vận động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, tiến bộ của các dân tộc thiểu số, nhất là việc giữ gìn tiếng nói, văn hóa, nghệ thuật, các phong tục, lễ hội tiến bộ..., tuyên truyền, vận động thay đổi các thói quen, tập quán lạc hậu, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bà con dân tộc sử dụng nước sạch

   - Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hoạt động văn hóa, thể thao, qua các hội thi, đối thoại tiếp xúc trực tiếp của cán bộ Mặt trận với đồng bào...Đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền miệng, thông qua đội ngũ người có uy tín tiêu biểu và các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp ở vùng dân tộc thiểu số; thông qua “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư” nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống Mặt trận TQVN, 18/11 hàng năm và các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với Báo Quảng Bình, Đài PTTH tỉnh thực hiện chuyên trang, chuyên mục đại đoàn kết về công tác dân tộc; phát huy vai trò, sự liên kết giữa các Ban với Ban Tuyên giáo MTTQ tỉnh, trang thông tin điện tử của Mặt trận TQVN tỉnh trong việc thông tin, tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc và chính sách dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

   - Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hội nghị biểu dương, tôn vinh những gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các cuộc vận động các phong trào thi đua yêu nước, nhất là biểu dương điển hình tiêu biểu của phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” trong đồng bào dân tộc thiểu số qua từng giai đoạn.

   Hai là: Triển khai, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

   - Xây dựng những mô hình, điển hình của tổ chúc, cá nhân ở từng thôn bản, khu dân cư, từng dân tộc trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các vùng có đồng bào sinh sống, nhằm thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động. Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình trong các lĩnh vực về chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, xây dựng trang trại, đồi rừng...giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương, mỗi huyện xây dựng 4 mô hình cấp huyện, ở xã xây dựng 6 mô hình điểm cấp xã, mỗi bản xây dựng 1-2 mô hình trên các lĩnh vực).

   - Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai, thực hiện lồng ghép các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với đặc điểm, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng chồng chéo hình thức. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng bào dân tộc Rục làm lúa nước

   - Phát huy nội lực, vai trò tự quản của các bản, làng, khu dân cư, động viên ý thức tự vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng trong chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp, đầu tư của Nhà nước, tích cực phấn đấu đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, quan tâm tập huấn, phổ biến chuyển giao KHKT; hỗ trợ vốn, khuyến khích đồng bào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Vận động đồng bào giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống về văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu; bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

   Ba là: Phối hợp thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách về dân tộc và công tác dân tộc

   - Chủ động giám sát và chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị rà soát, giám sát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành, tập trung là các chính sách về xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế, môi trường và văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh; phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia của UBMT các cấp và Ban Thanh tra nhân dân, tăng cường công tác giám sát đầu tư cộng đồng ở khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với các chính sách về dân tộc và công tác dân tộc.

   - Phối hợp tham gia thực hiện có hiệu quả công tác phản biện xã hội thông qua việc tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế, xã hộ, giữ gìn và phát triển văn hóa của đồng bào các dân tộc; chương trình, kế hoạch về xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đối với các tộc người đặc biệt khó khăn như: Rục, A rem, Mã Liềng. Quan tâm sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tập hợp tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biện là các kiến nghị của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận, người có uy tín tiêu biểu là người dân tộc thiểu số để kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội về những vấn đề liên quan đến dân tộc và công tác dân tộc.

   Bốn là: Tích cực tham gia thực hiện công tác đối ngoại nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

   - Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số hiểu được chủ trương đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước về hội nhập quốc tế, tham gia tuyên truyền về hình ảnh, đất nước con người Việt Nam; tranh thủ các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế và các tổ chức Phi Chính phủ để thu hút thêm nguồn lực góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, giúp đỡ người nghèo, hoạt động nhân đạo, từ thiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng chương trình phối hợp giữa Mặt trận tỉnh với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Mặt trận cơ sở với các đồn Biên phòng đóng trên địa bàn thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” xây dựng nông thôn mới gắn với việc bảo vệ chủ quyền biên giới và an ninh quốc gia với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

   - Tuyên truyền vận động đồng bào ở vùng biên giới thực hiện tốt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, tăng cường cường các mô hình kết nghĩa, tự quản; phối hợp giải quyết tốt quan hệ giữa các dân tộc thiểu số trong nước với các dòng tộc, thân tộc ở nước ngoài; tham gia xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

   Năm là: Phối hợp thực hiện, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu, nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

   - Tiếp tục phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan chức năng về công tác dân tộc để thực hiện tốt Chỉ thị 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”, Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập hợp vận động người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào Ủy ban MTTQ, Ban Chấp hành các đoàn thể các cấp; giới thiệu những người thật tiêu biểu tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp để đại diện quyền lợi và nghĩa vụ của các dân tộc thiểu số.

   - Mời các cá nhân có uy tín tiêu biểu là chuyên gia tham gia các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ, các hội nghị, các cuộc gặp mặt, tham gia triển khai các phong trào thi đua để cá nhân tiêu biểu có cơ hội trao đổi thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, đề xuất các sáng kiến, kiến nghị về các vấn đề quan trong của địa phương. Kiện toàn tổ chức, tăng cường số lượng, chất lượng và chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số và cán bộ làm công tác dân tộc của Mặt trận các cấp từ tỉnh đến cơ sở để làm tốt công tác tham mưu cho Mặt trận trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

   - Chú trọng công tác phối hợp với các tổ chức thành viên phát triển đoàn viên, hội viên, nhất là ở những vùng sâu, vùng xã, vùng biên giới. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn hoạt động, bồi dưỡng phương pháp công tác cho đội ngữ cán bộ người dân tộc thiểu số, bảo đảm điều kiện hoạt động và chế độ chính sách phù hợp cho Ban Công tác Mặt trận và Trương ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

   Chúng ta tin tưởng rằng, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền và các đoàn thể, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh ta trong thới gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả quan trọng./.

Trần Hùng

[Trở về]