Bản in     Gởi bài viết  
Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư của Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Bình 
 

      Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây chính là cầu nối để đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, nhằm tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục và động viên người dân chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng sự đồng thuận và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

       Quảng Bình là một tỉnh địa hình phức tạp, dân cư đa dạng, có đồng bào dân tộc thiểu số, có tôn giáo. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, là những vùng mà điều kiện đi lại hết sức khó khăn, ít có điều kiện giao tiếp với bên ngoài và hoạt động kinh tế còn tương đối khép kín, chủ yếu là tự cung, tự cấp, trình độ dân trí không đồng đều; tình hình an ninh, chính trị tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các thế lực thù địch trong và ngoài nước thường lợi dụng những lĩnh vực có nhiều vấn đề bất ổn và nhạy cảm như dân tộc, tôn giáo, tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường,... để kích động mâu thuẫn, chia rẽ khối Đại đoàn kết dân tộc; tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy cũng diễn biến rất phức tạp, do đó vấn đề tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân là rất quan trọng và cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn đó, công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, PBGDPL của Nhà nước trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh càng trở nên quan trọng và đã được hệ thống chính trị trong tỉnh quan tâm đúng mức. Ủy ban Mặt trận TQVN các cấp đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp triển khai một cách sáng tạo, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL cho các tầng lớp nhân dân.

       Bám sát vào chủ trương của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Đề án “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2014 - 2016” của tỉnh, Ủy ban MTTQ các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai và phát động phong trào tuyên truyền và vận động chấp hành pháp luật đến các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; cử đại diện lãnh đạo tham gia Hội đồng PBGDPL cùng cấp. Các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL đã được các cấp Mặt trận triển khai phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế tại cộng đồng dân cư.

       Tiếp tục chủ trì phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố kiện toàn và hướng dẫn chi tiết nội dung hoạt động cho các “Nhóm nòng cốt”, Tổ hòa giải và các câu lạc bộ pháp luật. Mỗi nhóm, tổ có từ 07 - 10 thành viên, các thành viên của tổ, nhóm nòng cốt hầu hết là những người gương mẫu, am hiểu về pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư, được nhân dân tín nhiệm bầu giữ các chức vụ quan trọng, như: Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng, Chi hội phó các tổ chức đoàn thể. Đối với những khu vực tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo thì các nhóm thu hút đội ngũ già làng, người tiêu biểu trong cộng đồng dân cư để họ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, cùng với nhóm nòng cốt thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật. Mặt trận các cấp đã tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật trong các hoạt động văn hóa, sinh hoạt các câu lạc bộ, “Nhóm nòng cốt”, Tổ hòa giải; phối hợp mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ MTTQ, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, thành viên các “nhóm nòng cốt”, Tổ hòa giải,… Đến nay, các cấp Mặt trận đã duy trì hoạt động của 522 “Nhóm nòng cốt”, với hơn 2.500 thành viên; phối hợp với các ngành liên quan củng cố, duy trì 1.438 Tổ hòa giải với 8.273 tổ viên và 321 câu lạc bộ pháp luật với 2.972 thành viên, 159 Hội đồng an ninh trật tự cấp xã; 837 Ban an ninh trật tự thôn, bản; 3.148 tổ an ninh nhân dân và nhóm liên gia tự quản; 623 tổ xung kích an ninh. Các nhóm nòng cốt, tổ hòa giải, câu lạc bộ, … hoạt động theo nguyên tắc tự quản, dưới sự điều hành của cấp ủy thôn, bản, khu phố; có thành lập trưởng, phó của nhóm, tổ và ban hành quy chế hoạt động và từng thành viên. Trong quá trình hoạt động, các nhóm, tổ đã thường xuyên, phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền, vận động kịp thời và triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đến với người dân; tạo nếp sống tự quản theo pháp luật trong từng cộng đồng dân cư.

      Chủ trì phối hợp với các ban, ngành liên quan để xây dựng, củng cố và nhân rộng “Điểm sáng chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư”; các mô hình điểm về tham gia phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự tại cộng đồng dân cư. Các Điểm sáng, mô hình này được các cấp Mặt trận quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, đầu tư thời gian, hỗ trợ kinh phí, thường xuyên được kiểm tra, hướng dẫn trong những năm tiếp theo. Các khu dân cư được chọn làm điểm tiếp tục được quan tâm, giữ vững và nhân rộng ra các khu dân cư khác. Đến nay, toàn tỉnh duy trì được 240 “Điểm sáng chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư” cấp tỉnh, 349 mô hình về phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự tại cộng đồng dân cư của các cấp Mặt trận. Nhìn chung, tại các điểm chỉ đạo đã có chuyển biến khá tích cực, nhận thức pháp luật của người dân đã chuyển biến rõ rệt, giảm thiểu vi phạm pháp luật. Điều đáng ghi nhận là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, việc lãnh đạo, chỉ đạo khá chặt chẽ, đồng bộ, mọi lực lượng trong xã hội và các tầng lớp nhân dân đều tham gia hưởng ứng với những việc làm tích cực, hiệu quả. Hằng năm, các địa phương đã chỉ đạo sơ kết các điểm chỉ đạo để rút ra những kinh nghiệm cho việc nhân rộng. Ở mỗi khu dân cư đều thành lập Ban vận động, tổ chức ký cam kết đến các tổ chức đoàn thể và từng hộ gia đình. Ban Công tác Mặt trận và Công an khu vực làm lực lượng nòng cốt trong Ban vận động. Trong quá trình hoạt động đã gắn nội dung tuyên truyền pháp luật với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” trước đây, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tạo nên phong trào chấp hành pháp luật sâu rộng trong từng gia đình, từng khu dân cư, góp phần từng bước ngăn chặn và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật ở khu dân cư, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Hội nghị xây dựng mô hình điểm sáng chấp hành pháp luật ở khu dân cư

      Chú trọng, quan tâm triển khai công tác PBGDPL đến bà con dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo. Các cấp Mặt trận đã xác định đây là một lĩnh vực nhạy cảm và hết sức phức tạp nên PBGDPL cho các dân tộc thiểu số, các tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, các tôn giáo lại càng có ý nghĩa quan trọng. Những năm qua, cùng với việc quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ các tôn giáo, Đảng, Nhà nước và tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, như tạo điều kiện giao đất sản xuất, xây dựng cơ sở thờ tự để hoạt động... Bên cạnh đó thường xuyên thực hiện PBGDPL cho tín đồ tôn giáo và bà con dân tộc thiểu số. Với nhiều hình thức phổ biến khác nhau như: tuyên truyền miệng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng các “Điểm sáng về chấp hành pháp luật” ở những khu dân cư vùng dân tộc, tôn giáo ... Nhìn chung, công tác phổ biến pháp luật cho tín đồ các tôn giáo, người dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả nhất định; nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật từng bước đi vào cuộc sống; một số quy định của pháp luật đã trở thành thói quen ứng xử trong nhân dân; một số tệ nạn xã hội và hủ tục (đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa) từng bước được đẩy lùi.

        Vai trò, tác dụng của tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn được phát huy trong đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở cộng đồng dân cư. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn và nhiều khu dân cư thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đã xây dựng được Tủ sách pháp luật. Các Tủ sách pháp luật phần lớn được đặt tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa khu dân cư. Hàng năm, Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với phòng Tư pháp lập danh mục sách, tài liệu pháp luật cần thiết để hướng dẫn cơ sở kịp thời bổ sung các đầu sách cho Tủ sách pháp luật. Đối tượng khai thác Tủ sách pháp luật chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức của xã và thôn, bản, khu phố nhằm phục vụ cho việc tuyên truyền, triển khai công việc; các cán bộ hưu trí sử dụng tủ sách nhằm tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội. Hình thức phục vụ chủ yếu vẫn là đọc tại chỗ hoặc mượn về đọc, được cán bộ phụ trách quản lý, theo dõi bằng sổ theo dõi. Ngoài ra, còn có trên 2.500 mô hình tổ, nhóm, câu lạc bộ của các tổ chức đoàn thể như: “phòng chống tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm”, mô hình “Câu lạc bộ trật tự an toàn giao thông” của Thanh niên; mô hình “Năm không, ba sạch” của Hội Liên hiệp phụ nữ; mô hình “Nông dân tìm hiểu pháp luật” của Hội nông dân… Hầu hết các “Nhóm nòng cốt” và “Câu lạc bộ pháp luật” đã chứng minh được tính hiệu quả, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân, tệ nạn xã hội giảm, nếp sống văn hoá văn minh, trật tự an toàn xã hội ngày càng được giữ vững và phát huy.

      Việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hệ thống thông tin đại chúng tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng. Hàng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình xây dựng 12 chuyên mục và 12 chuyên trang “Đại đoàn kết”. Trang thông tin điện tử của Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh thường xuyên cập nhật, đăng tải nội dung các văn bản, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình mục tiêu, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trên các trang thông tin điện tử của các tổ chức thành viên như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh… Mặt khác, trên các hệ thống loa truyền thanh ở cấp huyện, cấp xã và khu dân cư cũng đã định kỳ tuyên truyền đều đặn cho người dân những nội dung về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật mới được ban hành trực tiếp liên quan đến đời sống của người dân. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với Tư pháp cùng cấp hướng dẫn và tổ chức triển khai Ngày Pháp luật gắn với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm (18/11).

       Công tác tổ chức, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên được quan tâm, chú trọng, không ngừng được nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền PBGDPL. Hiện nay, đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp là trên 1.723 người, riêng hệ thống Mặt trận các cấp có 170 báo cáo viên pháp luật. Về cơ bản, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đều được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Tính từ năm 2013 đến năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và huyện đã phối hợp với Trường chính trị tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện mở 27 lớp tập huấn cho hơn 2.500 lượt cán bộ MTTQ các cấp, Trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; Trưởng, phó ban Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng; thành viên của “Nhóm nòng cốt” và “Câu lạc bộ pháp luật”. Thông qua các lớp tập huấn đã hướng dẫn cho các học viên về kỹ năng phương pháp tuyên truyền phổ biến pháp luật, các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

      Hàng năm, Mặt trận các cấp phối hợp với Hồi đồng PBGDPL cùng cấp tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và tổ chức triển khai công tác tuyên truyền PBGDPL của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua việc kiểm tra, giám sát hàng năm đã chỉ ra được những ưu điểm, những hạn chế, tồn tại của việc tổ chức tuyên truyền PBGDPL, từ đó giúp cho các cơ quan, tổ chức đơn vị đổi mới, nâng cao hiệu quả của việc tuyên truyền, PBGDPL. Mặt khác, hàng năm, các cấp Mặt trận cũng đã chủ động ký kết với chính quyền, và các ban, ngành liên quan nhằm để phối hợp chặt chẽ, đồng thời tăng thêm nguồn lực để triển khai công tác PBGDPL.

      Nhìn chung, công tác tuyên truyền vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư của Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh đóng vai trò là một trong những cầu nối quan trọng để đưa các chính sách pháp luật đến với người dân tại cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, tỷ lệ người dân vi phạm pháp luật ngày càng giảm; tình trạng đơn thư khiếu kiện do mâu thuẫn giảm đáng kể đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Từ đó, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc thực thi, chấp hành pháp luật, bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế ở địa phương, cơ sở.

Đức Đồng

[Trở về]