Bản in     Gởi bài viết  
Hiệu quả trong phối hợp triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Bình . 
    Với tư tưởng chủ đạo “Lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân”, qua 5 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (2015 – 2020) đã đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Tại tỉnh Quảng Bình, việc phối hợp, triển khai hiệu quả hai Cuộc vận động đã trở thành một phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, từ đó đã tạo nên động lực, khơi dậy tiềm năng sức mạnh của cộng đồng dân cư, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn dân cư.

      Xác định thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (CVĐ) là góp phần thực hiện thành công phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các nội dung Cuộc vận động thông qua Lễ phát động thực hiện Cuộc vận động các cấp; xây dựng Kế hoạch tuyên truyền cụ thể trong từng tháng, hướng dẫn Mặt trận các cấp tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Cuộc vận động, các mô hình, điển hình trong thực hiện Cuộc vận động ở khu dân cư. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như: phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Quảng Bình thực hiện các phóng sự ngắn tuyên truyền về Cuộc vận động; xây dựng nội dung, thiết kế mẫu, in ấn và phân bổ 2.000 tờ gấp tuyên truyền về 05 nội dung cơ bản của Cuộc vận động; Thiết lập mục tin tuyên truyền Cuộc vận động trên Trang thông tin điện tử tổng hợp Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Mặt trận các cấp cũng đã triển khai công tác tuyên truyền thực hiện các nội dung bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả như: tuyên truyền thông qua báo, đài; tuyên truyền thông qua các hội nghị, các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố; treo pa nô, áp phích, tranh cổ động; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở. Đến nay đã có gần 350 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về Cuộc vận động, tổ chức được gần 15.000 lượt tuyên truyền, cấp phát hơn 200.000 tài liệu về cơ sở. Mặt trận cấp huyện và xã đã tổ chức được 95 lớp tập huấn với gần 9.000 lượt học viên là cán bộ Mặt trận cơ sở, chính quyền và các tổ chức thành viên.

Khởi công xay dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số 

     Từ năm 2015 đến 2020, Mặt trận tỉnh xây dựng thành công 58 mô hình ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Mặt trận cấp huyện, xã và KDC đã xây dựng duy trì hiệu quả 319 mô hình về thực hiện các nội dung của Cuộc vận động. Đặc biệt từ năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh Quảng Bình đã Ban hành “Đề án xây dựng mô hình KDC nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025” tại 08 KDC ở 8 huyện, thị xã, thành phố gồm 04 loại mô hình; quan tâm hỗ trợ kinh phí 230 triệu đồng, mời giảng viên ở các ban, ngành cấp tỉnh, tổ chức 26 lớp tập huấn sâu rộng về các chương trình phối hợp tại 08 địa bàn dân cư xây dựng mô hình điểm sau các hội nghị ra mắt mô hình, thu hút 1.500 hộ dân tại 08 khu dân cư tham dự. Từ đó góp phần giúp cán bộ và nhân dân nâng cao nhận thức, quyết tâm thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì, phát động và quyết tâm thực hiện các tiêu chí trong xây dựng mô hình tại KDC. Mặt trận tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung và các hoạt động của Đề án. Đặc biệt Mặt trận tỉnh đã chủ động, sáng tạo trong thiết lập trang Fanpage “Mặt trận QB xây dựng KDC NTM, ĐTVM kiểu mẫu” với sức lan tỏa rộng, hiệu ứng tuyên truyền cao góp phần thông tin, biểu dương, cổ vũ kịp thời, hiệu quả hoạt động của các mô hình. Các mô hình đã và đang được nhân ra diện rộng trong toàn tỉnh.
Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn triển khai nên Cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát triển sản xuất theo hướng tăng cường liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp liên kết với tổ hợp tác, hợp tác xã; bám sát định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phối hợp tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện, xây dựng các Đề án về phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của tỉnh. Công tác hỗ trợ người nghèo đã hướng đến việc giảm nghèo bền vững, lấy hộ nghèo làm trung tâm, tuyên truyền vận động hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo, tổ chức đối thoại với hộ nghèo, tìm hiểu nguyện vọng, hướng dẫn các mô hình, kinh nghiệm làm ăn hiệu quả giúp hộ nghèo thoát nghèo.. Việc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” ngày càng hiệu quả hơn với nhiều hình thức mới hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban MTTQ và Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo", kết quả đã vận động ủng hộ được trên 55 tỷ đồng, riêng Quỹ cấp tỉnh vận động được gần 25 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, các cấp Mặt trận trong tỉnh đã tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển sản xuất, xây dựng nhà Đại đoàn kết; tổ chức thăm, tặng quà Tết cho hộ nghèo, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi với số tiền hàng chục tỷ đồng, góp phần cùng với Đảng và chính quyền các cấp chăm lo tốt chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Mặt trận tỉnh triển khai Đề án Hỗ trợ 2.050 con bò giống sinh sản cho 2.050 hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt năm 2016 và vùng thường xuyên bị thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Đến nay đã có trên 1.200 con bò sinh bê con, hơn 1.500 hộ thoát nghèo; triển khai Đề án hỗ trợ trồng cây Giổi ghép lấy hạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại do thiên tai giúp nhân dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững tại 2 bản đồng bào dân tộc thiểu số trị giá trên 900 triệu đồng. MTTQ và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công, hiện vật để xây dựng nông thôn mới, tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình sinh hoạt của gia đình để mở rộng đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; tự nguyện giải phóng, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công nhiều công trình dự án triển khai trên địa bàn… trị giá 347,944 tỷ đồng. Riêng năm 2020 tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM là 1.329,7 tỷ đồng. Đến nay toàn tỉnh có 81 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 63,3%. Phong trào khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu đã được Mặt trận các cấp phối hợp với các tổ chức đoàn thể và chính địa phương thực hiện hiệu quả góp phần thúc đẩy nông thôn mới đi vào thực chất, nâng cao chất lượng và khẳng định vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng.

    Mặt trận các cấp và Ban công tác Mặt trận các khu dân cư đã tập trung phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng, Nhà nước và tỉnh về xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện dân số, kế hoạch hóa gia đình. Phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn đưa các tiêu chí thực hiện Cuộc vận động vào các hương ước, quy ước của khu dân cư và tiêu chí bình xét danh hiện GĐVH, KDCVH hàng năm. Thông qua việc thực hiện quy ước, hương ước, việc cưới, việc tang và lễ hội được nhân dân ở các KDC thực hiện. Do vậy, nhiều hủ tục lạc hậu, cổ hủ được bài trừ, người dân đã tiếp thu lối sống văn hóa mới lành mạnh hơn. Công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn khu dân cư xanh - sạch- đẹp được Mặt trận các cấp tích cực triển khai thường xuyên. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã ký kết với sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Trị sự - Giáo hội Phật giáo tỉnh và Uỷ ban Đoàn kết công giáo tỉnh về phát để tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các khu dân cư cũng đã đưa việc thực hiện tiêu chí môi trường vào các hương ước, quy ước và bình xét danh hiệu GĐVH, KDCVH hàng năm. Công tác phối hợp với các tổ chức thành viên và các ngành liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực hiệu quả để tham gia giữ gìn môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Tổ chức các tập huấn về kiến thức bảo vệ môi trường cho hơn 15.000 lượt cán bộ Mặt trận và đoàn thể cơ sở; xây dựng và duy trì được 35 mô hình điểm về về bảo vệ môi trường.

   Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội; ký kết chương trình phối hợp với các ngành chức năng, thực hiện các Cuộc vận động, các phong trào theo chuyên đề như. Tổ chức trên 7.320 buổi cho 495.500 lượt người tham gia; tổ chức cho trên 90% khu dân cư và hộ gia đình ký cam kết bảo đảm an ninh trật tự. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập 6.131 tổ quần chúng bảo vệ an ninh trật tự đang hoạt động có hiệu quả. Công tác xây dựng, duy trì mô hình điểm luôn được chú trọng duy trì và xây dựng mới, đến nay đã duy trì và xây dựng được 103 mô hình chỉ đạo điểm cấp tỉnh về an ninh trật tự. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã hoạt động tích cực và hòa giải thành công 5.235 vụ việc, góp phần vào việc ổn định tình hình, giữ gìn ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn khu dân cư; Phối hợp với Công an tuyên truyền, thực hiện tốt Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”.

   Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phát huy trách nhiệm và thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng pháp luật. Mặt trận đã tìm hiểu, nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân để tham gia góp ý các dự thảo Luật và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó tăng tính khả thi của pháp luật và phù hợp nguyện vọng của Nhân dân. Trong 5 năm qua, Mặt trận các cấp đã tham gia 1.309 dự thảo Luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã chủ trì tổ chức giám sát 2.287 cuộc; phối hợp tham gia giám sát với HĐND và các cơ quan có thẩm quyền 1.881 cuộc; Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 1.826 cuộc phản biện xã hội và góp ý dự thảo văn bản. Trong đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 05 Hội nghị phản biện xã hội và tổ chức gửi văn bản lấy ý kiến góp ý của các tổ chức thành viên, các Hội đồng tư vấn Uỷ ban Mặt trận tỉnh đối với 37 văn bản dự thảo Luật và 23 văn bản dự thảo quy phạm pháp luật. MTTQ Việt Nam các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức. Mặt trận các cấp phối hợp với chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Nhân dân tham gia ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng công trình công cộng phục vụ dân sinh; các khoản đóng góp tại địa phương; các chính sách hỗ trợ Nhân dân...

  Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chi đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Quảng Bình cho biết: Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã kế thừa và phát huy những kinh nghiệm hoạt động trong công tác vận động quần chúng trước đây vào thời kỳ mới của địa phương rất hiệu quả; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. Đặc biệt góp phần dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị làm cho đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân được nâng lên; bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chung của toàn tỉnh.

 

Duy Hưng
 

[Trở về]