Bản in     Gởi bài viết  
Hướng dẫn tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội 2017, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2018 
 

     Ngày 22/1, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 58 -HD/BTGTW về tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội 2017, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2018. TG trân trọng giới thiệu toàn văn bản Hướng dẫn.

 

 Năm 2017 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, năm Việt Nam có nhiều hoạt động đối ngoại sôi động và đăng cai, tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC; là năm Trung ương ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Để tiếp tục phát huy kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được năm 2017, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của năm 2018, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Khẳng định sự đúng đắn của Đảng trong lãnh đạo đường lối phát triển kinh tế - đất nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân trong việc hoàn thành nhiệm vụ và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

- Làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực năm 2018; dự báo tác động đến nền kinh tế Việt Nam trên các phương diện cơ hội, thách thức, khó khăn.

- Góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong năm 2018; cổ vũ ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, chủ động và tích cực tham gia tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh tình hình mới.

- Công tác tuyên truyền về kinh tế - xã hội phải theo sát bước đi, tiến trình vận động của nền kinh tế đất nước để kịp thời phản ánh và phối hợp cùng các cơ quan chức năng giải quyết có hiệu quả những vấn đề mới, phát sinh trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách mới; gắn tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị quan trọng khác của đất nước, của ngành, địa phương.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2018 (Kết luận số 20-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018, Nghị quyết số 48/2017/QH14 ngày 10/11/2017 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 48/2017/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; các nghị quyết, luật về lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua), chú ý một số vấn đề sau:

- Tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017

- Khẳng định mặc dù năm 2017 cơ bản có nhiều thuận lợi nhưng nước ta gặp không ít khó khăn, thách thức, nhờ có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật là:

Về kinh tế - xã hội, chúng ta đã đạt và vượt 13 chỉ tiêu đề ra, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra. Xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thành lập mới doanh nghiệp tăng mạnh. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo tiếp tục chuyển biến. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm chăm lo, bảo đảm. Cải cách thủ tục hành chính đạt kết quả rõ nét. Quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại thu được kết quả tốt đẹp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực được đẩy mạnh và bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ…

- Phân tích tình hình bối cảnh thế giới và trong nước, những thuận lợi và khó khăn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2018: Tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột xảy ra ở nhiều nơi; kinh tế thế giới dự báo phục hồi nhanh hơn nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, nhất là cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động nhiều mặt đến nước ta. Ở trong nước, chúng ta được kế thừa những thành tựu quan trọng của 30 năm đổi mới và xu hướng phát triển tốt trên các mặt của năm 2017, nhưng những tồn tại, bất cập nội tại của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ nét. Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh chưa cao. Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ hạn hẹp, trong khi nhu cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh rất lớn. Biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp. Kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm, bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm còn diễn biến phức tạp…

- Mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (đã nêu trong Kết luận số 20-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 48/2017/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ).

2. Tiếp tục tuyên truyền các quan điểm về hội nhập quốc tế của Đảng ta trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, lộ trình, bước đi và những cam kết sắp tới ta phải thực hiện, chú ý một số sự kiện sau:

+ Kết quả triển khai các ưu tiên của Cộng đồng ASEAN trong năm 2017, các năm tiếp theo và sự tham gia của Việt Nam; Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.

+ Kết quả nổi bật của Tuần lễ cấp cao APEC và năm APEC 2017, những lợi ích thiết thực với Việt Nam.

+ Các cam kết quốc tế lớn.

+ Tinh thần mới của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và những nhiệm vụ sắp tới của Việt Nam.

+ Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết.

+ Vai trò chủ động và tích cực của Việt Nam tại Liên hợp quốc với vai trò là thành viên của các tổ chức của Liên Hợp quốc.

+ Các chương trình hợp tác kinh tế được ký kết qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam.

3. Tuyên truyền các nghị quyết chuyên đề về kinh tế - xã hội, về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, như các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, “về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; “về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, “về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”; các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) “về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”; “về công tác dân số trong tình hình mới” và các nghị quyết Trung ương được ban hành trong năm 2018, cần chú ý các vấn đề sau:

- Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong các nghị quyết; làm cho cán bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ tính đúng đắn, cách mạng và sáng tạo của các quyết sách này.

- Nội dung và những quan điểm mới của các nghị quyết trên.

- Sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết.

- Phản ánh sự tác động cũng như hiệu quả thực hiện của các chính sách kinh tế đối với tình hình phát triển của kinh tế- xã hội đất nước.

4. Phản ánh thực tiễn triển khai đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, ngành, địa phương trên cả nước, chú ý các vấn đề sau:

- Phản ánh sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội năm 2018.

- Phản ánh thực tế sinh động của các hoạt động kinh tế và tinh thần lao động sáng tạo, sự chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nhất là những hoạt động tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với việc cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Phản ánh thực tiễn triển khai các chủ trương, chính sách về văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội; sự thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…

6. Tuyên truyền, cổ động các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về tình hình kinh tế - xã hội nước ta, xuyên tạc quan điểm, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta...

7. Tuyên truyền quy định, luật pháp quốc tế trên lĩnh vực kinh tế.

8. Giáo dục ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức, văn hóa trong hoạt động kinh tế, chú ý một số nội dung sau:

- Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, ý thức công dân, tinh thần dân tộc cho giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức và người lao động nói chung.

- Giáo dục thái độ lao động và tác phong công nghiệp cho người lao động; tinh thần tôn trọng và ý thức chấp hành Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động kinh tế. Đề cao chuẩn mực đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần yêu nước của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

- Xây dựng môi trường hoạt động kinh tế bình đẳng, lành mạnh, công khai, minh bạch. Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Đấu tranh với tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh tế như gian lận thương mại, trốn thuế, buôn lậu, vi phạm quyền lợi người lao động ...

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, các đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội

- Tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, quán triệt tốt đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; nhiệm vụ, giải pháp, chương trình hành động thực hiện nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và bộ, ngành, địa phương.

- Tăng cường hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; nắm vững tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội trước những diễn biến của tình hình kinh tế trong nước, những tác động về kinh tế và xã hội khi triển khai các nghị quyết Trung ương 4,5,6 (khóa XII)

2. Ban cán sự đảng các bộ, ngành thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội

Chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương:

+ Tổ chức các hội nghị thông tin, tuyên truyền về các chính sách, chương trình, dự án, sự kiện kinh tế - xã hội do bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm chủ trì diễn ra trong năm 2018; kịp thời cung cấp thông tin về những vấn đề dư luận quan tâm hoặc gây bức xúc trong dư luận.

+ Phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm tham vấn ý kiến các nhà nghiên cứu kinh tế, nhà lãnh đạo, quản lý nhà nước trên lĩnh vực kinh tế, các doanh nhân làm sáng tỏ những nội dung cần tuyên truyền trên lĩnh vực kinh tế - xã hội.

+ Biên soạn, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền nhiệm vụ, sự kiện kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm chủ trì của bộ, ngành.

3. Các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương

- Bám sát định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để tuyên truyền quá trình triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã năm 2018 và thực hiện các nghị quyết Trung ương khóa XII; tăng cường đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

- Nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn, chủ động khai thác các thông tin báo chí nước ngoài, nhận định của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước có lợi cho nền kinh tế Việt Nam, tạo tâm lí tin tưởng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế - xã hội trong năm 2018.

- Tuyên truyền thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, các phong trào phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với việc phát hiện những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đi đôi với việc phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

- Chủ động thông tin bảo vệ lợi ích quốc gia, doanh nghiệp, người tiêu dùng; tránh đưa thông tin sai sự thật, có tính kích động, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, góp phần định hướng dư luận xã hã hội trước những vấn đề kinh tế - xã hội, phức tạp, nhạy cảm.

Theo Tuyengiao.vn

[Trở về]