Bản in     Gởi bài viết  
Mặt trận là nơi đầu tiên người dân muốn tìm đến 
   Cán bộ làm gì dân sẽ làm theo, nhất là cán bộ cơ sở. Đó là khẳng định của GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học-Giáo dục và Môi trường, UBTƯ MTTQ Việt Nam với Đại Đoàn Kết, xung quanh câu chuyện tuyên truyền vận động người dân bảo vệ môi trường mà ở đó, có vai trò quan trọng của người Mặt trận.


 

 

GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học-Giáo dục và Môi trường, UBMTTQVN

 PV: Giáo sư đánh giá như thế nào về thực trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay?
   GS Phạm Thị Trân Châu: Ai cũng biết môi trường ô nhiễm đã đến mức báo động: Nước, đất và không khí đều bị ô nhiễm. Ô nhiễm ở môi trường nước như biển, sông, suối, hồ, ao. Đất ô nhiễm về thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ tồn dư, ô nhiễm về nước xả của các cơ sở sản xuất nông nghiệp chế biến, chế biến thực phẩm, làng nghề thủ công, các cơ sở khai khoáng…

   Về ô nhiễm không khí, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin chất lượng không khí hằng ngày ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, cái dễ nhìn thấy là bụi mù như sương. Như vậy 3 môi trường sống của con người đều bị ô nhiễm. Kể về địa lý thì ngày trước người ta thường nói về khu vực thành thị và khu công nghiệp ô nhiễm, nhưng đến nay cả nông thôn và miền núi cũng ô nhiễm. Nhất là ở đầu nguồn những con sông, suối.

   Vậy, theo bà những vi phạm về môi trường đã được xử lý nghiêm?
   - Đi tìm nguyên nhân ô nhiễm môi trường gây độc hại cho con người, theo tôi trước hết là ý thức cộng đồng của mỗi người dân chưa cao. Thứ hai chế là tài có nhưng việc xử lý của ta chưa nghiêm, chưa tương xứng về mặt kinh tế. Để nâng cao nhận thức của người dân là phải giáo dục, ví dụ, để loại bỏ tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”, cần phải giáo dục cho người dân hiểu họ và gia đình chính là đối tượng bị “lĩnh đủ” những thứ độc hại đó trước khi mang tới những thiệt hại cho người tiêu dùng.

   Còn với các cơ sở do nước ngoài đầu tư, cần kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra các vụ như VEDAN hay FORMOSA. Với các cơ sở này, cần kiểm tra, giám sát thường xuyên. Nếu không thật khó nói bảo đảm là họ không tiếp tục gây ô nhiễm. Các cán bộ có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cần là những người không bị lay chuyển bởi lợi ích cá nhân.
Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Giáo sư có thể đề xuất giải pháp gì để khắc phục?

   - Tôi cho rằng, Mặt trận là nơi tập hợp của rất nhiều đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, nông dân, cựu chiến binh… tất cả các tổ chức này đều có ở các cấp, kể cả ở cấp cơ sở. Khi phát động tất cả các cơ sở, những người ở trong Hội đó bản thân phải gương mẫu trước, sau đó phải vận động tuỳ đối tượng trong mỗi đoàn thể thực hiện việc bảo vệ môi trường. Ví dụ phụ nữ có “đường Vệ sinh do phụ nữ phụ trách”. Tất cả những hội viên trong các tổ chức thuộc Mặt trận phải đặt cho mình nhiệm vụ đi vận động, tuyên truyền. Chúng ta cứ hình dung mỗi người vận động được 2 người thì tất cả các tổ chức thành viên của Mặt trận đã vận động được một số lượng lớn.
Thứ hai, nên chăng đưa việc bảo vệ môi trường trở thành một chỉ tiêu thi đua thực chất, vì lợi ích thực sự của cuộc sống, tránh hình thức. Cùng với đó là xử lý đủ nghiêm đối với những tổ chức, đơn vị như nhà máy, các cơ sở khai khoáng, xí nghiệp, làng nghề gây ô nhiễm.
Với ô nhiễm ở vùng nông thôn hiện nay thì ô nhiễm làng nghề rất đáng sợ, ví dụ như chất thải dệt, nhuộm bao giờ cũng rất độc hại sau đó là các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ, cơ sở chăn nuôi, chế biến thực phẩm, lò mổ hay tái chế phế liệu. Theo tôi, ngoài việc vận động cần hỗ trợ người dân về phương pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý rác thải, phế phụ liệu. Ngoài giải quyết theo hướng tập trung cần có phương pháp giúp họ xử lý ngay ở quy mô nhỏ, hộ gia đình.

   Về khu công nghiệp, nhà máy, theo Luật phải đánh giá môi trường tác động, ở đó có hệ thống xử lý chất thải. Nếu chất thải trong nhà máy không được xử lý qua hệ thống này, phải xử phạt thật mạnh tay để không dám tái phạm. Như Thủ tướng Chính phủ khẳng định “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, đó là chỉ đạo. Để biến lời nói đó thành hành động thì các ngành, các cấp phải thể hiện ở tất cả mọi nơi. Nếu thực hiện đúng tất cả những chỉ đạo hiện nay tình hình đã khá rồi. Cần đặc biệt chú ý tới khu công nghiệp, nhà máy, nhất là khai khoáng. Phải biến câu nói của Chính phủ thành hành động ở tất cả các cấp. Chế tài xử lý phải đánh vào kinh tế đủ mạnh.

   Quay trở lại vấn đề làm thế nào để thực thi được chủ trương đúng đắn của Nhà nước? Tôi cho rằng, phải thông qua con người cụ thể, con người thì cán bộ phải gương mẫu trước hết, rồi mới đến nhân dân. Cán bộ làm gì dân sẽ làm theo, nhất là cán bộ cơ sở. Trong cán bộ cơ sở thì cán bộ Mặt trận phải là người gần dân nhất để khi có vấn đề gì, cán bộ Mặt trận là nơi đầu tiên người dân muốn tìm đến. Sau đó, cán bộ Mặt trận sẽ có trách nhiệm phản ánh ý kiến của nhân dân tới các cấp, ngành hữu quan. Rất tiếc nhiều cán bộ Mặt trận ở cơ sở chưa phát huy hết vai trò của mình. Tôi nghĩ rằng, nếu mỗi người chúng ta thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì tình hình mới được cải thiện.

Trân trọng cảm ơn bà!

(Theo Báo Đại đoàn kết)

[Trở về]