Bản in     Gởi bài viết  
Mặt trận tổ quốc Việt Nam thị xã Ba Đồn với phong trào thi đua yêu nước. 
  Ngay sau khi thành lập thị xã Ba Đồn, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên đã phát huy vai trò nòng cốt, là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Thúc đẩy kinh tế-xã hội của thị xã ngày càng phát triển.

      

Biểu dương các cá nhân tiêu biểu tại Hội nghị

    Thị xã Ba Đồn hiện có 105 nghìn người, sinh sống tại 16 xã, phường, 114 khu dân cư. Trong những năm qua, UBMT thị xã đã đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Phát huy vai trò, vị trí của mình, Mặt trận Tổ quốc Thị xã đã lấy cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cuộc vận động "Ngày vì người nghèo"; cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" làm trọng tâm để tập hợp, tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và củng cố tổ chức Mặt trận các cấp.

   Mặt trận Tổ quốc các cấp thị xã đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với nhiều nội dung thiết thực, khơi dậy những những giá trị nhân văn cao cả, động viên nhân dân đoàn kết, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Cuộc vận động đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp. Mặt trận cùng các tổ chức thành viên đã vận động, tuyên truyền nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở mang ngành nghề, khôi phục nghề truyền thống, tạo việc làm cho người lao động, phấn đấu các khu dân cư ngày càng có nhiều hộ khá, hộ giàu. Đến nay, trên địa bàn thị xã có 18 hợp tác xã với 3.900 lao động; có 1.200 tổ hùn vốn sản xuất với số tiền trên 200 tỷ đồng để giúp cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh; xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình làm kinh tế giỏi như: Ông Nguyễn Thái Dương - phường Quảng Thọ; Ông Lê Quang Hợp - xã Quảng Hoà; Ông Nguyễn Văn Hùng - xã Quảng Lộc... Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, từ 21,5% năm 2010 xuống còn 8,3% năm 2014. Thu nhập bình quân đầu người tăng, năm 2010 là 13 triệu đồng/người, năm 2014 là 25,5 triệu đồng/người .

   Mặt trận các cấp thị xã đã tích cực tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau gần 4 năm, đã phối hợp vận động nhân dân thị xã hiến trên 289 nghìn m2 đất các loại. Tổng giá trị đất hiến tặng ước tính trên 5 tỷ đồng, hiến tài sản giá trị ước tính trên 2 tỷ đồng. Đến nay, đã có 173,6 km đường giao thông bê tông và láng nhựa, tăng 65,8km so với năm 2010; 141/125 km kênh mương được bê tông hóa đảm bảo tưới tiêu trên 99% diện tích. Bộ mặt quê hương có nhiều khởi sắc. Với chủ trương đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng đô thị văn minh, Mặt trận đã tập trung đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá, thôn, làng, tổ dân phố văn hoá, tuyến phố văn minh; cụ thể hóa chương trình hành động của Mặt trận thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng truyền thống. Nhiều lễ hội của địa phương đã được duy trì và phát triển như: Lễ hội đua Thuyền ở Quảng Sơn, cướp cù, hội vật ở Quảng Long. Các gia đình, khu dân cư hàng năm đều đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Công tác tuyên truyền, vận  động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước được UBMT xã, phường và Ban công tác Mặt trận quan tâm. Đến cuối năm 2013, toàn thị xã có 48/116 khu dân cư đạt khu dân cư văn hoá. 17.214 hộ gia đình đạt gia đình văn hoá.

   Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được Mặt trận triển khai đạt kết quả. Tháng cao điểm "Ngày vì người nghèo" được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình tham gia. Từ năm 2010-2015, từ nguồn quỹ "Vì người nghèo" đã xây dựng được 155 nhà đại đoàn kết, phối hợp xóa 689 nhà tạm theo quyết định 167 của chính phủ với số tiền 9 tỷ 784 triệu  đồng. Các hoạt động này đã khẳng định tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái” trong cộng đồng.

   Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau 5 năm triển khai thực hiện đã phát huy tinh thần yêu nước và xây dựng nét văn hóa tiêu dùng của người dân. Các sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam, các mặt hàng truyền thống của địa phương được cải tiến mẫu mã, giá thành hợp lý và đảm bảo về chất lượng đã được người dân Thị xã Ba Đồn ưu tiên sử dụng thay cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, sản phẩm ngoại nhập. Tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 85-90%.

   Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng Thị xã Ba Đồn ngày càng phát triển là mục tiêu và nhiệm vụ chính trị quan trọng của UBMTTQVN thị xã Ba Đồn giai đoạn 2015-2020.

An Bình - UBMT Thị xã Ba Đồn

[Trở về]