Bản in     Gởi bài viết  
MỘT GIÁM ĐỐC THỰC HIỆN TINH THẦN TIẾT KIỆM CỦA BÁC HỒ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP BỀN VỮNG 

    Đó là kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn- Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Hà Nội- Quảng Bình, người luôn nêu cao tinh thần tiết kiệm của Bác, đã vực Công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Quảng Bình từ phá sản đứng dậy; Công ty luôn kinh doanh, phát triển bền vững.

      Hệ thống thiết bị chuyển đổi nhiên liệu đốt lò hơi từ than đá sang củi trấu

    Giữa lúc cả nước và tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương thực hiện công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016- 2021, trong không khí rạo rực của những ngày hội lớn, chúng tôi đến gặp kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn-Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Hà Nội-Quảng Bình, người được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp đề nghị Tỉnh ủy Quảng Bình khen thưởng thành tích 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đấy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

   Mặc dù phải tất bật với công việc kinh doanh nhưng anh vẫn dành chút thời gian tiếp chúng tôi. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Tháng 6 năm 2011, trên cương vị giám đốc anh tiếp nhận một tài sản Công ty với tổng số vốn cố định gần 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều anh lo nhất là vốn lưu động bị âm, nhà máy nợ thuế Nhà nước 36,5 tỷ đồng. Điều này đòi hỏi anh phải chọn một trong 2 phương án; một là, ngừng hoạt động sản xuất để niêm phong nhà máy thanh lý tài sản trả cho Nhà nước và chịu để 170 cán bộ, công nhân thất nghiệp. Hai là, làm việc với cơ quan thuế xin khoanh 12,5 tỷ đồng tiền phạt, còn 24 tỷ đồng xin trả dần trong 3 năm theo biểu lịch trả thuế. Sau khi lấy ý kiến của cán bộ, công nhân, tập thể lãnh đạo nhà máy quyết định chọn phương án thứ 2 là khắc phục khó khăn để sản xuất, kinh doanh. Điều đặt ra là để có tiền trả nợ đòi hỏi phải có chỉ tiêu sản xuất bia cao hơn các năm; nhưng xin được chỉ tiêu sản xuất bia của Tổng Công ty đâu phải dễ! Qua nhiều lần đắn đo, cuối cùng anh quyết định ra Tổng Công ty Bia Hà Nội xin chỉ tiêu sản xuất thêm bia. Thấy tinh thần quyết tâm cao và việc anh trình bày phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi, lãnh đạo Tổng Công ty Bia Hà Nội đã chấp nhận cho nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Bình sản xuất thêm 2 triệu lít bia/năm, nâng chỉ tiêu sản xuất bia của nhà máy lên 18 triệu lít /năm; điều này đòi hỏi tập thể cán bộ, công nhân nhà máy có sự phấn đấu nỗ lực hơn. Anh tiến hành sắp xếp lại bộ máy phù hợp với dây chuyền sản xuất, xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật, xây dựng lại Nội quy lao động và giao công đoàn giám sát đưa vào chỉ tiêu thi đua hàng tháng buộc người lao động chấp hành triệt để thời gian làm việc, không để thời gian lãng phí như những năm trước đây. Từ suy nghĩ nguyên, nhiên liệu chính phục vụ sản xuất ra bia là điện, nước, than đá; mà điện, nước hằng tháng anh chị em công nhân của nhà máy có thể tiết kiệm được thông qua phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ kính yêu; còn về than đá thì không thể tiết kiệm được; hằng ngày nhà máy phải tốn 30 triệu đồng tiền than đá. Như vậy, điều đặt ra đối với nhà máy là phải dùng nhiên liệu gì để đốt thay cho dùng than đá nhằm tiết kiệm được tiền chi phí cho một đơn vị sản phẩm bia? Điều đầu tiên anh nghĩ đến việc dùng củi đốt thay than nên cùng anh em lên Nông trường Phú Quý (Bố Trạch) mua củi của dân về đun nhưng công vận chuyển cao nên không lãi. Trong lúc đang băn khoăn suy nghĩ tìm hướng đi thì nghe tin ở Sở Khoa học tỉnh Quảng Trị ép võ trấu thành củi trấu và sau khi đi Quảng Trị tìm hiểu về anh giao trách nhiệm cho bộ phận kỹ thuật tính xem nhiệt lượng tỏa ra của than đá và đốt củi trấu thì nhận thấy đốt 1,7 kg củi trấu có nhiệt lượng tỏa ra bằng 1 kg than đá và cứ mỗi năm nhà máy đùng 1.500 tấn than hết 7,8 tỷ đồng, trong khi đó chỉ cần đốt 2.550 tấn củi trấu thay cho đốt 1.500 tấn than chỉ tốn 3,57 tỷ đồng, giảm được 4,23 tỷ đồng, trừ chi phí vận chuyển nhà máy còn lãi 2 tỷ đồng/năm. Vì vậy, anh chỉ đạo nhà máy thực hiện Đề án: "Chuyển đổi nhiên liệu đốt lò hơi từ than đá sang củi trấu". Khi nhà máy thực hiện Đề án: "Chuyển đổi nhiên liệu đốt lò hơi bằng củi trấu" tuy lượng khỏi tỏa ra ít đen đặc hơn nhưng môi trường chưa đảm bảo trong lành vì vẫn bị ô nhiễm do khói bẩn công nghiệp với các chất thải ra như: khói, tro, bụi, CO, CO2, N2... Muốn loại trừ các chất thải này phải thực hiện giải pháp lắp đặt hệ thống công nghệ lọc khói của nước ngoài với giá hàng tỷ đồng khiến anh luôn băn khoăn, suy nghĩ, nghiên cứu để tìm giải pháp mới. Qua quá trình nghiên cứu thực địa, nghiên cứu quy luật chu chuyển vận động của khói, hơi, anh đã đưa ra giải pháp xây dựng và đưa vào sử dụng: "Hệ thống lọc bụi khói lò hơi đảm bảo vệ sinh môi trường". Việc thực hiện sáng chế: "Hệ thống lọc bụi khói lò hơi" chỉ tốn chi phí có 600 triệu đồng nhưng mỗi năm đã làm lợi cho Công ty 1,5 tỷ đồng và với giải pháp này của giám đốc Nguyễn Minh Tuấn đã làm cho môi trường trong sạch, đảm bảo sức khỏe cho dân cư sống lân cận nhà máy.

Hệ thống lọc bụi khói lò hơi đảm bảo vệ sinh môi trường ( do kỷ sư Nguyễn Minh Tuấn mặc áo trắng thiết kế).

   Qua tìm hiểu một số cán bộ, công nhân chúng tôi nhận thấy trên cương vị Bí thư Đảng ủy, kiêm Giám đốc Công ty, anh đã tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công nhân nhà máy thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03–CT/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Anh phát động phong trào thực hành tiết kiệm trong toàn Công ty. Với tinh thần: “Tiết kiệm là quốc sách hàng đầu”, anh vận động cán bộ, đảng viên, công nhân công ty luôn nâng cao ý thức tiết kiệm, tiết kiệm trong vận hành công nghệ, tiết kiệm trong mỗi việc làm, mỗi công đoạn sản xuất, tiết kiệm sử dụng điện, sử dụng nước, sử dụng từng hạt malt, hạt gạo nguyên liệu phục vụ sản xuất; các phòng, các bộ phận phải xây dựng nội quy sử dụng, tùy vào công việc đảm nhận, mỗi cá nhân phải xây dựng cho mình kế hoạch tiết kiệm cụ thể. Đồng thời, anh giao cho Ban Chấp hành Công đoàn theo dõi, giám sát và ghi vào thành tích thi đua hằng quý, để xét các danh hiệu thi đua cho tập thể và cá nhân vào cuối năm. Các đảng viên của Công ty đã nêu cao tính tiên phong gương mẫu trong việc thực hiện tiết kiệm; hằng năm 100% đảng viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hầu hết cán bộ, công nhân lao động đều có ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nên đã giảm được chi phí trong sản xuất, kinh doanh, đưa lại lợi nhuận lớn trong sản xuất. Từ năm 2011 đến năm 2015, tỷ lệ kết quả tiết kiệm đã chiếm 70% lợi nhuận của Công ty. Năm 2015, giá trị tổng sản lượng đạt 212,05 tỷ đồng, so với năm 2011 tăng 56,35 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 107, 004 tỷ đồng, so với năm 2011, tăng 44,904 tỷ đồng; tiền lương bình quân 5,3 triệu đồng/người/tháng, so với năm 2011, tăng 1,2 triệu đồng/người/tháng; hằng năm Công ty được Bộ Công thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh khen thưởng và đánh giá là đơn vị có tốc độ phát triển vững chắc. Cá nhân Giám đốc Nguyễn Minh Tuấn được Bộ Công thương, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Bình tặng nhiều bằng khen và với sáng kiến "Hệ thống lọc bụi khói lò hơi", Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

   Chúng tôi càng thấu hiểu hơn để có được thành công này anh đã trãi qua nhiều trăn trở, lo toan, lăn lộn với thực tế tình hình sản xuất của nhà máy mà chìa khóa để đảm bảo cho sự thắng lợi là anh đã học tập và làm theo tấm gương tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để vận dụng thực hiện triệt để trong công việc của mình và tập trung chỉ đạo, lãnh đạo cán bộ, nhân viên nhà máy làm theo. Nhờ đó, xây dựng được tinh thần đoàn kết cao, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn gian khổ, nêu cao ý thức và tinh thần tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, tinh thần quyết tâm vực dậy nhà máy sản xuất bia đã bị phá sản, đưa nhà máy sản xuất kinh doanh ngày càng tăng tiến, phát triển bền vững. Anh thực sự là tấm gương tiêu biểu trong việc thực hiện Chỉ thị số 03–CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Trần Văn Bình
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

[Trở về]