Bản in     Gởi bài viết  
Nghị lực của người đàn ông khuyết tật 
 Đó là anh Từ Minh Châu (sinh năm 1956, ở thôn 2, Quảng Kim, Quảng Trạch), một người tàn tật đã nỗ lực vươn lên tự học và trở thành một “bậc thầy” làm đồ dân dụng bằng tre nứa.
   Năm 1998, từ một con người bình thường, khỏe mạnh, cơ thể anh Từ Minh Châu tự nhiên bị co rút lại, gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không đỡ, ngược lại tay phải của anh ngày càng teo tóp và đau nhức suốt. Tuy nhiên, bệnh tật vẫn không làm anh gục ngã. Anh mở lò làm bánh mì, thu nhập không cao nhưng cũng đỡ được gánh nặng cho vợ con. Được khoảng 3 năm thì bệnh cũ lại tái phát, anh đành bỏ nghề.

   Trải qua không biết bao nhiêu nghề như làm thợ may, làm bình ắc quy, trồng nấm rơm... nhưng chẳng có nghề nào phù hợp với anh cả. Nhờ chiếc radio và chiếc tivi nội địa trong nhà, anh bắt đầu khám phá thế giới mới và nghĩ cách vượt lên số phận. Qua thực tế, anh thấy nghề làm sản phẩm dân dụng bằng tre nứa phù hợp với người tàn tật như anh. Vậy là anh bắt tay làm thử ngay một bộ bàn ghế bằng tre. Anh Châu cho biết:  “Ban đầu, bộ bàn ghế tôi làm ra bằng tre còn thiếu sót nên chưa được đẹp nhưng làm lần thứ 2, thứ 3 thì tôi rút được kinh nghiệm nên làm đẹp hơn. Nghề này nhẹ nhàng, nguyên liệu sẵn có và đặc biệt là vốn bỏ ra ít nên rất phù hợp với những người nghèo và khuyết tật như tôi”.

   Công đoạn làm ra được sản phẩm của anh Châu cũng rất kỳ công. Anh đi mua tre từ các nhà dân với giá vừa phải rồi về đem cắt ra, phơi khô, luộc ở nhiệt độ cao cho khỏi bị mọt, sau đó mới tạo ra những những sản phẩm dân dụng như bàn, ghế, giường nằm, thang... bằng tre rất đẹp.

   Anh cho biết: “Để sản phẩm đạt chất lượng cao, tôi phải tranh thủ mua tre từ tháng 12 âm lịch rồi về đem xử lý thật tỉ mỉ, đề phòng mọt phá vì ông bà ta có câu “tre tháng chạp, gỗ tạp tháng 10”. Tôi chẳng có tiền để học nghề nên cũng phải chịu khó tìm hiểu từ sách vở, ti vi và từ kinh nghiệm của những người đi trước. Tự mày mò và rút kinh nghiệm rồi dần dần mình làm được”.

  Mấy năm đầu tiên vừa làm vừa học hỏi rút kinh nghiệm nên thu nhập cũng chẳng ăn thua. Năm 2013, anh bắt đầu sắm đầy đủ các công cụ để phục vụ cho công việc. Anh tự tìm đường giới thiệu sản phẩm của mình ra các thị trường lân cận, để tìm bước đi mới cho sản phẩm của mình. Hiện nay, sản phẩm của anh đã được đem sang các xã lân cận, có người đặt ở anh để đem vào chợ Ba Bồn bán lại...

   Mong muốn của anh là tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm thì anh sẽ dạy cho con em khuyết tật trong xã học nghề của anh. Có thể nói anh Từ Minh Châu là tấm gương điển hình của những người "tàn nhưng không phế".

(Theo QBĐT)

[Trở về]