Bản in     Gởi bài viết  
Ngư dân Quảng Bình đoàn kết bám biển 
 Hàng ngàn năm qua, tinh thần đoàn kết đã gắn kết keo sơn, bền chặt những làng quê miền biển Quảng Bình. Sức mạnh của ngư dân Quảng Bình hôm nay càng nhân lên gấp bội, bởi tinh thần đoàn kết của những tổ hợp tác ngư dân trên biển khi họ cùng chung vùng đánh bắt thủy sản; cùng hỗ trợ nhau khi gặp biến cố và vững vàng trong nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

 

                                   Ngư dân trên thuyền QB92409TS chia sẻ những hiệu quả của tổ hợp tác sản xuất trên biển

 

Kiên cường bám biển

 

Trong 8 tháng của năm 2014, ngư dân tỉnh Quảng Bình đã đánh bắt được trên 37.000 tấn đạt gần 82% kế hoạch năm 2014. Các tổ hợp tác đã phối hợp kịp thời cứu nạn ngư dân rơi trên biển. Cụ thể, tháng 6-2014, tàu cá QB 91559TS của ông Nguyễn Văn Phong, ở xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) đã cứu ngư dân Hồ Hậu bị rơi trên biển. Trước đó, các tàu cá của xã Cảnh Dương đã cứu sống ngư dân Nguyễn Văn Tâm, ở phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn) bị rơi trên biển khi tàu cá đang chạy ra ngư trường khai thác…Cũng trong năm nay, Quảng Bình sẽ thành lập thêm 20 tổ hợp tác sản xuất trên biển với đa số các thuyền đều đánh bắt xa bờ. 

Nhìn hàng trăm con thuyền rực đỏ sắc cờ Tổ quốc đang neo đậu ở âu thuyền Lý Hòa (xã Thanh Trạch, Bố Trạch), chúng tôi không giấu được niềm vui, bởi nhiều đội thuyền hùng hậu có công suất lớn của ngư dân. Gặp anh Hồ Văn Hùng, chủ tàu QB 92409TS khi đang cùng mọi người sửa lại khoang đông lạnh để sẵn sàng cho chuyến ra khơi. Được biết, thuyền của anh Hùng cùng với 8 chiếc thuyền khác của tổ hợp tác Làn Sóng Xanh vừa trở về tránh bão sau 15 ngày đánh bắt thủy sản ở ngư trường Hoàng Sa. Từ lâu, ngư dân làng biển Đức Trạch đã gắn kết, hỗ trợ, chia sẻ nhau những thông tin thời tiết, giúp đỡ nhau khi tàu gặp sự cố máy móc... các tổ hợp tác ngư dân trên biển là động lực để ngư dân bám biển, làm giàu từ biển”, anh Hùng chia sẻ.

 

Ngược ra làng biển Cảnh Dương, dọc theo bờ sông Loan thấy hàng chục chiếc thuyền đang chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm để giong thuyền ra khơi. Còn nhớ, cách đây vừa tròn 1t năm (tháng 10 năm 2013), ảnh hưởng của cơn bão số 10 đã gây thiệt hại nặng nề đối với ngư dân Quảng Bình, nhất là ngư dân ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch). Nhưng với sự nỗ lực của bản thân và được sự giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể, ngư dân Cảnh Dương đã sớm khắc phục hư hại tàu thuyền, ổn định cuộc sống để cùng nhau vươn khơi bám biển. 

 

Ông Trần Trung Thành, Chủ tịch xã Cảnh Dương cho hay, đến nay, Cảnh Dương đã thành lập được 8 tổ hợp tác sản xuất trên biển với 72 chiếc thuyền có tổng công suất trên 9.765CV, trong đó 52 chiếc có công suất trên 90CV. Nhìn chung, các tổ hợp tác ngư dân trên biển đã phát huy hiệu quả trong việc đánh bắt thuỷ sản và chung tay giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.

 

Có thể nói, từ khi đi vào hoạt động, 48 tổ hợp tác sản xuất trên biển của ngư dân Quảng Bình, đã kết nối sức mạnh của ngư dân trong việc tăng sản lượng đánh bắt, hỗ trợ nhau khi gặp sự cố... 

 

Hỗ trợ để ngư dân vươn khơi

 

Ông Trương Văn Lanh, Phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, để ngư dân yên tâm bám biển, ngoài sự giúp đỡ của lực lượng chức năng trên biển, chính quyền các địa phương, các tổ chức đoàn thể cần hỗ trợ ngư dân bằng các hình thức cụ thể về vốn, khoa học công nghệ và các chính sách thiết thực khác. Trong năm 2014 này, đơn vị đã tổ chức các hoạt động để hỗ trợ ngư dân, trong đó ưu tiên cho các tổ hợp tác sản xuất trên biển về tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật cho ngư dân, hỗ trợ phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc…

Thời gian qua, để động viên ngư dân yên tâm bám biển, Quảng Bình đã triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đến với từng ngư dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có gần 1.000 hộ đăng ký tham gia vay vốn đóng mới, cải tạo tàu cá với nhu cầu vay vốn gần 2.330 tỷ đồng, trong đó ngư dân đăng ký đóng tàu dịch vụ 10 chiếc, kinh phí 114 tỷ đồng; đóng tàu khai thác 444 chiếc, kinh phí trên 1.750 tỷ đồng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân, tỉnh đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác cho ngư dân vay vốn nhằm thực hiện các dự án đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và các phương tiện đánh bắt thủy hải sản. 

 

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Quảng Bình đã hỗ trợ cho ngư dân trên 82 tỷ đồng để đầu tư đóng mới, cải hoán hơn 70 tàu cá có công suất lớn. Nhờ vậy, đến nay tỉnh Quảng Bình có trên 1.100 tàu công suất lớn từ 90 đến 1.000 CV, có thể tham gia đánh bắt hải sản dài ngày trên các vùng biển xa, đặc biệt là ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

 

                                                                                                                                                                  Xuân Thi

[Trở về]