Bản in     Gởi bài viết  
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO ( Tiếp theo) 
 

   Phần V: Giới thiệu Chương V Tổ chức tôn giáo

  Chương V quy định về tổ chức tôn giáo gồm: 22 điều, từ Điều 21 - Điều 42

1. Công nhận tổ chức tôn giáo

1.1. Điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo

Một trong những điều kiện tiên quyết để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo đó là tổ chức phải hoạt động tôn giáo ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Bên cạnh đó, tổ chức còn phải đáp ứng các điều kiện khác như có hiến chương theo quy định tại Điều 23 của Luật; người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

1.2 . Thẩm quyền, thời hạn công nhận

Luật quy định tùy thuộc vào địa bàn hoạt động, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận tổ chức tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động trong một tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương quyết định công nhận tổ chức tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

1.3. Hiến chương và sửa đổi hiến chương của tổ chức tôn giáo

Theo quy định của Luật, hiến chương của tổ chức tôn giáo phải đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định của Điều 23 của Luật. Tổ chức tôn giáo khi sửa đổi hiến chương, tùy vào địa bàn hoạt động của tổ chức sẽ đăng ký với với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương.

1.4. Tên, trụ sở của tổ chức

Tổ chức phải có tên bằng tiếng Việt; không trùng với tên tổ chức tôn giáo khác hoặc tổ chức khác đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính tri, tổ chức chính tri- xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc. Tên của tổ chức tôn giáo được sử dụng trong quan hệ với tổ chức, cá nhân khác và được pháp luật bảo vệ. Tổ chức tôn giáo thay đổi tên, trụ sở phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương chấp thuận.

1.5. Tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo

Đối với tổ chức tôn giáo được công nhận sau ngày Luật có hiệu lực, thời điểm tổ chức là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Đối với các tổ chức được công nhận trước ngày Luật này có hiệu lực là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày Luật có hiệu lực. Các tổ chức tôn giáo này có trách nhiệm điều chỉnh hiến chương tại đại hội gần nhất theo quy định tại Điều 23 và đăng ký hiến chương sửa đổi theo quy định tại Điều 24 của Luật.

1.6.Giải thể tổ chức tôn giáo

Tổ chức tôn giáo giải thể trong các trường hợp: theo quy định của hiến chương; không hoạt động tôn giáo trong thời gian 01 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; ngừng hoạt động tôn giáo trong thời hạn 01 năm liên tục hoặc hết thời hạn bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo có quyền giải thể tổ chức tôn giáo. Tổ chức tôn giáo có quyền giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc. Trước khi giải thể, tổ chức tôn giáo phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản.

Tài sản của tổ chức tôn giáo bị giải thể được giải quyết theo quy định của pháp luật về nhân sự.

Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo về việc giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày tổ chức tôn giáo trực thuộc bị giải thể.

2. Thành lập, chia, tách, sát nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc

2.1. Thống nhất cách hiểu về thành lập, chia, tách, sát nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc

Luật quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; chia, tách tổ chức tôn giáo trực thuộc thành nhiều tổ chức tôn giáo trục thuộc mới; sát nhập tổ chức tôn giáo trực thuộc vào một tổ chức tôn giáo trực thuộc khác; hợp nhất các tổ chức tôn giáo trực thuộc thành một tổ chức tôn giáo trực thuộc mới.

- Sau khi chia, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị chấm dứt tồn tại: quyền, nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo trực thuộc bị chia được chuyển giao cho tổ chức tôn giáo trực thuộc mới.

- Sau khi tách, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị tách và tổ chức tôn giáo trực thuộc được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình phù hợp với mục đích hoạt động.

- Sau khi sát nhập, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị sát nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo trực thuộc bị sát nhập được chuyển giao cho tổ chức tôn giáo trực thuộc mà tổ chức đó được sát nhập vào.

- Sau khi hợp nhất, các tổ chức tôn giáo trực thuộc cũ chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm tổ chức tôn giáo trực thuộc mới được thành lập; quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo trực thuộc cũ được chuyển giao cho tổ chức tôn giáo mới.

- Điều kiện thành lập, chia, tách, sát nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc: Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập, chia, tách, sát nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc khi đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 28 của Luật, cụ thể:

+ Hiến chương của tổ chức tôn giáo có quy định về việc thành lập, chia, tách, sát nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc;

+ Hoạt động của tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi chia, tách, sát nhập, hợp nhất không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này;

+ Có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở.

2.2. Thẩm quyền, thời hạn chấp thuận việc thành lập, chia, tách, sát nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc:

Luật quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thành lập, chia, tách, sát nhập, hợp nhất đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động một tỉnh; cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thành lập, chia, tách, sát nhập, hợp nhất đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh.

2.3 Tư cánh pháp nhân của tổ chức tôn giáo trực thuộc

Tổ chức tôn giáo trực thuộc khi đáp ứng các điều kiện: Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập, được tổ chức tôn giáo đề nghị thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại. Trình tự, thủ tục cấp đăng ký pháp nhân đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc do Chính phủ quy định.

2.4. Giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc

Tương tự như tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị giải thể trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thành lập, chia, tách, sát nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc có quyền giải thể hoặc yêu cầu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc giải thể tổ chức tổ giáo trực thuộc trong các trường hợp không hoạt động tôn giáo trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc thành lập, chia, tách, sát nhập, hợp nhất; ngừng hoạt động tôn giáo 01 năm liên tục hoặc hết thời hạn bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến bị đình chỉ.

Trước khi giải thể, tổ chức tôn giáo trực thuộc phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản. Tài sản của tổ chức tôn giáo trực thuộc bị giải thể được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo về việc giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày tổ chức tôn giáo tôn giáo trực thuộc bị giải thể.

3. Phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức viêc.

3.1. Điều kiện phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử:

Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thực hiện việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử theo hiến chương của tổ chức tôn giáo. Người được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử phải đáp ứng điều kiện như: Có năng lực hành vị dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

3.2. Phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc; bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc

Vấn đề phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc đã được quy định tại Pháp lệnh. Tuy nhiên, Pháp lệnh chưa có sự phân biệt rõ ràng thế nào là chức sắc, thế nào là chức việc vì vậy cả hai nội dụng này được đưa vào điều chỉnh trong cùng một điều luật.

Quá trình xây dựng Luật, hai nội dung này đã được phân biệt, làm rõ nội hàm và quy định tại hai điều Luật. Điều 33 quy định về thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc; Điều 34 quy định về đăng ký người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc.

Đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo sau khi có kết quả người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3.3. Thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành

Kế thừa Pháp lệnh, Luật đã dành một điều quy định về thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Tuy nhiên nội hàm của vấn đề này đã được làm mới từ thẩm quyền, văn bản thông báo đến thời hạn cũng như việc thuyên chuyển đối với các trường hợp đặc biệt.

Điều 35 của Luật quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi đi và nơi đến chậm nhất là 20 ngày.

Đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người đang bị buộc tội hoặc chưa được xóa án tích, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi thuyên chuyển có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến thuyên chuyển đến. Sau khi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc mới được tiếp tục thực hiện việc thuyên chuyển theo quy định.

3.4. Cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc

Điều 36 của Luật quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc phải theo hiến chương của tổ chức để tránh sự tùy tiện khi thực hiện. Chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày có văn bản về việc cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cách chức, bãi nhiệm chức việc sẽ thực hiện theo quy định của tổ chức và có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng tôn giáo

4.1. Cơ sỡ đào tạo tôn giáo

Điều 37 của Luật đưa ra các điều kiện tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, các điều kiện đó gồm: Có cơ sở vật chất bảo đảm cho việc đào tạo; có địa điểm hợp pháp để đặt cơ sở đào tạo; có chương trình, nội dung đào tạo; có môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam trong chương trình đào tạo; có nhân sự quản lý và giảng dạy đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; hướng dẫn chương trình, nội dung giảng dạy môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam; giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo.

4.2. Lớp bồi dưỡng về tôn giáo

Pháp lệnh chỉ quy định về việc mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo và thẩm quyền chấp thuận thuộc Ủy ban nhân dan cấp tỉnh. Luật quy định việc mở lớp như sau:

Nếu là mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo cho người chuyên hoạt động tôn giáo thì tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi mở lớp.

Nếu là mở lớp cho đối tượng khác thì tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi mở lớp./.

Văn Minh - MT Tỉnh

 

[Trở về]