Bản in     Gởi bài viết  
Phát huy vai trò của phụ nữ trong phong trào thi đua yêu nước 
  - Những năm qua, phụ nữ toàn tỉnh đã tích cực chủ động trong việc xây dựng và triển khai các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 Xác định phong trào thi đua là “chất xúc tác” để thúc đẩy phong trào hội đi lên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực để đẩy mạnh phong trào thi đua sâu rộng trong toàn thể cán bộ, hội viên.

Nhiều năm qua, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã trở thành động lực thúc đẩy những hoạt động của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN). Thấm nhuần các tiêu chuẩn của phong trào, đông đảo hội viên, phụ nữ trong tỉnh không ngừng học tập nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, tạo tiền đề vững chắc cho sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ.

 

Tuyên dương phụ nữ điển hình tiên tiến 5 năm 2010-2015.

  Các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở đã lồng ghép phong trào trên với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ Quảng Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”, đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

  Với phương châm phát huy nội lực, gắn kết các nguồn lực, giải pháp nhằm thực hiện khâu đột phá trong Nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xác định hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược đối với sự phát triển chung của phong trào phụ nữ.

  Từ chủ đề “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, các cấp hội đã đề ra từng chỉ tiêu thi đua cụ thể về hoạt động tiết kiệm, tổ chức tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, nội dung hoạt động tiết kiệm cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Trên cơ sở đó, Hội đã tập trung củng cố, phát triển các loại hình tiết kiệm tại chi hội, tổ phụ nữ nhằm tạo thêm nguồn vốn vay tại chỗ, giúp chị em phát triển kinh tế.

  Qua phong trào này xuất hiện nhiều loại hình tiết kiệm sáng tạo, phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng phụ nữ. Chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có 142.130 hội viên phụ nữ tham gia các loại hình tiết kiệm với số dư tiết kiệm trên 15.171 triệu đồng. Hoạt động giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ được các cấp hội triển khai sâu rộng. Với chỉ tiêu hàng năm Hội LHPN mỗi xã giúp đỡ ít nhất 2 hộ nghèo phát triển bền vững, trong năm 2014, toàn tỉnh đã giúp đỡ được 3.208 hộ phụ nữ thoát nghèo vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

  Thực hiện Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề tạo việc làm” giai đoạn 2010-2015 và Đề án 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, Hội LHPN tỉnh đã tranh thủ nguồn lực từ Trung ương hội, UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề cho phụ nữ, hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, doanh nghiệp nữ và xây dựng nhiều mô hình sau đào tạo nghề trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Các mô hình bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập  cho lao động nữ ở các địa phương.

  Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ Quảng Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về 19 tiêu chí quốc gia trong xây dựng nông thôn mới và xem việc thực hiện phong trào là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại thi đua của từng đơn vị.

  Hội LHPN tỉnh đã tranh thủ nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để tổ chức nhiều lớp tập huấn và các buổi truyền thông về công tác bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, gắn biển mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản” và tham gia đóng góp hàng ngàn ngày công để làm mới và sửa chữa đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Ngoài ra, phụ nữ đã tích cực tham gia vào hoạt động giải phóng mặt bằng, hiến đất, hiến cây, phát quang đường, thu gom rác thải, nạo vét kênh mương, đóng góp tiền, công lao động để bê tông hoá đường giao thông nông thôn, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

  Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, các cấp hội đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp liên kết nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Điểm nổi bật của phong trào này là đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sử dụng quản lý vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm và tiếp tục chỉ đạo nhân rộng phát triển các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi với các mô hình chủ đạo như trồng hoa, chế biến hải sản, trồng nấm, tạo việc làm, ổn định đời sống cho phụ nữ. Một số mô hình ra đời và hoạt động khá hiệu quả như mô hình tổ hợp đan vá lưới ở Bảo Ninh (Đồng Hới), làm nón lá ở Hiền Ninh (Quảng Ninh), sản xuất khoai gieo ở Lệ Thủy... 

  Đồng hành cùng với chị em, các cấp hội phụ nữ luôn sâu sát cơ sở, trong đó dành nhiều ưu tiên đối với các cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh để tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kiến thức chăm sóc sức khoẻ, phát triển kinh tế, vận động chị em thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc...

  Cùng với những chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp hội, chị em ngày càng chủ động hơn trong học tập, rèn luyện, lao động và nỗ lực vươn lên trên tất cả mọi mặt.  Thời gian qua, cùng với toàn tỉnh, các hội viên phụ nữ đã năng động, sáng tạo, tích cực lao động sản xuất với nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo”, “Phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả”...

  Từ đó, đã xuất hiện nhiều điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi như: chị Hồ Thị Huệ (Lệ Thủy), Trần Thị Huyền (Quảng Ninh), Võ Thị Doan (thị xã Ba Đồn), Hồ Thị Thanh (Minh Hóa)... đưa tổng số mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của phụ nữ toàn tỉnh lên 1.188 mô hình. Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, cũng đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân phụ nữ tiêu biểu như Chi hội phụ nữ thôn 8 (Lộc Ninh), 8 năm liền không có người sinh con thứ 3; Chi hội phụ nữ thôn Tuy Lộc (Lộc Thủy), có 96% gia đình hội viên đạt “Gia đình 5 không, 3 sạch”...

  Từ những kết quả trên cho thấy, thông qua các phong trào thi đua yêu nước, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định. Mặt khác đã làm khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm của các tầng lớp phụ nữ đối với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Theo Báo QBĐT 

[Trở về]