Bản in     Gởi bài viết  
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới đề ra trong năm 2022 
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng năm 2021, số tiêu chí đạt được bình quân/xã là 17,2 tiêu chí, tăng 0,4 tiêu chí so với năm 2020. 

    Có được kết quả đó là do thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động tiếp tục được các sở, ngành, địa phương và tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh. Các xã phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới đã nỗ lực cố gắng để hoàn thành tiến độ theo đúng thời gian đề ra. Toàn tỉnh có 02 đơn vị cấp huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó thành phố Đồng Hới đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn; thị xã Ba Đồn đang hoàn thiện hồ sơ cấp tỉnh để đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, xét công nhận. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới đã xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng tiêu chí, phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Số xã dưới 10 tiêu chí chỉ còn 07% (mục tiêu Trung ương dưới 25%). Nhiều địa phương chủ động ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, góp phần thúc đẩy nông thôn mới đi vào thực chất, nâng cao chất lượng và khẳng định vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng…

Làm đường giao thông nông thôn (ảnh minh hoạ)

    Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 35 khu dân cư kiểu mẫu và 137 vườn mẫu; tăng bình quân 0,5 tiêu chí/xã và 100% số xã đều tăng tiêu chí. Bên cạnh đó, các cấp, ngành và địa phương tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí; quan tâm chỉ đạo xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí mới; tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, phán đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân giảm 1,5 - 1,8%/năm so với chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025; tiếp tục hoàn thành, nâng cấp các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn.

   Để hoàn thành mục tiêu đề ra, toàn tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm chính trị của các cấp ủy, chính quyền địa phương và thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới; xác định nội dung xây dựng nông thôn mới phải trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục của địa phương và cơ quan có liên quan. Sau khi UBND tỉnh có công văn phân công chỉ đạo các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2022, UBND các huyện, thị, xã, thành phố và sở, ngành được phân công phụ trách cần khẩn trương làm việc, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các xã; ưu tiên phê duyệt thủ tục liên quan để các xã sớm về đích theo mục tiêu đề ra.

   Mặt khác, các cấp, ngành và địa phương tập trung tuyên truyền về mục tiêu, nội dung, phương pháp, cách làm, những chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 để cả hệ thống chính trị hiểu đầy đủ hơn và cùng đồng thuận tham gia, chủ động phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, chống tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo để được hưởng sự hỗ trợ Nhà nước; nâng cao chất lượng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; thường xuyên cập nhật, phổ biến mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân ra diện rộng; tăng cường trang bị kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp nhất là cấp xã, thôn, bản.

   Cùng với đó, các ngành, địa phương cũng sẽ tập trung rà soát, đánh giá lại thực trạng tiêu chí, xây dựng kế hoạch cụ thể để củng cố, khôi phục, hoàn thiện tiêu chí bao gồm cả nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao; đồng thời cập nhật tiêu chí theo quy định mới để có kế hoạch và lộ trình phù hợp. Các xã đã đạt chuẩn tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí, có giải pháp giữ vững tiêu chí đã đạt, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện hướng tới mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn nâng cao, đạt chuẩn kiểu mẫu. Các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2022 chú trọng xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể, phân công cơ quan chuyên môn của huyện chỉ đạo cụ thể từng xã, phấn đấu hoàn thành đúng thời gian quy định, trong đó cần lưu ý các tiêu chí như hộ nghèo, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh; có giải pháp duy trì các tiêu chí đã đạt được và huy động đủ nguồn đối ứng của địa phương. Đối với xây dựng nông thôn mới tại thôn bản khó khăn, các ngành, địa phương tập trung rà soát cụ thể thực trạng, xây dựng lộ trình, kế hoạch chi tiết, từ đó có phương án, bố trí nguồn lực tập trung để triển khai thực hiện. Các xã còn lại chủ động huy động nguồn lực, tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực, tiêu chí; ưu tiên nội dung dễ làm, cần ít vốn phù hợp với điều kiện của địa phương để chỉ đạo thực hiện.

   Toàn tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, đưa công nghệ cao vào sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, bền vững gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững; tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp về nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới; chú trọng đào tạo và tạo việc làm cho lao động nông thôn để từng bước chuyển dịch lao động ở nông thôn theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp.

   Ngoài ra, các cấp, ngành và địa phương chủ động huy động, thực hiện lồng ghép nguồn vốn trong điều kiện nguồn ngân sách Trung ương phân bổ chậm hơn các năm trước để thực hiện tiêu chí nông thôn mới theo đúng tiến độ đề ra. Việc lồng ghép phải cụ thể, rõ ràng có xác định thứ tự ưu tiên đối với từng công trình, từng tiêu chí và phải được kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng theo đúng quy định; tập trung ưu tiên cho vốn phát triển sản xuất, hạ tầng phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững; tiếp tục đẩy mạnh giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 Mai Anh

 

[Trở về]