Bản in     Gởi bài viết  
Vai trò của Mặt trận các cấp trong vận động nhân dân thực hiện Chương trình mục tiêu QGXD Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 

    Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" do Mặt trận TQVN chủ trì phát động, sau 01 năm tổ chức thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu QGXD Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

 

   Trong những năm qua, Mặt trận TQ các cấp trong tỉnh đẩy mạnh thi đua thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"do Ủy ban Trung ương MTTQVN khởi xướng và phát động. Từ năm 2011, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã ban hành Đề án 05 về "Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trong giai đoạn mới gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện, hợp với lòng dân nên được nhân dân tích cực hưởng ứng. Qua cuộc vận động đã phát huy ý chí tự lực, tự cường khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể và của cả cộng đồng tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; với phương châm lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân, lấy lợi ích chung của cộng đồng dân cư làm điểm tương đồng để tổ chức thực hiện.

   Trong phát triển kinh tế, Mặt trận các cấp và Ban công tác Mặt trận các khu dân cư luôn chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, giúp nhau đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú như: giúp nhau về vốn, tư liệu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, kỷ thuật, về ngày công lao động. Nhiều hộ gia đình đã có ý thức, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, mở mang ngành nghề, kinh doanh dịch vụ tổng hợp, cải tạo vườn đồi, vườn rừng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh đạt hiệu quả kinh tế cao như: cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa cho năng suất và chất lượng cao ở huyện Lệ Thủy; vùng trồng rừng kinh tế, cao su tiểu điền ở huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa. Những vùng đất màu canh tác đạt năng suất thấp thay bằng những cây con có giá trị như: cây dâu nuôi tằm, sản xuất rau quả sạch, trồng cỏ nuôi bò... Ở các vùng trung du miền núi với lợi thế đất đồi, đất rừng, nhân dân đã góp vốn mở trang trại tổng hợp, trồng cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc gia cầm. Nhiều địa phương như huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa,... nhân dân đã đầu tư vốn, kỹ thuật xây dựng những trang trại trồng cây keo lai, trồng cao su tiểu điền, chăn nuôi đạt giá trị kinh tế cao cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu động. Các KDC vùng cát ven biển phát triển ngành nghề, hình thành các HTX đầu tư ngư lưới cụ, tổ chức đánh bắt xa bờ, nuôi tôm nước lợ, các dịch vụ chế biến thuỷ sản; điển hình như huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch và TP Đồng Hới đã thu hút đông đảo người lao động ở khu dân cư, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, làm bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

   Cùng với việc vận động thực hiện phát triển kinh tế nâng cao đời sống, các cấp Mặt trận trong tinh đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đây là một chủ trương lớn, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực. Việc hiến đất, hiến tài sản, đóng góp ngày công để tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đang diễn ra sôi nổi ở khắp các bản, làng, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nhờ công tác tuyên truyền vận động tích cực của Mặt trận và các tổ chức thành viên nên trong năm qua việc hiến đất, hiến tài sản, đóng góp ngày công để tham gia xây dựng nông thôn mới đang diễn ra sôi nổi tại cơ sở. Chỉ tính riêng trong năm 2016 người dân tham gia hiến 122.128,0 m2 đất, giá trị ước tính 10.210,3 triệu đồng; đóng góp tài sản, tiền mặt và ngày công xây dựng nông thôn mới với tổng giá trị quy đổi là 31.203,3 triệu đồng, trong đó: Ngày công quy đổi là 2.804,8 triệu đồng; tài sản quy đổi là 6.509,3 triệu đồng và 21.889,2 triệu đồng tiền mặt.

   Đi đôi với việc vận động nhân dân phát triển kinh tế, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, công tác xây dựng thực hiện nếp sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm lo sức khỏe nhân dân và thực hiện công tác DS-KHHGĐ cũng luôn được Mặt trận các cấp chú trọng. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các Lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc được củng cố và phát triển ngày càng sâu rộng, sôi nổi trên địa bàn dân cư. Tiêu biểu như: đua, bơi thuyền truyền thống hàng năm vào dịp Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 ở huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh, huyện Tuyên Hóa; lễ hội rằm tháng 3 ở huyện Minh Hóa; Ca trù và các làn điệu dân ca truyền thống của thôn Uyên Phong, thôn Kinh Châu xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hóa; Lễ hội cầu ngư ở thôn Cừa Thôn xã Hải Ninh, Tiểu khu 2 thị trấn Quán Hàu, Lễ hội rằm tháng giêng của xã Lương Ninh, Vĩnh Ninh, Thị trấn Quán Hàu, Lễ hội đạp trống của Người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyên Bố Trạch; các làn điệu dân ca, hát ru của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Bản Khe Cát, xã Trường Sơn, Bản Khe Ngang xã Trường Xuân (Huyện Quảng Ninh)…Đồng thời, từng bước xóa bỏ các hủ tục phong kiến lạc hậu.

Nhân dân Thôn Tân Tiến, xã Quảng Tân ký cam kết hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động

   Các phong trào thi đua như “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” ; phong trào “Toàn dân rèn luyện thể dục thể thao”; gia đình thể thao; “Tiếng trống khuyến học”; vận động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài; xây dựng mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” cũng ngày cang được phát triển… Đến nay, nhân dân đã đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn ngày công để xây dựng các trường học; đã thành lập được 1.036 dòng họ khuyến học; tặng thưởng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi hàng chục triệu đồng; tỷ lệ người dân dùng nước sách hợp vệ sinh đạt trên 75%; có 750 khu dân cư (chiếm 58,09%) không có người sinh con thứ 3; 495 khu dân cư có câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao; trên 90% khu dân cư có quỹ khuyến học; 990 khu dân cư không có trẻ em bỏ học. Phong trào giữ gìn môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp được triển khai thường xuyên. Bằng nhiều hình thức phối hợp phát động cụ thể, thiết thực như: phong trào “Tết trồng cây”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “ Ngày chủ nhật xanh”, Ngày “ Môi trường thế giới”; vận động thực hiện tốt việc thu gom và xử lý rác thải, chất thải theo quy định, tổ chức làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xây dựng những đoạn đường, cung đường tự quản “Sáng, xanh, sạch, đẹp”; thực hiện đường thông, hè thoáng, không lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè, không gây cản trở giao thông … Với nhiều cách làm thiết thực và hiệu quả nên đến nay đã có trên 86% khu dân cư trong toàn tỉnh Quảng Bình không có hoạt động làm suy giảm môi trường; hàng nghìn đoạn đường tự quản do các chi hội, chi đoàn đảm nhiệm; trên 93% các hộ gia đình làm chuồng trại cho gia súc, gia cầm hợp về sinh; xây dựng và duy trì 25 mô hình diểm “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”; đa số người dân có ý thức hơn trong việc bảo đảm an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh dịch vụ và thực hiện một số hoạt động khác làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

   Công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư cũng luôn được các cấp Mặt trận chú trọng. Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên hàng năm đều ký kết chương trình phối hợp với các ngành chức năng, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào theo chuyên đề như: triển khai Nghị quyết liên tịch giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN và Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, nâng cao hiệu quả Đề án 01.138 “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”, Đề án “Xây dựng xã phường, cơ quan, đơn vị trường học không có tội phạm ma túy và người nghiện ma túy”. Đề án 02-212 của Uỷ ban Trung ương MTTQVN về “Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, hàng năm phối hợp tổ chức ký cam kết được hàng nghìn hộ gia đình đảm bảo an ninh trật tự. . . Qua đó, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không xẩy ra các điểm "nóng" về an ninh trật tự và các vụ án lớn trên địa bàn tỉnh.

   Với tư tưởng chủ đạo “Lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã góp phần tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Bình. Cuộc vận động hợp với lòng dân nên đã trở thành một phong trào thi đua rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, huy động được toàn thể hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực.

   Để phù hợp với tình hình trong giai đoạn cách mạng mới, Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình đang triển khai và đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Tin tưởng rằng với sự thay đổi các tiêu chí mới, phù hợp Cuộc vận động sẽ ngày càng đạt được nhiều kết quả cao hơn./.

Anh Đào

[Trở về]