Bản in     Gởi bài viết  
Xây dựng nông thôn mới ở các xã biển - Kỳ 1: Khi "biển" đang làm khó nông thôn mới 

   Theo số liệu từ Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, trong số 18 xã sát biển và 32 xã nghèo, bãi ngang, cồn bãi (xã biển) của tỉnh ta, mới chỉ có 9 xã cán đích xây dựng nông thôn mới, các xã còn lại vẫn còn rất nhiều gian nan, thử thách để hoàn thành lộ trình.
    Đã vậy, sự cố Formosa Hà Tĩnh xả thải làm cá chết hàng loạt và ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng vừa qua càng khiến cho chặng đường xây dựng nông thôn mới thêm dài và ghập ghềnh hơn bao giờ hết. Nhưng, trong gian khó, mới thấy được hết bản lĩnh của người “kẻ biển” và vẫn còn đó những niềm tin, lối đi cho ngày mai.

    Nỗi phấp phỏng của các xã đạt chuẩn

   Xã Quang Phú (TP.Đồng Hới) là xã sớm nhất của tỉnh ta về đích nông thôn mới từ năm 2013. Vậy mà từ sự cố cá chết này, một số tiêu chí sẽ bị ảnh hưởng và việc giữ vững được hay không vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm, ý chí của chính quyền và người dân địa phương.

Tàu thuyền không thể ra khơi khiến thu nhập của người dân các xã biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

   Ông Nguyễn Văn Thuân, Trưởng thôn Bắc Phú (Quang Phú, TP.Đồng Hới) bày tỏ nỗi trăn trở khi 11 tàu cá của thôn có công suất dưới 90CV đang không thể vươn khơi. 120/153 hộ gia đình chuyên làm nghề đánh bắt, kinh doanh thủy, hải sản, dịch vụ du lịch đang lâm vào bế tắc, khi phải ngồi nhà chơi không hoặc chấp nhận làm công việc tạm bợ, đắp đổi qua ngày. Những chiếc tàu trị giá từ 500-800 triệu đồng đang khắc khoải trên bờ cát trắng. Toàn thôn có 2 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo cũng điêu đứng tìm kế sinh nhai.

   Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Phú chia sẻ, đây là tình cảnh chung của các thôn trong xã và chắc chắn 3 tiêu chí, gồm: tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập và hộ nghèo, sẽ bị tác động mạnh mẽ nhất.

   Về cơ cấu lao động, Quang Phú được tỉnh và thành phố đầu tư quy hoạch phát triển du lịch-thương mại, do đó, trong 4 năm qua, cơ cấu phát triển kinh tế-xã hội có chiều hướng tăng tỷ trọng về dịch vụ thương mại và du lịch, các hộ gia đình kinh doanh về thủy, hải sản là chủ yếu.

   Hiện tại, 40% dân số Quang Phú đánh bắt hải sản, 40% làm dịch vụ, thương mại có liên quan đến du lịch. Quang Phú đang có 134 tàu thuyền và chủ yếu đánh bắt gần bờ theo tập quán truyền thống của địa phương. Thu nhập của mỗi khẩu trung bình 28,5 triệu đồng/năm, dự kiến theo kế hoạch năm 2016 sẽ tăng lên 30 triệu đồng.

   Tuy nhiên, sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, hầu như toàn bộ tàu thuyền của ngư dân đều không thể ra khơi, kéo theo đó là bộ phận làm dịch vụ, thương mại, du lịch liên quan cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tổng sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1.060 tấn, giảm 997 tấn so với cùng kỳ năm 2015 và chỉ đạt gần 30% so với kế hoạch đề ra. Kinh doanh, thương mại, dịch vụ chỉ đạt 40% so với kế hoạch và giảm 8,7 tỷ so với cùng kỳ năm 2015. Rất ít lao động tìm được việc làm phụ thay thế, công việc có cũng rất bấp bênh, thu nhập thấp, còn phần đa đều đang thất nghiệp, nằm nhà. Khi tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên giảm mạnh thì thu nhập trung bình cũng vì thế hạ thấp.

   Quang Phú phấn đấu đến cuối năm đạt 25 triệu đồng/khẩu/năm, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra. Như một chuỗi dây chuyền, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện ở mức 1,45% có xu hướng manh nha tăng trở lại. Tỷ lệ hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo cũng đang khiến chính quyền địa phương lo lắng.

   Ngoài ra, ông Phạm Thanh Bình còn cho biết thêm, hiện tại, vẫn còn gần 200 triệu đồng cần huy động từ người dân để đóng góp xây dựng nông thôn mới, dự kiến mỗi năm sẽ thu một ít, nhưng nay, việc đóng góp này sẽ khó càng thêm khó.

   Xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) cũng đang chung một nỗi lo như thế. Theo thống kê sơ bộ, xã có 1.295 hộ và 4.785 khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp do hiện tượng hải sản chết bất thường. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh ngậm ngùi, riêng với tiêu chí thu nhập, xã mất 5 năm để hoàn thành với quyết tâm sẽ đạt 3 triệu đồng/khẩu/tháng vào cuối năm 2016.

   Nhưng, trong bối cảnh các hộ khai thác vùng lộng bị ngưng trệ, hộ khai thác vùng khơi có sản phẩm bán giá thấp hơn, các nhà hàng, quán ăn, hộ gia đình thu mua hải sản, sản xuất đá lạnh, sửa chữa máy móc, chế biến hải sản, buôn bán nhỏ lẻ ở các chợ, dịch vụ cung ứng dầu gặp vô vàn khó khăn, thì con số này sẽ rất khó để đạt được.

   Theo tính toán của chính quyền xã, khoảng 90-95% lao động có việc làm thường xuyên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó đáng kể là lớp thanh niên không đi biển, phải ở nhà. Xu hướng tái nghèo ở các hộ cận nghèo rất đáng quan tâm, với dự đoán khoảng 1/3 hộ cận nghèo sẽ tái nghèo.

   Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh chia sẻ thêm, khoảng 244 tàu thuyền/tổng số 400 tàu thuyền của xã dưới 90CV, chuyên khai thác gần bờ bị ngưng trệ hoạt động. Từ thu nhập mỗi ngày thấp nhất vài trăm ngàn, có khi lên đến vài triệu đồng, ngư dân bỗng chốc tay trắng, mọi nguồn thu bị co hẹp.

   Thực tế trên cho thấy, cả 9 xã vùng biển và ven biển (Bảo Ninh, Quang Phú của TP.Đồng Hới; Đại Trạch, Trung Trạch, Hải Trạch, Thanh Trạch của Bố Trạch; Quảng Phú, Cảnh Dương, Quảng Xuân của Quảng Trạch) dù đã hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn ngổn ngang những nỗi lo, bởi chỉ việc không đạt 1 tiêu chí sẽ khiến mọi công sức bấy lâu “đổ xuống sông xuống biển”.

   Các xã biển nghèo mỏi mòn đích đến!

   Với các xã đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới khó khăn một, thì với các xã nghèo, bãi ngang, cồn bãi, khó khăn lại gấp nhiều lần. Xã bãi ngang Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy) mới chỉ hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cá biển chết hàng loạt, môi trường biển ô nhiễm nghiêm trọng, khách du lịch rời xa biển, đời sống người dân xã biển càng lao đao.

   Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam cho biết, lộ trình của xã là sẽ cán đích vào năm 2020, nhưng nay, thời hạn này chắc chắn sẽ còn bị kéo dài ít nhiều. Sự cố cá biển chết hàng loạt khiến Ngư Thủy Nam bị ảnh hưởng không ít tiêu chí, từ thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hộ nghèo cho đến cơ sở vật chất văn hóa, đường nông thôn, nhà ở...

   Với 283 tàu có có công suất từ 8 đến 25CV, đánh bắt gần bờ là chủ yếu, tới 90% dân số của xã làm ngư nghiệp, dịch vụ chế biến, thương mại liên quan đến biển, do đó, suốt hơn 3 tháng nay, nhiều người dân không có việc làm, phải chuyển sang các nghề phụ không tên hoặc chấp nhận đi làm ăn xa. Mức thu nhập 20 triệu đồng/khẩu/năm có nguy cơ không đạt vào cuối năm nay. Thu nhập bị giảm mạnh, khiến tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức 8,97% có khả năng tăng cao.

   Điều này khiến các công trình cộng đồng cần sự đóng góp của người dân, như: nhà văn hóa thôn (mới 1/5 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn), đường nông thôn (mới 4 km/25 km đạt chuẩn) và cả nhà ở người dân (mới 85% nhà ở đạt chuẩn) không biết bao giờ mới có thể chuẩn hóa theo quy định. Với một xã bãi ngang nhiều khó khăn, kinh tế của Ngư Thủy Nam dựa chủ yếu vào những con tàu vươn khơi đánh bắt gần bờ, nay kế sinh nhai bị ảnh hưởng, việc duy trì mức sống đã vất vả, thì việc đóng góp xây dựng nông thôn mới là điều quá khó đối với mỗi hộ gia đình.

   Đối với xã Quảng Đông (Quảng Trạch), nỗi gian nan trong lộ trình xây dựng nông thôn mới cũng đong đầy như thế. Theo ông Võ Quang Đạt, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, hiện xã đã thực hiện thành công 11/19 tiêu chí. Với 40% dân số làm đánh bắt, 30% thương mại dịch vụ và 137 tàu thuyền có công suất dưới 90CV, người dân Quảng Đông duy trì thu nhập 1,9 triệu đồng/khẩu/tháng.

   Nhưng nay, khi việc đánh bắt cá gần bờ bị tạm ngưng, thu nhập người dân giảm sút, khiến việc hoàn thành các tiêu chí còn lại, như: hộ nghèo, thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, chợ nông thôn có nguy cơ bị kéo dài thời gian hoặc ngưng trệ.

   Ông Nguyễn Quốc Út, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, khẳng định, sau khi sự cố cá biển chết hàng loạt, môi trường biển ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra, lộ trình xây dựng nông thôn mới ở 18 xã sát biển và 32 xã nghèo, bãi ngang, cồn bãi của tỉnh ta đã bị ảnh hưởng nặng nề. Các tiêu chí chịu tác động mạnh nhất là thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và hộ nghèo.

   Cùng với đó là hàng loạt các tiêu chí cần sự đóng góp của sức dân, như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa..., cũng rất khó khăn để triển khai, khiến nợ đọng nông thôn mới dai dẳng chưa dứt. Sự cố này đã kéo dài thời gian cán đích nông thôn mới của không ít xã sát biển và bãi ngang, cồn bãi của tỉnh ta.

Theo Mai Nhân(QBĐT)

[Trở về]