Bản in     Gởi bài viết  
Cần giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ Cho các hộ dân thoát khỏi khu vực ô nhiễm môi trường tại Nhà máy xi măng Vạn Ninh 

    Khu dân cư gần Nhà máy xi măng Áng Sơn được hình thành từ hơn 40 năm nay với khoảng 36 hộ dân sinh sống nhưng khi những công trình, nhà máy xi măng mọc lên để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh nhà, thì cũng là lúc họ lại phải gánh những hậu quả bởi tình trạng ô nhiễm môi trường. Trước tình hình này, Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát theo Quyết định số 128/QĐ - MTTQ - BTT ngày 26/5/2015 để tìm hiểu nguyên nhân chậm bồi thường, hỗ trợ cho người dân để có kiến nghị đề xuất với Nhà máy, chính quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm làm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân

       Khu dân cư gần Nhà máy xi măng Áng Sơn được hình thành từ hơn 40 năm nay với khoảng 36 hộ dân sinh sống tính đến thời điểm hiện nay. Cuộc sống của họ đã gắn bó với mảnh đất này không phải do thiên nhiên ban tặng cho họ có được điều kiện thuận tiện để họ sinh sống, mà lý do đơn giản bởi trước đây họ là những người công nhân làm nghề khai thác đá phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Thế nhưng khi những công trình, nhà máy xi măng mọc lên để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh nhà, thì cũng là lúc họ lại phải gánh những hậu quả bởi tình trạng ô nhiễm môi trường cũng do chính những công trình, nhà máy này gây nên. Họ phải sống chung với khói bụi, hít thở không khí, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm hàng ngày. Cuộc sống của họ bị đảo lộn, bệnh tật sinh sôi, nhất là bệnh về hô hấp cùng với nguy cơ về bệnh ung thư đã gây sự hoang mang, khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa đi tìm nơi ở mới với bao khó khăn, vất vã.

   Được biết, trong điều kiện sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó có Nhà máy xi măng Áng Sơn 2 do Công ty TNHH cơ khí Đức Thắng Lợi làm chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Để tháo gỡ khó khăn, Công ty Cổ phần xi măng ViCem Hải Vân đã mua lại Nhà máy xi măng Áng Sơn 2. Tuy nhiên, sau khi Nhà máy xi măng Vạn Ninh đi vào hoạt động năm 2008 thì phát sinh khiếu kiện liên tục của các hộ dân sống trong khu vực ô nhiểm môi trường do Nhà máy xi măng Vạn Ninh gây ra. Theo quy định pháp luật thì việc yêu cầu được di dời ra khỏi khu vực ô nhiểm môi trường do Nhà máy xi măng Vạn Ninh gây ra là hoàn toàn chính đáng và trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ việc di dời của các hộ dân thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp. Để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ việc di dời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan và Nhà máy xi măng Vạn Ninh kiểm tra, rà soát mức độ ô nhiễm, có biện pháp hạn chế đến mức tối đa mức độ ô nhiễm để đảm bảo cuộc sống trước mắt của người dân và thống nhất phương án bồi thường, di dời. Tháng 8 năm 2014, UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện Quảng Ninh phối hợp với Công ty Cổ phần xi măng ViCem Hải Vân và Nhà máy xi măng Vạn Ninh lập phương án bồi thường, hỗ trợ để di dời. Theo báo cáo của UBND huyện Quảng Ninh thì có 26 hộ đề nghị được di dời và UBND huyện cũng đã tính toán đầy đủ, đúng quy định của Nhà nước và được đa số người dân đồng tình. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần xi măng ViCem Hải Vân và Nhà máy xi măng Vạn Ninh đề nghị các ngành chức năng cần rà soát, kiểm tra lại các thủ tục như: Đối tượng bồi thường, di dời; định giá tài sản; hồ sơ đất đai…mà Nhà máy cho là chưa thỏa đáng.

   Để giải quyết vấn đề này, ngày 10/4/2015 ông Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – ông Nguyễn Xuân Quang đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần xi măng ViCem Hải Vân và Nhà máy xi măng Vạn Ninh cùng với đại diện lãnh đạo Sở TN&MT, KH&ĐT, Công thương, Tài chính, xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo Chi nhành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bắc Quảng Bình; đại diện lãnh đạo UBND huyện Quảng Ninh và UBND xã Vạn Ninh. Tại cuộc họp ông Nguyễn Xuân Quang đã có ý kiến chỉ đạo với các nội dung chủ yếu là: Thành lập Tổ công tác với đầy đủ các thành phần để rà soát, kiểm tra lại phương án bồi thường, hỗ trợ theo đề nghị của Công ty Cổ phần xi măng ViCem Hải Vân; UBND huyện Quảng Ninh sớm có Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định; Công ty Cổ phần xi măng ViCem Hải Vân chuẩn bị kinh phí để bồi thường, hỗ trợ…

   Thực hiện Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, UBND huyện Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với Công ty Cổ phần xi măng ViCem Hải Vân, Nhà máy xi măng Vạn Ninh, UBND xã Vạn Ninh, Trưởng thôn Áng Sơn đã tiến hành kiểm tra, rà soát hoàn chỉnh phương án bồi thưởng, hỗ trợ. Tuy nhiên đến ngày 24/4/2015, theo báo cáo của UBND huyện thì phía Công ty Cổ phần xi măng ViCem Hải Vân vẫn chưa ký xác nhận, vì vậy hồ sơ phương án bồi thường, hỗ trợ vẫn chưa được UBND huyện Quảng Ninh phê duyệt. Việc chậm giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ô nhiễm môi trường do Nhà máy xi măng Vạn Ninh gây nên đã gây bức xúc và trở thành điểm nóng trong lĩnh vực môi trường, nhất là các hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng.

   Trước tình hình đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát theo Quyết định số 128/QĐ - MTTQ - BTT ngày 26/5/2015 để tìm hiểu nguyên nhân chậm bồi thường, hỗ trợ cho người dân để có kiến nghị đề xuất với Nhà máy, chính quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm làm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Ngày 03/6/2015 Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã đến làm việc với đại diện các hộ dân bị ảnh hưởng ô nhiểm môi trường để tìm hiểu thêm tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Theo Kế hoạch, 8 giờ Đoàn sẽ làm với đại diện các hộ dân tại Nhà văn hóa thôn, nhưng chúng tôi khá bất ngờ vì sự có mặt rất sớm và đông đủ của gần như toàn bộ 26 hộ dân. Trên khuôn mặt ai nấy đều phấn khởi, vui mừng vì có sự quan tâm, động viên của Mặt trận Tổ quốc, cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Gặp gỡ, trao đổi các hộ dân, họ đều tỏ ra bức xúc vì sự bất cẩn của công tác quy hoạch Nhà máy sản xuất xi măng trong khu dân cư; cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn; tính mạng, sức khỏe của người dân chưa được chú trọng; sự vào cuộc chậm trể của các cơ quan chức năng; chậm bồi thường, hộ trợ của Nhà máy,.. Đồng thời đề nghị Mặt trận cần phát huy vai trò của mình kiến nghị với Nhà máy, chính quyền có biện pháp, sớm đưa người dân thoát khỏi khu vực bị ô nhiểm môi trường nghiêm trọng. Để chứng minh cho mức độ ô nhiểm môi trường của Nhà máy, nguyên nhân nảy sinh khiếu kiện nhiều năm nay, người dân đã chụp hình và in lên ảnh bạt với hình ảnh Nhà máy nhả khói bụi; bụi bám trên nhà cửa, cây cối….

   Tiếp tục làm việc với Nhà máy, ông Đặng Ngọc Bảo – Giám đốc Nhà máy xi măng Vạn Ninh cho hay: Nhà máy đã sai lầm khi đầu tư một khoản tiền rất lớn mua lại dự án mà không tiếp xúc với dân để tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do hậu quả để lại của Nhà máy xi măng Áng Sơn 2 do Công ty TNHH cơ khí Đức Thắng Lợi làm chủ đầu tư. Để khắc phục tình trạng ô nhiểm này, Nhà máy đã có nhiều biện pháp để xử lý như đầu tư hệ thống xử lý bụi thải trong không khí, trồng 2000 cây xanh che chắn, cho xe tưới nước…Tuy nhiên, Nhà máy cũng khẳng định những biện pháp này là chỉ nhằm hạn chế ô nhiễm, do đó Nhà máy đã ký xác hồ sơ bồi thường, hỗ trợ cho 23 trong tổng số 26 hộ đề nghị di dời. Nhà máy cũng có một số kiến nghị với Mặt trận tác động với Ngân hàng đề có khoản vay ưu đãi về cải thiện môi trường để giảm bớt khó khăn cho Nhà máy; 03 trường hợp Nhà máy đề nghị xem xét lại trong đó có 02 trường hợp liên quan đến hồ sơ đất đai (hộ ông Đỗ Quốc Tuấn và ông Nguyễn Minh Tuyến), 01 trường hợp (gia đình ông Trần Bình Nguyên) Nhà máy cho rằng có ô nhiễm nhưng không chỉ do Nhà máy xi măng Vạn Ninh gây ra mà còn nhiều nguyên nhân khác, do đó cần làm rõ. Tại buổi làm việc Nhà máy cũng cung cấp Bản cam kết thống nhất chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 23 hộ dân, thời gian chi trả chậm nhất là ngày 05/7/2015.

   Trước sự tích cực vào cuộc của chính quyền, Mặt trận các cấp, các ngành có liên quan, cùng với thiện chí của Nhà máy xi măng Vạn Ninh, đến ngày 05/7/2015, Nhà máy xi măng Vạn Ninh đã thực hiện việc chi trả 50% tiền bồi thường di dời cho 23/26 hộ, 50% còn lại Nhà máy hứa sẽ chi trả hết khi các hộ dân tự giải tỏa và bàn giao mặt bằng cho Nhà máy trong vòng 45 ngày. Đây là kết quả bước đầu đáng mừng sau 7 năm liên tục đi tìm công lý đề thoát khỏi những mối nguy hiểm không được báo trước của người dân. (còn nữa).

Nguyễn Văn Sinh – Trưởng Ban DC-PL Mặt trận tỉnh

[Trở về]