Bản in     Gởi bài viết  
CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CỦNG CỐ TỔ CHỨC BỘ MÁY, THAM MƯU THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CÁN BỘ MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM Ở TỈNH QUẢNG BÌNH 

    Xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, thực hiện chính sách đối với cán bộ Mặt trận là một trong những nội dung quan trọng nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc theo Kết luận số 62-KL/TW, ngày 08 tháng 12 năm 2009 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

    Để tăng cường hiệu quả tập hợp, xây dựng Khối Đại đoàn kết toàn dân ở địa phương, trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền và các tổ chức thành viên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, đa dạng, hướng mọi hoạt động về cơ sở, địa bàn dân cư. Chính vì vậy, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh của tỉnh nhà. Mặt trận tỉnh Quảng Bình hiện có 8 Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, 159 Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, 1.210 Ban Công tác Mặt trận ở Khu dân cư; có 38 tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

   Về công tác tổ chức, cán bộ: Những năm qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã thường xuyên coi trọng công tác cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy, coi đó là việc làm quan trọng. Chủ động tham mưu kịp thời cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác cán bộ, nhất là việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Mặt trận. Trên cơ sở tình hình thực tế về chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, Đảng đoàn, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phối hợp với Ban Thường vụ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đánh giá đúng thực trạng số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, qua đó đề xuất xây dựng biên chế bộ máy cho cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Ban Công tác Mặt trận đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Cụ thể: Hiện nay biên chế cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có 24 biên chế, gồm 05 Ban và Văn phòng, Ban Thường trực có 10 người; cấp huyện có từ 05 - 09 biên chế, Ban Thường trực có 4-5 người; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận cấp xã từ 3-4 người; Ban Công tác Mặt trận ở KDC có từ 5-9 người.

   Xác định công tác cán bộ là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động Mặt trận. Vì vậy Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn đặc biệt chú trọng quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Nhìn chung cán bộ Mặt trận các cấp trong tỉnh đã được chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, cơ bản đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ công tác Mặt trận.

Phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ Mặt trận cơ sở hàng năm

   Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp với Trường Chính trị tỉnh để bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận cho cán bộ Mặt trận từ cấp tỉnh đến cấp xã; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở KDC, đồng thời cử cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận do Ban Thường trực Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, vì vậy chất lượng đội ngủ cán bộ Mặt trận được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

    Về chế độ chính sách cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể: Là một tỉnh mà ngân sách hàng năm còn phụ thuộc vào cân đối của Trung ương, song nhờ sự chủ động kiến nghị, đề xuất của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nên tỉnh Quảng Bình đã quan tâm ban hành các chế độ chính sách cho hoạt động của Mặt trận nói chung và cán bộ Mặt trận, đoàn thể ở địa phương nói riêng. Hiện nay, tại tỉnh Quảng Bình cán bộ Mặt trận, đoàn thể chuyên trách đều được hưởng các chế độ theo quy định; các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã hoạt động không chuyên trách, hàng tháng được hưởng hệ số phụ cấp từ 1,4 trở lên, cấp phó của các đoàn thể được hưởng hệ số phụ cấp từ 1,2 trở lên; Trưởng Ban Công tác Mặt trận KDC được hưởng hệ số phụ cấp 0,2. Ngoài ra, trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đề nghị và được chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết hỗ trợ kinh phí thông tin báo chí cho Ủy viên Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện (kể cả những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước) mỗi tháng từ 50.000đ đến 70.000đ/người. Tuy mức độ phụ cấp chưa cao, song trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, thì những chế độ chính sách trên đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với cán bộ Mặt trận và các đoàn thể.

    Về kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”: cấp tỉnh được cấp 500 triệu đồng/năm, cấp huyện từ 70 đồng triệu trở lên/năm, cấp xã 20 triệu/năm, Ban Công tác Mặt trận KDC 5 triệu đồng /năm (ở những xã khó khăn: 7 triệu đồng/năm); Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được cấp kinh phí hoạt động 5 triệu đồng/năm...Các nguồn kinh phí được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết nên chủ động trong xây dựng kế hoạch thực hiện; bên cạnh đó tùy theo điều kiện, khả năng thu ngân sách và tình hình hoạt động thực tế, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ động tham mưu HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung qua hàng năm.

    Có thể nói, nhờ có những chủ trương đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo và các giải pháp về công tác cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy, cùng với hệ thống chính sách của địa phương cho đội ngũ cán bộ và hoạt động của Mặt trận, đoàn thể nên hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh được kiện toàn kịp thời, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó an tâm phấn khởi, gắn bó với tổ chức; Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức, cán bộ vẫn còn những hạn chế như: Một số nơi chưa kiện toàn, bổ sung cán bộ kịp thời khi có sự thay đổi nhân sự; việc bố trí cán bộ chủ chốt Mặt trận cấp xã có nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn; năng lực công tác của một số cán bộ Mặt trận còn hạn chế, thiếu chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

    Thông qua thực tiễn công tác xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và thực hiện chính sách đối với các bộ Mặt trận trong nhiệm kỳ qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

    Một là: Mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền phải quán triệt sâu sắc Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, qua đó để cụ thể hóa về công tác tổ chức, cán bộ, chế độ chính sách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

    Hai là: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng triển khai sơ kết, tổng kết, đánh giá đúng thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể trên cơ sở vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tình hình mới để đề nghị cấp ủy Đảng xem xét, bố trí cán bộ, cũng như các chế độ chính sách có liên quan cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể.

    Ba là: Phải chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, có năng lực, bản lĩnh, tâm huyết và có phương pháp vận động quần chúng; thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, nhất là cán bộ chuyên trách, ưu tiên cán bộ trưởng thành từ phong trào cơ sở.

    Bốn là: Ủy ban MTTQ các cấp phải tự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo; đội ngũ cán bộ Mặt trận phải có khả năng tham mưu cho cấp ủy Đảng kịp thời nắm được tình hình quần chúng nhân dân, có năng lực, bản lĩnh trong giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là vấn đề dân sinh và dân chủ.

   Năm là: Duy trì định kỳ báo cáo với cấp ủy Đảng; nâng cao chất lượng việc sơ kết, tổng kết thực hiện quy chế phối hợp giữa Ủy ban MTTQ và HĐND, UBND các cấp, qua đó để đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác Mặt trận cũng như các kiến nghị, đề xuất về công tác tổ chức cán bộ Mặt trận.

    Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, bộ máy, cán bộ và chính sách cán bộ Mặt trận, đoàn thể trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình có đề xuất một số ý kiến như sau:

    Thứ nhất: Đề nghị Bộ Chính trị sớm có quyết định sửa đổi Quy định số 282- QĐ/TW ngày 01/4/2015 của Ban Bí thư về Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế cơ quan tham mưu, giúp việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, tạo cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai sắp xếp, sáp nhập các ban chuyên môn nhằm đảm bảo tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trong thời gian tới.

    Thứ hai: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần sớm triển khai nâng cấp “Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lên thành “Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận” nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết của công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, đáp ứng chức năng, nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới.

    Thứ ba: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách hỗ trợ chế độ sinh hoạt phí đối với Ủy viên Ủy ban Mặt trận cấp xã, vì hiện nay theo Quyết định số 33/2014/QĐ-TTg, ngày 28/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ đối tượng này chưa được hỗ trợ sinh hoạt phí, nhằm động viên các vị Ủy viên Uỷ ban Mặt trận cấp xã phát huy tinh thần trách nhiệm, góp phần quan trọng trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Văn Lộc - MT tỉnh

[Trở về]