Bản in     Gởi bài viết  
KẾT QUẢ 5 NĂM THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA MẶT TRẬN CÁC CẤP TRONG TỈNH THEO QUYẾT ĐỊNH 217-QĐ/TW NGÀY 12/12/2013 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA XI) 
   Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.  

   Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, ngày 18/3/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-TU về tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (Khóa XI); đồng thời tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt cho đội ngũ cán bộ cốt cán của tỉnh. Chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp triển khai học tập, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn tỉnh; chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức hướng dẫn thực hiện. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quan tâm, chỉ đạo, cho ý kiến về nội dung giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể cấp tỉnh để Mặt trận và các đoàn thể tổ chức giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề và giám sát những vấn đề Nhân dân quan tâm.

Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện QĐ-217-QĐ/TW

   Xác định công tác giám sát và phản biện xã hội là trách nhiệm, là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc các cấp, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc trong việc xây dựng, tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ban Thường trực UBMT TQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 01/HD-MT-BTT và Kế hoạch số 06/KH-MT-BTT để hướng dẫn thực hiện trong hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên. Cùng với việc ban hành hướng dẫn, Ban Thường trực MTTQ tỉnh đã triển khai tổ chức quán triệt những nội dung cơ bản của Quyết định 217 và các quy chế, quy định, hướng dẫn, kế hoạch thực hiện cho Ban Thường trực Mặt trận các huyên, thị xã, thành phố.

   Việc xây dựng Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội luôn được thực hiện theo đúng quy trình. Hàng năm căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiển, ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh lựa chọn nội dung giám sát và phản biện, đồng thời, trao đổi, thống nhất với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND cùng cấp, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực cấp ủy cùng cấp để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.

  Thực hiện Quyết định 217 –QĐ/TW, trong 5 năm qua, Mặt trận các cấp đã tổ chức 9 lớp tập huấn cho 1.128 cán bộ Mặt trận các cấp; tổ chức tuyên truyền hơn 10.200 buổi cho hơn 720.000 người tham dự; xây dựng 60 chuyên trang, chuyên mục, đăng tại hàng nghìn tin, bài; cung cấp hơn 1.000 cuốn tài liệu tuyên truyền, sổ tay công tác giám sát, phản biện cho cán bộ Mặt trận các cấp. Đồng thời, hàng năm Ban Thường trực UBMT cấp tỉnh, huyện đưa nội dung giám sát, phảm biện xã hội vào chương trỉnh tập huấn cán bộ Mặt trận, nhằm bồi dưỡng kỹ năng giám sát và phản biện xã hội cho cán bộ Mặt trận các cấp. Trên cơ sở các nội dung của Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã-hội; Hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Hàng năm Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố bám sát nội dung các văn bản hướng dẫn của Mặt trận cấp trên, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và các tổ chức chính trị-xã hội để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả.

   Trong 5 năm triển khai thực hiện, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ trì tổ chức 1.231 cuộc giám sát; phối hợp tham gia giám sát với HĐND và các cơ quan có thẩm quyền 1.881 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chính sách, pháp luật của Nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh và những vấn đề được đoàn viên, hội viên, Nhân dân và xã hội quan tâm như:

   Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh đã lựa chọn và giám sát: Công tác quản lý tài nguyên, môi trường; Việc đền bù, giải quyết mặt bằng; Giải quyết chế độ chính sách đối với người có công, người nghèo; Công tác bồi thường sự cố môi trường biển; Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Công tác tổ chức bộ máy, chuyển đổi vị trí việc làm theo quy định của Nhà nước; Việc thực hiện niêm yết giá thuốc tân dược và thanh toán của bệnh nhân tại khu vực khám chữa, bệnh theo quy định trên địa bàn tỉnh; Công tác quản lý vệ sinh an ATTP trên địa bàn tỉnh.

   Ủy ban Mặt trận huyện và cơ sở đã tập trung giám sát các nội dung về: Các khoản đóng góp xây dựng nông thôn mới; Công tác quản lý các nguồn thu trong các trường học; Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; Giải quyết chế độ chính sách đối với người có công; Công tác đền bù sự cố môi trường biển…

   Các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức giám sát: Việc thực hiện quy định về công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2018; Công tác ATLĐ, vệ sinh lao động thời kỳ đẩy mạnh CNH, hội nhập quốc tế; Các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật đối với người lao động; Việc quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp giai đoạn 2015-2020; Việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và đào tạo việc làm cho thanh niên; Giám sát chính sách hỗ trợ trẻ em mầm non dưới 5 tuổi và chế độ hỗ trợ phụ nữ đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi có hoàn cảnh khó khăn; Việc thực hiện chính sách BHYT đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo…

   Cùng với các hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội cũng luôn được Ban Thường trực UBMT TQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị-xã hội quan tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả, thông qua các hình thức như: Tổ chức hội nghị; gửi văn bản dự thảo đến các cơ quan liên quan, các chuyên gia để lấy ý kiến phản biện; đối thoại trực tiếp với cơ quan dự thảo văn bản. Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã tổ chức 05 Hội nghị góp ý và phản biện, tập trung phản biện, góp ý vào các dự thảo Luật có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống Nhân dân như: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự tảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi); Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi); Quyết định ban hành Quy chế Khen thưởng tỉnh Quảng Bình. Đồng thời, tích cực tham gia góp ý xây dựng 30 dự thảo Luật của Trung ương và 18 dự thảo quy phạm pháp luật của địa phương gửi đến.

   Mặt trận cấp huyện và cơ sở đã tổ chức phản biện xã hội thông qua các hình thức với 1.821 cuộc, trong đó: Tổ chức lấy ý kiến góp ý 100 cuộc; gửi dự thảo văn bản phản biện 1.134 cuộc; tổ chức đối thoại 587 cuộc. Các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đã chỉ đạo hệ thống các đơn vị trực thuộc tổ chức cho đoàn viên, hội viên, người lao động tham gia ý kiến vào việc xây dựng các đề án phát triển KT-XH của dịa phương tại các kỳ họp HĐND; dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp, các chính sách văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.

   Thông qua công tác giám sát, Mặt trận các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội đã đánh giá khách quan những kết quả đạt được, phát hiện những khó khăn, vướng mắc cũng như những hạn chế trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời kiến nghị đến cấp ủy, chính quyền và các cơ quan có liên quan giải quyết, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền và phù hợp với thực tiễn của cuộc sống.

   Các kiến nghị phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội luôn đảm bảo chất lượng, thể hiện trí tuệ, trách nhiệm, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Qua phản biện của Mặt trận và các đoàn thể đã giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa phù hợp với tình hình thực tiển. Những ý kiến phản biện của Mặt trận đã được các cơ quan dự thảo văn bản nghiên cứu tiếp thu, góp phần nâng cao chất lượng các văn bản được phát hành, bảo đảm tính khả thi của các chương trình, kế hoạch, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được tặng Bằng khen tại Hội nghị tổng kết

   Nhìn lại, kết quả 5 năm qua, có thể nói công tác giám giát và phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trật Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Thông qua giám sát, phản biện xã hội làm cho các quyết định của Đảng và Nhà nước sát với thực tiễn cuộc sống của Nhân dân, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và có tính khả thi cao hơn. Qua giám sát, phản biện xã hội giúp cho cán bộ, công chức, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, đồng thời, qua đó để phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện sai trái, tiêu cực; bảo vệ cán bộ, bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

   Tuy nhiên, để Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” ngày càng đi sâu vào cuộc sống một cách hiệu quả, đòi hỏi MTTQ các cấp trong tỉnh ngày càng phát huy hơn nữa vai trò của mình trong thực hiện chức năng giám sát, phản biện theo cơ chế và luật định; cần nhiều hơn nữa sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền. Nếu thực hiện tốt việc giám sát, phản biện thì vị thế, vai trò, uy tín của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ được nâng cao; cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ có cơ hội được rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, trình độ hiểu biết pháp luật và cũng sẽ được Nhân dân tin tưởng, gắn bó hơn./.

 

Trần Hùng

 

 

 

 

[Trở về]