Bản in     Gởi bài viết  
Kết quả phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo 6 tháng đầu năm 2018 ở tỉnh ta 
 

   Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động thực hiện nội dung công tác tháng, quý, trực tiếp động viên mọi thành phần dân Chúa hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Mặt trận và đoàn thể các cấp phát động. 

   6 tháng đầu năm 2018, Chương trình hành động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã được Ủy ban Mặt trận, các đoàn thể và Chính quyền các cấp đồng tình, cổ vũ và động viên giúp đỡ về nhiều mặt, trong đó nhiều nội dung công tác có nhiều chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao trên các lĩnh vực

.   Phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng được bà con giáo dân các xứ, họ đạo nhiệt tình hưởng ứng. Các làng nghề truyền thống, các trang trại, hộ sản xuất kinh doanh, các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh cao. Qua phong trào xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, điển hình, như: Gia đình ông Mai Văn Dũng ở giáo xứ Chợ sàng xã Quảng Liên đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang ươm ghép giống cây lâm nghiệp cung cấp giống cho bà con nâng cao diện tích trồng rừng, đồng thời thuê đất trồng lúa nhiễm mặn để đầu tư nuôi tôm, cua giải quyết cho 15 - 20 lao động có việc làm ổn định; ông Nguyễn Nghiệp họ giáo Tô xá xã Quảng Phương, đầu tư xây dựng mô hình VAC trên vùng đất nhiễm phèn với số vốn đầu tư hơn 420 triệu đồng, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng diện tích trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, tạo việc làm cho hơn 10 lao động có thu nhập ổn định; ông Nguyễn Văn Biểu giáo dân xứ Hà Lời xã Sơn Trạch, với 03 lồng cá và 700 con vịt đẻ trứng nuôi trên Sông Son cho thu nhập cao; ông Nguyễn Hùng giáo dân xứ Vĩnh Phước xã Quảng Lộc, ngoài việc phát triển xưởng mộc mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng ông còn mạnh dạn đầu tư vốn phát triển chăn nuôi, trồng và thu mua ớt xuất khẩu, tạo việc làm cho 15 - 20 lao động có mức lương 6,5 triệu đồng/ tháng…Nhiều doanh nghiệp, Công ty TNHH trong bà con đồng bào Công giáo được thành lập và hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động, như: Doanh nghiệp của ông Trương Quang Độ, ông Hoàng Mạnh Hùng, ông Hoàng Hiệu, ông Lê Quốc Việt ở các giáo xứ thuộc huyện Tuyên Hóa… Bà con ở các giáo xứ Văn phú, Tân Mỹ, Xuân Hòa, Giáp Tam đã sử dụng tiền đền bù sự cố môi trường biển để đầu tư đóng mới tàu thuyền, mua sắm phương tiện hiện đại đánh bắt xa bờ có hiệu quả. Điển hình như ông Nguyễn Thanh Trịnh giáo xứ Tân Mỹ đầu tư đóng mới tàu có công suất 863 CV có trang bị máy liên lạc tầm xa, máy định vị, máy dò cá với tổng vốn đầu tư lên đến 7 tỷ đồng; Xưởng đóng tàu của ông Hoàng Văn Tường giáo xứ Văn phú xã Quảng Văn với số vốn đầu tư là 2,5 tỷ đồng, bình quân mỗi năm xuất xưởng từ 3-5 tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, tạo việc làm cho 22 lao động có mức lương ổn định 7 triệu đồng /tháng và 40 lao động thời vụ có thu nhập khá. Ngoài ra nhiều xưởng chế biến thủy, hải sản được bà con Công giáo mạnh dạn đầu tư và ngày càng phát huy hiệu quả như hộ gia đình bà Thủy giáo xứ Nhân Thọ, gia đình bà Thiết, bà Hoa, bà Xinh giáo xứ Xuân Hòa xã Quảng Xuân …

Hội nghị BTT Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh lần thứ XI năm 2018

   Phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh, được các giáo xứ, giáo họ trong toàn tỉnh nhiệt tình hưởng ứng, điển hình như: Ông Phạm Thanh Đông họ giáo Thuận Hòa xã Quảng Trường đảm nhận việc bê tông hóa đường giao thông nội đồng để thuận lợi cho bà con đi lại sản xuất kinh doanh; đến nay thôn Thuận Hòa đã bê tông hóa gần 2000 m đường giao thông nông thôn, trị giá 463 triệu đồng; Ông Nguyễn Nghiệp giáo xứ Hướng Phương xã Quảng Phương đã tự nguyện dỡ bỏ 50 m tường rào, 25m2 đất ở để làm đường giao thông nông thôn; Ông Hoàng Công Sự ở xứ Giáp Tam là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TQVN xã Quảng Minh đã vận động được 220 triệu đồng để bê tông hóa đường liên thôn, riêng gia đình ông đã ủng hộ 600 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn với diện tích 103 m2…Ngoài ra bà con giáo dân các giáo xứ, giáo họ đã tự nguyện đóng góp tiền, tài sản, ngày công để tu sữa, làm mới nhiều ngôi Thánh đường, cơ sở thờ tự ngày càng khang trang, sạch đẹp.

   Đi đôi với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở các xứ, họ giáo cũng luôn được chú trọng. Những chuẩn mực đạo đức Công giáo như thảo kính cha mẹ, cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, thăm nuôi kẻ bệnh tật và cô đơn, tha thứ cho người tội lỗi biết ăn năn hối cải, khuyên can kẻ lầm đường lạc lối, không đam mê ăn uống, dâm dục, cờ bạc, trộm cắp… đó là những nét đẹp trong đời sống cộng đồng của người Công giáo và cũng là nét đẹp văn hóa chung luôn được duy trì, gìn giữ và phát huy. Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã kết hợp lồng ghép, hướng đến những nét tương đồng giữa nếp sống đạo và những thuần phong mỹ tục, trong đời sống văn hóa phong phú của dân tộc; thể hiện trong nội dung của Hương ước, Quy ước về việc ma, chay, cưới, hỏi như: không để người thân qua đời quá 24 giờ, coi trọng nếp sống gia đình, nhân rộng các mô hình như “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu Hiếu thảo”, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của quê hương, bản sắc văn hóa của dân tộc. Nhiều họ giáo đã đầu tư xây dựng khu vui chơi, thể dục thể thao, sinh hoạt văn nghệ, giúp thanh thiếu niên có sân chơi lành mạnh, phát huy năng khiếu, hình thành nhân cách sống, kỹ năng và thói quen ứng xử. Tại các xứ, họ giáo, các chi Hội Phụ nữ tích cực thực hiện chương trình “Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc” do Hội Phụ nữ các địa phương phát động.

   Công tác giáo dục, y tế cũng luôn được các giới Công giáo hưởng ứng tích cực. Nhiều mô hình khuyến học, khuyến tài, xây dựng quỹ khuyến học để kịp thời khen thưởng cho các em có thành tích học tập tốt, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn cố gắng vươn lên học giỏi, như: Mô hình “Tiếng trống khuyến học” của các họ đạo xứ Phù Kinh xã Phù Hóa được duy trì và nhân rộng ở các cộng đồng dân cư; gia đình ông Nguyễn Công Lý giáo xứ Gia Hưng có 03 người con, 02 con đã hoàn thành chương trình cao học, con thứ ba đang học đại học, nhiều gia đình 04 người con đều đã tốt nghiệp đại học; nhiều vị Linh mục đã dành nhiều suất học bổng, nhiều phần thưởng để khuyến khích động viên các em vượt khó học giỏi. Nhiều giáo xứ đã tích cực vận động nhân dân chủ động phòng, chống các dịch bệnh, thực hiện sinh con có trách nhiệm, tham gia các hình thức Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội và các hoạt động vì sức khỏe cộng đồng. Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tích cực tham gia công tác nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ gia đình bị thiên tai, người bị nhiễm chất độc Da cam - Dioxin, người già yếu không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dòng Mến Thánh giá Hướng Phương đã cử nhiều nử tu đi học các lớp đào tạo cô nuôi dạy trẻ, các lớp y, dược sỹ về mở một số tủ thuốc ở các xứ, họ đạo để phục vụ kịp thời cho bà con trong vùng với giá cả hợp lý, được bà con tín nhiệm cao.

   Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp được bà con giáo dân tích cực thực hiện. Hưởng ứng các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình hành động của Nhà nước và Mặt trận TQVN tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng với thông điệp “Cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại” của Đức Giáo hoàng Phanxicô, nội dung Chương trình ký kết về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh, Sở Tài nguyên – Môi trường, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh và Giáo hội Phật giáo tỉnh giai đoạn (2017 – 2020). Tổ chức dựng mô hình điểm tại thôn Phú Xuân thuộc giáo xứ Trừng Hải, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch; hướng dẫn bà con biết cách ứng phó với biến đổi khí hậu, phát động trồng thêm cây xanh, quy hoạch vườn, ao, chuồng và các công trình vệ sinh bảo đảm cảnh quan và môi trường, cách phân loại, xử lý rác thải đúng quy định, nhất là tại các cơ sở thờ tự, các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng. Vận động bà con giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Các Linh mục, Hội đồng Mục vụ và bà con giáo dân các xứ, họ tích cực hưởng ứng với tinh thần: “Sống xanh - sống thân thiện với môi trường - cùng nhau có trách nhiệm về một môi trường bền vững”. Phát huy phong trào thắp sáng đường quê, giữ gìn đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp trong chương trình “Ngày thứ 7 xanh, sạch, đẹp”, xóa bỏ những thói quen gây ô nhiễm làm suy thoái môi trường trong sinh hoạt, trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa, xã hội.

   Thực hiện tốt việc chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã chú trọng phát huy nội dung phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Chú trọng hướng dẫn thực hiện 5 tiêu chí “Họ đạo bình yên” và 5 nội dung “Gia đình hòa thuận”; tranh thủ sự đồng tình của các vị Linh mục, Hội đồng mục vụ các giáo xứ, giáo họ tích cực vận động bà con giáo dân phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, đề cao cảnh giác với các âm mưu của các thế lực thù địch đang lợi dụng việc đền bù thiệt hại trong sự cố môi trường biển để kích động, đòi hỏi, gây mất ổn định trong nhân dân. Vận động bà con giáo dân thực hiện tốt pháp luật về an toàn giao thông, không sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh quá quy định trong chăn nuôi, không sử dụng hóa chất bảo quản thực phẩm sai quy định, không tàng trữ vật liệu nổ trong gia đình, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Trong các dịp lễ trọng hay các ngày lễ chủ nhật, các Linh mục đã thường xuyên nhắc nhở bà con giáo dân, nhất là các bậc ông bà, cha mẹ phải luôn gương mẫu, các cháu thanh niên, học sinh phải cảnh giác với những cám dỗ của các tệ nạn xã hội, tạo sự bình an trong tâm hồn của mỗi giáo dân, trong mỗi gia đình và toàn xã hội.

   Các phong trào thi đua yêu nước của Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể phát động đã được bà con giáo dân đồng tình hưởng ứng và mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sống tốt đời đẹp đạo”. Vị thế của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh ngày càng được khẳng định.

   Chúng ta phấn khởi và tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với sự đồng lòng nỗ lực đầy trách nhiệm của các vị trong Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, sự giúp đỡ của Ủy ban ĐKCG Việt Nam, của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh và tổ chức đoàn thể các cấp và sự hưởng ứng tích cực của bà con giáo dân, nhất định phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tỉnh ta ngày càng phát triển./.


Văn Minh-MT tỉnh

 

 

[Trở về]