Bản in     Gởi bài viết  
Mặt trận TQVN tỉnh đẩy mạnh Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, tích cực tham gia đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn 
 

     Nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, huyện Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có ý thức chấp hành pháp luật về ATTP. 

   An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe con người được xã hội rất quan tâm. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý bảo đảm ATTP. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp số 09/CTrPH/UBND-UBMTTQVN ngày 30/9/2016 với UBND tỉnh về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020.

   Xác định rõ việc thực hiện công tác bảo đảm ATTP là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng và xuyên suốt quá trình hoạt động của Mặt trận các cấp, do vậy, trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm cho cán bộ Mặt trận các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và các tầng Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về an toàn thực phẩm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Qua tổ chức họp dân, qua sinh hoạt chi hội, chi đoàn, tuyên truyền qua hệ thống loa tuyền thanh ở cơ sở, khu dân cư; từ đó làm thay đổi thói quen, phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, có nguy cơ cao ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng; Đồng thời, khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức sản xuất, kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì sức khỏa cộng đồng của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, để nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm cho cho đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở, khu dân cư, năm 2017, Mặt trận TQVN tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế (Chi cục An toàn thực phẩm) tổ chức 09 lớp tập huấn với 911 học viên cho cán bộ Mặt trận các cấp và Ban công tác Mặt trận khu dân cư; Hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho 450 cán bộ, hội viên. Mặt trận các cấp đã phối hợp truyên truyền 2.830 buổi với 299.682 lượt người tham dự; cấp phát trên 7.000 tờ rơi, 272 băng đĩa, pa nô, áp phích tuyên truyền về các quy định, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản. Các cấp Hội Nông dân đã tổ chức 540 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức, kỹ năng thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho 36.500 lượt người tham dự.

   Nhiều phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn được đẩy mạnh trong các cấp của Hội Nông dân; Cuộc vận đồng "Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng" đang được thực hiện trong các cấp Hội phụ nữ, điển hình như: Phong trào 3 không: "Không sản xuất rau không an toàn; không phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép thực hiện; không giết mổ, mua bán vận chuyển gia súc, gia cầm không an toàn"; thực hiện "Bữa ăn an toàn cho mỗi gia đình". Ủy ban Mặt trận huyện Lệ Thủy; TX Ba Đồn, huyện Bố Trạch, TP Đồng Hới đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức các hội thi sân khấu hóa về ATTP ở cộng đồng dân cư như: "Gia đình và dinh dưỡng trẻ thơ", "Ngày hội dinh dưỡng", "Bữa ăn tự chọn"; Phối hợp tổ chức 5 Hội thi "Cơm ngon - Con khỏe" tại 5 xã, phường, thị trấn thu hút sự tham gia của gần 2.000 cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn. Nhiều mô hình về đảm bảo ATTP được tổ chức xây dựng, như: "Trồng rau sạch", "Bếp ăn sạch", "Rau sạch tại gia", "Tổ phụ nữ kinh doanh thực phẩm an toàn", "Tổ phụ nữ dịch vụ ăn uống, thực hiện vệ sinh ATTP". Trong năm 2017, Mặt trận TQVN tỉnh đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng các mô hình điểm "Khu dân cư sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn", đang từng bước phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: Mô hình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn Tổ dân phố Tường Sơn, phường Quảng Long, TX Ba Đồn; mô hình Tổ dân phố 2, phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới; mô hình Khu dân cư Tương Trợ, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy. Ở cấp huyện, TX, TP đều có kế hoạch triển khai xây dựng từ 3-5 mô hình và hướng dẫn cơ sở xây dựng từ 1-2 mô hình điểm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn. Thông qua các mô hình Ủy ban Mặt trận cơ sở tổ chức ký kết bảo đảm vệ sinh ATTP với các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.

Lễ ký kết đảm bảo vệ sinh ATTP ở khu dân cư

   Công tác phối hợp thông tin tuyên truyền trên Đài, Báo và các trang Websites của Mặt trận tỉnh và các sở, ban, ngành cũng được chú trọng. Đài PTTH đã phát sóng gần 1.300 tin, bài, phóng sự; phát thanh gần 1.000 tin, bài về ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Thực hiện tuyên truyền trong các chương trình Thời sự Phát thanh, Truyền hình, Chuyên đề, Chuyên mục, Phát sóng thông điệp tuyên truyền đảm bảo vệ sinh ATTP trong dịp các dịp Lễ, Tết Mậu Tuất và mùa Lễ hội 2017; tổ chức thực hiện tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017. Đưa tin kịp thời các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đợt cao điểm về vệ sinh ATTP…

   Đi đôi với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo vệ sinh ATTP, Công tác quản lý nhà nước, phối hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng về vệ sinh ATTP cũng được chú trọng. Mặt trận TQVN tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an tỉnh tổ chức thanh, kiểm tra liên ngành và đơn ngành về ATTP trong các đợt cao điểm (Tết Nguyên Đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu) được tăng cường. Trong năm 2017, các ngành chức năng đã thanh tra, kiểm tra 295 lượt cơ sở sản xuất thực phẩm, 1.941 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 2.914 cơ sở dịch vụ ăn uống và 1.149 cơ sở vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản. Qua kiểm tra đã nhắc nhở 955 cơ sở, phát hiện 166 cơ sở vi phạm ATTP, xử phạt 362.825.000 đ, giá trị hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy ước tính 897.231.654.000đ (Gồm: Nội tạng động vật, bánh kẹo, sữa, nước giải khát hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc… Đặc biệt, năm 2017. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức giám sát 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm giai đoạn 2016-2017 ở 04 huyện, thành phố trong tỉnh. Qua giám sát Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành các cấp thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

   Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức tập huấn kiến thức cho hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn, góp phần đưa tỷ lệ các cơ sở không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm qua kiểm tra giảm dần qua hàng năm. Tình hình lưu thông hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc giảm so với những năm trước. Người tiêu dùng có ý thức hơn trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn. Qua đó, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, góp phần làm giảm tỷ lệ số lượt cơ sở vi phạm về ATTP so với năm 2016 (năm 2017 tỷ lệ cơ sở vi phạm về ATTP giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2016).

   Công tác bảo đảm ATTP là nhiệm vụ trọng tâm, cần được thực hiện lâu dài và thường xuyên, bởi thế Ủy ban MT các cấp tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt việc bảo đảm vệ sinh ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm. Đồng thời, phát huy vai trò đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm ATTP, góp phần nâng cao chất lượng ATTP, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng./.

Trần Hùng

 

[Trở về]