Bản in     Gởi bài viết  
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phối hợp giám sát giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với các cơ quan Nhà nước cùng cấp 
 

     Hiện nay, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc là hết sức quan trọng. Trong quá trình thực hiện giám sát của MTTQ Việt Nam, nếu không có sự phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan nhà nước thì giám sát của Mặt trận Tổ quốc không thể đạt được mục đích. Phối hợp giám sát giữa Ủy ban MTTQ Việt nam tỉnh và các cơ quan nhà nước đảm bảo cho hoạt động giám sát của Mặt trận được thực hiện đầy đủ, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

     Để tăng cường công tác phối hợp giám sát có hiệu quả, trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước cùng cấp xây dựng và ký kết 16 Chương trình phối hợp, Quy chế phối hợp nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Việc xây dựng các Chương trình phối hợp, Quy chế phối hợp công tác giúp các bên xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình; giúp MTTQ Việt Nam phát huy vai trò giám sát phát hiện những bất cập trong các quy định của pháp luật cũng như những thiếu sót, tồn tại, khó khăn, vướng mắc của chính quyền các cấp để kiến nghị các cơ quan chức năng đề ra các giải pháp khắc phục, giải quyết có hiệu quả, thiết thực.

     Trong 2 năm, từ 2015 – 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì phối hợp với UBND tỉnh, các cơ quan nhà nước cùng cấp tổ chức 11 cuộc giám sát trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị về việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát 22 cuộc; phối hợp với UBND tỉnh, cùng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Viện Kiểm sát tổ chức hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn chủ trì phối hợp với các Hội đồng tư vấn tổ chức 05 đoàn khảo sát.

     Hoạt động giám sát được tổ chức thực hiện đối với các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội như: chính sách với người có công; bảo vệ môi trường; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; thực hiện pháp luật về sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo; chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát tổ chức bầu cử…

     Qua giám sát, trên cơ sở nắm bắt được những yêu cầu của xã hội, những bức xúc và những vấn đề mà đông đảo Nhân dân quan tâm, MTTQ Việt Nam các cấp đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng ở các cấp trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện. Các hoạt động trong phối hợp giám sát đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp; kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.

     Các cơ quan nhà nước cùng cấp đã tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong quá trình triển khai các chương trình giám sát. Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp kinh phí cho hoạt động giám sát hàng năm. Hoạt động giám sát xã hội từ Quyết định 217 của Bộ Chính trị, qua 3 năm triển khai đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm và có tác động thực tế của toàn hệ thống Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh.

     Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động phối hợp giám sát, như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và một số cơ quan nhà nước còn chậm ban hành quy chế phối hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Công tác thông tin hai chiều có lúc, có khi chưa được thực hiện đầy đủ nên việc nắm bắt tình hình hoạt động của các bên khi còn hạn chế. Khi xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm còn thiếu trao đổi, bàn bạc nội dung giám sát cụ thể giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan nhà nước nên nội dung giám sát có khi còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức đoàn giám sát độc lập của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội là một hoạt động mới, trong lúc cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã năng lực còn yếu và thiếu nên ảnh hưởng chất lượng giám sát; sau giám sát, các đoàn giám sát đã có kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhưng phía đơn vị, địa phương được giám sát đa số vẫn chưa trả lời các kiến nghị của Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên.

    Để nâng cao chất lượng công tác phối hợp giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan Nhà nước cùng cấp, trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

    Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và nhân dân cần nâng cao nhận thức về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội

     Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận trận Tổ quốc các cấp và nhân dân cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt là chức năng giám sát của Mặt trận trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về vai trò, vị trí, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là tuyên truyền Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản liên tịch giữa Mặt trận và các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và nhân dân về hoạt động phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

     Thứ hai, tăng cường xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với Ủy ban nhân dân cùng cấp và các ban, ngành có liên quan

     Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan nhà nước cấp tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần cụ thể hoá và tăng cường hơn nữa việc thực hiện các nội dung, chương trình, kế hoạch phối hợp công tác giữa hai bên thông qua các quy chế phối hợp công tác, trong đó sớm ban hành cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội.

     Nghiên cứu, sửa đổi quy chế phối hợp hiện có giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với Uỷ ban nhân dân tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh theo hướng cụ thể về nội dung phối hợp, phương thức phối hợp, quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức tham gia phối hợp; phù hợp với tình hình thực tế và Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành kèm theo “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

     Thứ ba, nâng cao chất lượng các hình thức phối hợp giám sát giữa Mặt trận với các cơ quan nhà nước

       Đối với việc phối hợp giám sát các văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân:

       Khi tiến hành giám sát các loại văn bản theo quy định, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam chỉ đạo việc nghiên cứu, xem xét văn bản và giao các ban, đơn vị chuyên môn, cá nhân của cơ quan, tổ chức mình tham mưu thực hiện. Trong quá trình nghiên cứu, xem xét văn bản có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước ban hành văn bản có báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung của văn bản được giám sát.

      Đối với việc phối hợp giám sát bằng hình thức tổ chức đoàn giám sát:

      Dựa trên các thông tin, tài liệu; thông qua thu thập ý kiến, kiến nghị của nhân dân và tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn giám sát, mời đại diện các cơ quan nhà nước tham gia đoàn giám sát. Đối với các cơ quan nhà nước, sau khi nhận được lời mời tham gia đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thì các cơ quan nhà nước có liên quan được mời phải tích cực cử đại diện của cơ quan mình tham gia đoàn giám sát.

    Giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng:

     Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần tích cực hướng dẫn Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án trên địa bàn trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp; tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, phản ánh của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; xác nhận các văn bản phản ánh, kiến nghị của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trước khi gửi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; hỗ trợ Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc cung cấp thông tin, lập và gửi báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng cho cơ quan, tổ chức có liên quan khi cần thiết; xem xét, giải quyết và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; động viên Nhân dân địa phương ủng hộ, phối hợp, tham gia hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Trong tham gia phối hợp giám sát với cơ quan nhà nước:

     Các cơ quan nhà nước cần tập trung đổi mới quy trình xây dựng kế hoạch kiểm tra, tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ Việt Nam có thể tham gia tích cực vào quá trình thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước; tạo điều kiện Ủy ban MTTQ Việt Nam nắm bắt được hoạt động thanh tra, kiểm tra; nắm bắt được những tồn tại, vướng mắc đối với việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước; những ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, của đoàn viên, hội viên, từ đó có những góp ý, thảo luận cùng các cơ quan nhà nước có những giải pháp khắc phục phù hợp…

     Thứ tư, đổi mới, nâng cao chất lượng về tổ chức bộ máy và cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

      Thực trạng đội ngũ cán bộ Mặt trận hiện nay có thể nói là vừa thiếu, vừa yếu và không ổn định. Trước những yêu cầu ngày càng cao của công tác tham gia xây dựng và củng cố chính quyền hiện nay, đòi hỏi Mặt trận cần sớm đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng cán bộ. Mặt khác, cấp uỷ các cấp cần quan tâm lãnh đạo công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ chủ chốt Mặt trận; tôn trọng và phát huy nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam.

     Thứ năm, bảo đảm các điều kiện cho hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam.

     Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh, cơ quan chủ trì giám sát cần chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, kèm theo dự trù kinh phí theo Thông tư hướng dẫn số 337/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để trình Hội đồng nhân dân quyết định. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân và Sở Tài chính bảo đảm những điều kiện về tài chính và phương tiện, vật chất để Mặt trận thực hiện tốt chức năng giám sát theo quy định của pháp luật./.

Nguyễn Văn Sinh –Mặt trận tỉnh

 

[Trở về]