Bản in     Gởi bài viết  
Những kết quả đạt được của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở 

    Thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, MTTQ các cấp trong tỉnh cùng với các tổ chức thành viên tham gia thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Trong đó, chú trọng tập trung công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; triển khai các hoạt động hướng mạnh về địa bàn dân cư, khắc phục tình trạng hành chính hóa, xa dân, hình thức...

    Một trong những nội dung quan trọng góp phần thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đó là triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đề xuất nội dung, xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện báo cáo thường trực cấp ủy phê duyệt trước khi thực hiện. Trong 5 năm qua (2016 - 2020), Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát 21 cuộc trên các lĩnh vực có liên quan ở các địa bàn trong toàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc Mặt trận các cấp trong tỉnh lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hướng vào các lĩnh vực, vấn đề có tác động, ảnh hưởng rộng lớn đến các tầng lớp nhân dân; đến việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Trong đó, đã tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: giám sát hoạt động công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; giám sát thực hiện Nghị quyết của tỉnh về cấp kinh phí hoạt động cho cấp xã; giám sát việc thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho cấp ủy, chính quyền và các tổ chức CT-XH; giám sát thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giám sát việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố; giám sát quy trình bình xét hộ nghèo; giám sát việc thực hiện công tác chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách; giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; giám sát nhà ở cho người có công với cách mạng; giám sát việc hỗ trợ cho nhân dân vùng biển; giám sát thực hiện công tác DS-KHHGĐ; giám sát việc áp giá, đền bù giải phóng mặt bằng... Sau giám sát, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã có những kiến nghị, đề xuất điều chỉnh thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống xã hội; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; đồng thời góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Hội nghị tham gia góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII

    Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, MTTQ tỉnh đã phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội đã tập trung đẩy mạnh thực hiện chức năng phản biện xã hội, đã tham gia góp ý phản biện trên 65 dự thảo các văn bản Quy phạm pháp luật, các dự án, đề án từ Trung ương đến địa phương theo Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Tổ chức góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã tập trung phản biện các chương trình, đề án, dự án về kinh tế - xã hội có liên quan thiết thực tới người dân tại địa phương; dự thảo Nghị quyết xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của cấp ủy các cấp, kế hoạch phát triển KT-XH của UBND và các dự thảo báo cáo của các ban, ngành liên quan cùng cấp.

   Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh hướng dẫn Mặt trận các cấp vận động Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua nhiều hình thức phù hợp như: đóng góp ý kiến, kiến nghị tại các buổi tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân; tham gia góp ý kiến trong quá trình xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách; góp phần làm cho các chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham gia 50 ý kiến, cấp huyện 195 ý kiến và cấp xã 1.857 ý kiến trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, công tác nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, dư luận xã hội; tiếp công dân và tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được Mặt trận triển khai thực hiện đạt kết quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức 125 điểm tiếp xúc cử tri với khoảng 10.862 cử tri tham dự, có hơn 1.056 lượt cử tri phát biểu ý kiến, kiến nghị; phối hợp với HĐND tỉnh tổ chức 250 điểm tiếp xúc cử tri với khoảng 32.745 cử tri tham dự, có hơn 8.052 lượt ý kiến, kiến nghị.

   Những việc nhân dân bàn, tham gia ý kiến, chính quyền quyết định được tổ chức triển khai theo đúng quy định. Mặt trận cơ sở cùng các tổ chức thành viên, các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước thôn, bản, tiểu khu phù hợp với tình hình mới. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được 3.250 hương ước và thực hiện sửa đổi 1.156 hương ước; xây dựng 958 quy ước bảo vệ rừng. Các nội dung nhân dân được bàn và quyết định trực tiếp đã được các cấp chính quyền thực hiện trên 05 nội dung, như: công khai niêm yết các chủ trương về mức đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình công cộng; xây dựng các quy ước, nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự, bài trừ các hủ tục mê tin dị đoan, tệ nạn xã hội; thành lập Ban giám sát các công trình do nhân dân đóng góp. Những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân đều được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và tổ chức thực hiện theo ý kiến đa số, có sự giám sát của nhân dân. Nhất là, các hộ dân được trực tiếp bàn bạc, thảo luận về việc đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu... Vì vậy, nhiều hộ dân tự nguyện tham gia hiến đất, tài sản trên đất, đóng góp ngày công xây dựng khu dân cư, xây dựng đường làng ngõ xóm ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp.

   Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở cũng đã góp phần tạo điều kiện để các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động có hiệu quả, khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở được nâng lên theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Mặc dù vậy, quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể xã, phường, thị trấn chưa được quan tâm đúng mức; công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở tại một số địa phương, đơn vị chưa được thường xuyên, sâu rộng. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hiệu quả chưa cao, nhiều nơi còn lúng túng về nội dung và phương thức hoạt động.

   Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp Nhân dân thấy rõ quyền lợi của mình, tự giác thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và quyền dân chủ trực tiếp theo đúng quy định của pháp luật. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân.

Anh Đào

[Trở về]