Bản in     Gởi bài viết  
Phát huy vai trò của Mặt trận TQVN các cấp trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 

    Thông qua các hoạt động cụ thể, Mặt trận đã góp phần tích cực trong tuyên truyền, vận động, tập hợp đồng bào dân tộc, tôn giáo, tham gia thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương thục hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, anh ninh, quốc phòng của tỉnh./. 


    Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Bình có 6.145 hộ với khoảng trên 25.000 người, chiếm khoảng 2,3% dân số toàn tỉnh bao gồm: Dân tộc Bru - Vân Kiều (chiếm 70,14%), gồm các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì. Dân tộc Chứt (chiếm 25,46%), gồm các tộc người: Sách, Rục, A Rem, Mã Liềng, Mày. Ngoài ra còn có dân tộc Thái, Mường, Thổ, Tày, Nùng, Pa cô, Ca Rai …(chiếm 4,5%). Tổng số hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm 24,79 % so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Phần lớn đồng bào DTTS trong tỉnh sinh sống ở miền núi, rẻo cao, đời sống, sinh hoạt hết sức khó khăn. Đồng bào tôn giáo tỉnh ta có khoảng 112.300 tín đồ,trong đó: Công giáo có khoảng 102.300 tín đồ, chiếm gần 12% dân số toàn tỉnh; Phật giáo có hơn 10.000 tín đồ, chiếm khoảng 1,1% dân số toàn tỉnh.

Nhà thờ Giáo xứ Hướng Phương

   Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã không ngừng nỗ lực góp phần củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó chú trọng đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo. Mặt trận đã cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách về dân tộc, tôn giáo; bảo đảm các dân tộc, tôn giáo bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, cùng nhau phát triển. Điều đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội toàn tỉnh cũng như ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà.

   Với nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã chú trọng việc đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo đoàn kết, gắn bó thực hiện chính sách, pháp luật, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, với phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể và các ngành liên quan, các cấp Mặt trận đã tăng cường phát huy vai trò, sự ảnh hưởng tích cực của những người có uy tín, già làng, trưởng bản, tổ chức giáo hội, chức sắc, chức việc, thành viên Hội đồng mục vụ trong tuyên truyền, phổ biến, giải thích về quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về Dân tộc, Tôn giáo. Từ đó, xây dựng niềm tin của Nhân dân cũng như đồng bào dân tộc, tôn giáo đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là khu dân cư nơi có nhà thờ giáo xứ, giáo họ đã chủ động thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, động viên, chúc mừng các chức sắc, chức việc và các tín đồ tôn giáo; triển khai nhiều chương trình hoạt động cho các khu dân cư vùng có đạo nhân các ngày Lễ trọng của tôn giáo. Thực hiện phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà", "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", các cấp Mặt trận và các đoàn thể luôn bám sát cơ sở, phát huy vai trò của cốt cán phong trào tôn giáo, các nhân tố tích cực, người tiêu biểu trong đồng bào Công giáo, nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con dân tộc, giáo dân để kịp thời tuyên truyền, giải thích, vận động cũng như phản ánh với cấp ủy, chính quyền để quan tâm giải quyết những ý kiến, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp; Chủ động đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, kích động của một số phần tử xấu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hoạt động trái quy định của pháp luật về dân tộc, tôn giáo, ổn định tư tưởng của Nhân dân và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

   Để góp phần giải quyết những vụ việc phức tạp có liên quan đến yếu tố tôn giáo, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã thành lập các tổ, nhóm, đi đến nhà của từng hội viên, đoàn viên là giáo dân để tuyên truyền, vận động, ký cam kết không vi phạm pháp luật, không tập trung đông người cản trở hoạt động của chính quyền. Đến nay, các vụ việc trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được giải quyết tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và bà con giáo dân, đồng thời thể hiện vai trò của Mặt trận các tổ chức thành viên trong việc phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến tôn giáo.

   Mặt trận các cấp đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận chủ trì phát động. Qua đó, tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con vùng dân tộc, tôn giáo. Thông qua Cuộc vận động, phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hoá, thôn, bản văn hoá tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều mô hình, điển hình đã được xây dựng ở vùng dân tộc, tôn giáo. Từ 2015 đến 2021, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành liên quan đã xây dựng mới được 12 mô hình điểm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời duy trì và nhân rộng 17 mô hình đã xây dựng về "Khu dân cư đoàn kết xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", “Khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hâu”, “Khu dân cư thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hoá gia đình”, “Khu dân cư phòng chống tội phạm ma tuý”… Tại địa bàn vùng tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã xây dựng 10 mô hình “Khu dân cư vùng giáo hài hòa, xóa đói, giảm nghèo bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu”, 02 mô hình KDC nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh kiểu mẫu. Mặt trận cấp huyện, cấp xã xây dựng hàng trăm mô hình hiệu quả như: Mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”,mô hình “Kết nghĩa giữa các khu dân cư có điều kiện với các khu dân cư khó khăn vùng giáo”…Nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo được xây dựng và nhân rộng, như: mô hình vườn - ao - rừng, nuôi ong lấy mật, chăn nuôi trâu bò đàn, mô hình bảo vệ rừng, trồng tiêu... Từ đó, đã động viên đồng bào có ý thức tự chủ, tự vươn lên phát triển kinh tế gia đình, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; Nhiều bà con dân tộc thiểu số đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, do đó mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước ổn định đời sống gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu trên mãnh đất của mình. Đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo đã giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn giáo trong đời sống, thực hiện tốt các quy ước, hương ước… Hàng năm, có gần 100% khu dân cư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo đăng ký đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa, có từ 85% trở lên số hộ gia đình đăng ký đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa…

    Mặt trận các cấp đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực, chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, như xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ bò giống, triển khai Đề án hỗ trợ trồng cây giổi ghép lấy hạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại do thiên tai. Từ năm 2016 đến nay, Mặt trận tỉnh đã phân bổ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, “ Quỹ cứu trợ” vận động được để hỗ trợ xây dựng 314 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; sửa chữa 87 nhà ở cho các hộ đồng bào Rục; trao tặng bò giống sinh sản cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc, tôn giáo bị thiệt hại do lũ lụt, thiên tai... Qua đó, đã hỗ trợ đồng bào dân tộc, tôn giáo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đồng thời, MTTQ Việt Nam các cấp đã tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc, tôn giáo nói riêng. Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện và thi hành Hiến pháp, pháp luật có liên quan đến dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.

   Thông qua các hoạt động cụ thể, Mặt trận đã góp phần tích cực trong tuyên truyền, vận động, tập hợp đồng bào dân tộc, tôn giáo, tham gia thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương thục hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, anh ninh, quốc phòng của tỉnh./.

  Văn Sinh

[Trở về]