Bản in     Gởi bài viết  
Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách quản lý vốn, tài sản và cổ phần hóa 
 

    Tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ngày 28/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã có bài phát biểu thảo luận về nội dung này!

 Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, báo cáo giám sát của Quốc hội đã đánh giá khá đầy đủ vai trò trách nhiệm quản lý của Chính phủ, các Bộ ngành; của hệ thống chính trị, trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, nhưng vướng mắc, bất cập, những nguyên nhân và đưa ra những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế về quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì vẫn còn một số thực trạng hạn chế cần phải khắc phục, đó là:

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Một là: Việc quản lý vốn, định giá tài sản, quản lý sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp Nhà nước còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng thua lỗ, thất thoát, chưa xứng đáng với vai trò chủ đạo.

 

Hai là: Cổ phần hóa là vấn đề nóng, được báo chí đưa tin nhiều, dư luận xã hội lên tiếng phản ứng, thậm chí có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài do doanh nghiệp khi cổ phần hóa đã gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Việc thực hiện cổ phần hóa thiếu niêm yết công khai, minh bạch. Định giá đất và tài sản trên đất thấp hơn nhiều so với thực tế giá thị trường; biểu hiện rõ lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, có dấu hiệu tham nhũng. Tuy nhiên Báo cáo chưa nêu rõ trách nhiệm của của tổ chức, cá nhân trong định giá; kiểm tra, giám sát chuyển giao. Vụ việc tiêu biểu gần đây mà xã hội quan tâm, báo chí lên tiếng là Xưởng phim truyện Việt Nam cổ phần hóa nhanh như chớp, thiếu thấu đáo, việc làm xẩy ra không chỉ làm thất thoát về tài sản mà còn mất cả truyền thống văn hóa, lịch sử truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam, đẩy người lao động vào cảnh mất việc làm, mất thu nhập, đời sống ghặp nhiều khó khăn...

 

Ba là: Thời gian qua một số chính sách còn thiếu thống nhất, đồng bộ và sửa đổi, bổ sung quá nhiều lần, dẫn đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn tài sản nhà nước, tại một số doanh nghiệp trên thực tế còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn. Hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, quy mô và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu chưa cao, chưa phát huy tốt các lợi thế vượt trội từ sự quan tâm đầu tư và ưu đãi về nhiều mặt của nhà nước.

 

Bốn là: Việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước có hiệu quả chưa cao; chưa tách được chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp chưa phát huy được quyền tự chủ về tài chính và tự chủ sản xuất kinh doanh, cải tiến công nghệ để hạ giá thành sản phẩm.

 

Năm là: Nhiều doanh nghiệp tỷ lệ vốn điều lệ của nhà nước vẫn còn ở mức cao do việc bán cổ phần, thoái vốn gặp nhiều khó khăn, có doanh nghiệp vốn điều lệ của nhà nước còn chiếm đến 95%; nhiều doanh nghiệp trong quá trình triển khai sắp xếp, chuyển đổi gặp nhiều khó khăn do tranh chấp đất đai; do thiếu vốn trong hoạt động kinh doanh; do tình hình công nợ dây dưa, tồn đọng, khó giải quyết; hoặc do bị thiệt hại bởi thiên tai, bảo lũ và các sự cố khác.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định của Chính phủ, cổ phần hóa doanh nghiệp phải có cả Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc là chưa hợp lý đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, vì phải tăng thêm biên chế, quỹ lương, cơ sở vật chất, gây lãng phí cho doanh nghiệp. Chính sách tiền lương cũng chưa hợp lý sau cổ phần hóa lương ban giám đốc cao hơn cả Bí thư Tỉnh ủy, nhưng vốn Nhà nước cũng chiếm trên 95%.

Từ những bất cập thực tế trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã có những kiến nghị sau:

1. Khi đánh giá tài sản để cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các tỉnh, thành phố, nên giao cho Sở Tài chính, không nhất thiết phải để Bộ Tài chính đánh giá vì có sự cố nhỏ xẩy ra hoặc bị thiệt hại do bão, lũ… thì phải chờ đợi xin ý kiến, làm kéo dài việc cổ phần hóa (Trường hợp này đã diễn ra tại Quảng Bình khi cổ phần hóa Công ty cao su Lệ Ninh và Công ty cao su Việt Trung, gặp phải cơn bão số 10 năm 2016).

2. Đề nghị cho phép các địa phương được giữ lại nguồn kinh phí thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước để địa phương bổ sung vốn cho doanh nghiệp hoạt động công ích, cấp bổ sung vốn Điều lệ còn thiếu cho các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có 100% vốn Nhà nước).

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đề nghị cần Đổi mới phương thức quản lý doanh nghiệp, hạn chế sự can thiệp hành chính, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Rà soát cắt giảm các loại phí, lệ phí, làm ảnh hướng đến sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo QBTV

[Trở về]