Bản in     Gởi bài viết  
Rạng rỡ trong vườn hoa dâng Bác 
  Chúng ta đã đi qua năm 2014 với những kết quả đạt được hết sức nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nếu ví thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW như là một vườn hoa thì những cá nhân điển hình mà chúng tôi nói đến trong bài viết này chính là những bông hoa rạng rỡ nhất trong vườn hoa làm theo Bác.
    Đoàn kết là sức mạnh

Chị Nguyễn Thị Tư hướng dẫn công nhân kỹ thuật lấy mủ cao su và vệ sinh bát mủ.

   Ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp ở chị Nguyễn Thị Tư, cán bộ phụ trách kỹ thuật đơn vị Xây dựng của Công ty TNHH Một thành viên Việt Trung là sự tháo vát, nhanh nhẹn và rất đỗi bình dị. Chị nói quê chị ở tận Quảng Nam nhưng lại được sinh ra ở thị trấn Nông trường Việt Trung.

   Bởi vậy, tuổi thơ của chị gắn liền với hình ảnh những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh biếc. Lớn lên, chị được học hành bài bản, trở thành cán bộ và trải qua thời gian công tác ở nhiều đơn vị trực thuộc Công ty Việt Trung. Năm 2010, chị được lãnh đạo Công ty tin tưởng điều chuyển về phụ trách kỹ thuật ở đơn vị xây dựng. Đây cũng là quãng thời gian mà việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chuyển biến rõ nét từ việc “học tập” sang “làm theo”.

   Từ nhận thức về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, chị Nguyễn Thị Tư đã áp dụng vào trong hành động, trong lối sống và công việc hàng ngày của mình. “Nhận công tác ở đơn vị mới, tôi không khỏi có những bỡ ngỡ ban đầu, nhất là khi gặp phải những vấn đề nảy sinh trong công nhân về tranh chấp đất đai giữa diện tích cao su của đơn vị với người dân địa phương.

   Thêm vào đó, thời gian này thường xảy ra việc thất thoát, mất mủ cao su dẫn đến tình trạng nghi kỵ lẫn nhau trong nội bộ công nhân. Tôi cứ trăn trở mãi, phải tìm cách nào đây để có thể giải quyết triệt để những vướng mắc, để tập hợp công nhân trong một khối đại đoàn kết?” -  Chị Tư bồi hồi nhớ lại.

   Ghi sâu lời Bác dạy “Đoàn kết là sức mạnh”, chị Nguyễn Thị Tư với tư cách phó bí thư chi bộ, chủ tịch công đoàn đơn vị xây dựng đã chủ động tiếp cận từng công nhân để tìm hiểu, gần gũi rồi vận động họ để tìm tiếng nói chung. Khi thì chị tìm gặp công nhân đang làm việc trên lô, lúc lại tranh thủ thời gian rảnh đến thăm nhà để vận động nhằm tạo sự đoàn kết trong đơn vị.

   Nói về nữ Chủ tịch công đoàn năng nổ, nữ công nhân Phùng Thị Lý nhận xét: “Mặc dù tuổi đời, tuổi nghề chưa nhiều nhưng chị Nguyễn Thị Tư luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Công nhân chúng tôi thực sự yên tâm khi có người chủ tịch công đoàn gần gũi như thế!”. Còn anh Lê Mạnh Hùng, Bí thư chi bộ thì khẳng định: “Đó là người đảng viên mẫu mực, luôn nỗ lực phấn đấu trong công việc, trở thành trung tâm của sự đoàn kết để cùng với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên đơn vị xây dựng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị...”.

   Tấm gương tự học và sáng tạo

   Nếu như chị Nguyễn Thị Tư là một điển hình trong thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị với vai trò là trung tâm của sự đoàn kết thì thạc sỹ ngôn ngữ Lê Thị Vũ Hà, Phó trưởng Khoa Cơ bản của Trường trung cấp Kinh tế Quảng Bình hiện diện rạng rỡ trong “vườn hoa Chỉ thị 03” như một điển hình của tấm gương tự học và sáng tạo.

   Sinh ra và lớn lên nơi miền quê lúa Lệ Thủy, như bao học sinh cùng trang lứa khác, Lê Thị Vũ Hà luôn ấp ủ một giấc mơ trở thành nhà giáo. Để hoàn thành ước nguyện ấy, chị đã nỗ lực tự học không ngừng nghỉ và chỉ tạm dừng việc học khi đã có trong tay 3 tấm bằng đại học gồm Đại học Kinh tế, Đại học sư phạm Ngữ văn, Đại học Ngoại ngữ kèm một tấm bằng tốt nghiệp cao học ngành Ngôn ngữ.

   Dẫu thế, khi tiếp chuyện với chúng tôi, cô giáo Vũ Hà tỏ ra rất khiêm tốn khi nói đến những thành tích của mình trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị. “Trở thành một nhà giáo, điều trước hết mình cần phải tâm nguyện là luôn luôn tự học, sáng tạo vì một tình cảm đặc biệt với các thế hệ học sinh thân yêu.” - Chị tâm sự.

   Chứng minh cho điều này, cô giáo Hà đã chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện tưởng như bình thường nhưng lại rất mực ý nghĩa trong mối quan hệ với học sinh của trường. Đấy là chuyện của học sinh Nguyễn Trường G., lớp Kế toán - Tin học K29. G vốn là học sinh khá của một trường THPT nổi tiếng nhất tỉnh được thầy yêu bạn mến. Tuy nhiên, do bất mãn với gia đình, sau ngày chính thức trở thành học sinh của Trường trung cấp Kinh tế Quảng Bình, G. dần lơ là việc học. Biết rõ hoàn cảnh gia đình của học sinh G., cô giáo Vũ Hà đã chủ động tìm đến nhà để vận động em trở lại trường.

   Đấy là một ngày tháng 4 cách đây hơn 5 năm. Khi cô giáo đến nhà, G. đang cùng mẹ thổi cơm trưa. Sự hiện diện của cô giáo trong ngôi nhà của mình nằm ngoài hình dung của cậu học trò mới lớn khiến em bật khóc vì xúc động. Sau khi được nghe điều hơn lẽ thiệt và định hướng tương lai hết sức chân thành của cô giáo, G. đã chủ động đến trường trở lại và rất nhanh chóng trở thành một học sinh ngoan, có năng lực.

   Trước khi trở thành giáo viên Trường trung cấp Kinh tế Quảng Bình, cô giáo Vũ Hà từng có quãng thời gian nhiều năm giảng dạy tại Trường cấp II-III Tân Thủy (Lệ Thủy). Cho đến tận bây giờ chị vẫn không thể quên hình ảnh một học sinh nhà nghèo nhưng học rất giỏi có tên Hiếu. Mặc cảm với hoàn cảnh nghèo, Hiếu đã bỏ học vì chẳng có nổi một bộ quần áo lành lặn đến lớp.

   Dù với đồng lương ít ỏi, cô Hà vẫn chủ động trích tiền mua tặng học sinh ấy 2 bộ quần áo để em tự tin đến lớp cùng chúng bạn. “Bây giờ, khi Hiếu đã tốt nghiệp đại học, công tác tại một sở quan trọng của tỉnh, hình ảnh đứa học trò thân thương ngày nào vẫn vẹn nguyên trong tôi. Và càng quý hơn khi Dương Thị Dịu, bạn cùng lớp rất thân của Hiếu ngày ấy giờ đã trở thành đồng nghiệp của mình” - Cô giáo Vũ Hà tâm sự. 

   Không chỉ là một nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu, Lê Thị Vũ Hà còn là một cán bộ luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao trong công việc. Với trình độ, năng lực hiện có, chị luôn được lãnh đạo nhà trường giao đảm nhận những công việc khó, quan trọng. Và chị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với đồng nghiệp trong Khoa Cơ bản, tổ bộ môn, chị chủ động xây dựng mới mục tiêu, chương trình đào tạo, biên soạn đề cương bài giảng theo hướng giảm số tiết lý thuyết, tăng tiết thực hành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Thạc sỹ Ngôn ngữ Lê Thị Vũ Hà.

   Khi thực hiện bài viết này, cô giáo Vũ Hà đã vinh dự được lãnh đạo ngành tin tưởng giao nhiệm vụ công tác mới tại Phòng Khảo thí - Kiểm định chất lượng Sở Giáo dục - Đào tạo.

   Vì nhân dân phục vụ

    Chúng tôi đang nói đến nữ cảnh sát nhân dân Trần Thị Thu Thủy ở Đội Cảnh sát điều tra Công an thị xã Ba Đồn.

   Sinh năm 1981, tốt nghiệp THPT, Thủy chọn thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân. 5 năm phấn đấu, rèn luyện, Thủy là một trong số ít học viên được Đảng bộ nhà trường chọn kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Ra trường, trở về quê hương làm việc, Trần Thị Thu Thủy luôn nỗ lực phấn đấu để trở thành người chiến sĩ công an nhân dân được dân tin yêu.

   Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người nữ cảnh sát nhân dân ấy tâm niệm rằng việc “học tập” và “làm theo” phải được xem là việc làm thường xuyên, phải gắn chặt với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như cuộc sống hàng ngày. Chính điều đó đã giúp Thủy phát huy ý chí và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong quãng thời gian công tác của mình, Thủy đã trực tiếp khám nghiệm hiện trường hàng trăm vụ việc các loại, giúp cho công tác điều tra đạt kết quả tốt.

   Chia sẻ với chúng tôi về một kỷ niệm trong quá trình công tác của mình, Thủy tâm sự: “Đến tận bây giờ mình vẫn chưa thể quên được cảnh tượng của vụ chìm đò ở xã Quảng Hải dịp Tết Nguyên đán 2009. Ngay trong đêm tối, mưa lạnh, mình đã cùng với đồng nghiệp trực tiếp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi của hàng chục người; đồng thời tham gia ứng cứu kịp thời người bị nạn. Cái lạnh của tử thi cộng với từng đợt gió buốt ngày đông quất vào da thịt khiến mình nổi da gà. Năm ấy, như nhiều đồng đội khác, mình gần như không có tết...”.

   Chúng tôi hiểu những tâm sự của Thủy là rất thật. Bởi khi ở vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề lại có một sự kiện hy hữu xảy ra với tính chất đặc biệt nghiêm trọng như thế thì việc một nữ chiến sỹ cảnh sát cùng với đồng đội của mình phải gác lại niềm vui ngày tết cũng là lẽ thường tình. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng trong cách nói chuyện, Thủy luôn tỏ rõ bản lĩnh của một nữ cảnh sát nhân dân.

   “Công việc của một chiến sỹ điều tra rất phức tạp, đòi hỏi mình phải luôn tự nghiên cứu, tìm ra phương pháp tối ưu áp dụng vào thực tiễn công tác. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và tiếp đến là Chỉ thị số 03-CT/TW đã giúp cho mình có được ý chí kiên cường để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. - Trần Thị Thu Thủy chia sẻ.

   Thủy đã cùng đồng nghiệp khám phá nhanh nhiều vụ trọng án, được nhân dân tin yêu. Điển hình là vụ cướp xảy ra vào đêm ngày 14-11-2009 tại xã Quảng Kim. Chỉ trong vòng 24 giờ, Thủy đã cùng đồng nghiệp phối hợp điều tra tại hiện trường, khoanh vùng đối tượng chính xác và bắt gọn 6 tên cướp hung hãn cùng tang vật trả lại người bị hại.

   An ninh Tổ quốc, hạnh phúc và sự bình yên của nhân dân rất cần có những cán bộ có năng lực, những điển hình như Trần Thị Thu Thủy.

 (Theo Báo QBĐT)

 

[Trở về]