Bản in     Gởi bài viết  
Thôn Thuận Hòa xã Liên Trường: Khi ý Đảng lòng dân hòa quyện 

 Để so sánh về diện mạo vùng nông thôn Thuận Hòa hôm nay với trước đây, chúng tôi đã có hành trình tìm gặp nhiều nhân chứng. Và trong mỗi câu chuyện, người dân đều cho rằng nơi họ đang sống giờ “đáng sống” hơn nhiều…

   Ông Hoàng Xuân Đình (70 tuổi, thôn Thuận Hòa xã Liên Trường) trải lòng, thời gian sao mà trôi nhanh thế. Mới đó mà đã 48 năm quê hương được giải phóng. Ngày ấy có ngồi ngẫm nghĩ đến mấy, ước mơ đến mấy ông cũng không dám tin quê mình sẽ có được như ngày hôm nay.

   

Cầu thôn Thuận Hòa xã Liên Trường hiện nay

  Cách trở đò giang chỉ là một chuyện, chuyện khác là làng quê nhỏ bé của ông sao lúc đó lại thiếu thốn mọi bề, nhà cửa thì xập xệ. Để đưa được một gánh hàng lên đường Quốc lộ 12A để về chợ Ba Đồn bán thì thực sự rất khó khó khăn phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ, phải đi bằng xuồng, cầu phao khập ghềnh rất nguy hiểm. Còn bây giờ, có cầu Thuận Hòa nên chỉ cần 20 phút chạy xe máy là chở rau, quả, bắp ngô đến chợ Ba Đồn để bán rồi.

Cổng làng thôn Thuận Hòa xã Liên Trường

  Đồng chí Phạm Thanh Đông, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Thuận Hòa xã Liên Trường chia sẻ để có được chiếc cầu Thuận Hòa kiên cố, bà con người dân vui lắm “Hơn 50 năm sống ở vùng đất ven sông này nên chúng tôi thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của bà con mỗi khi đi lại qua sông, đến mùa mưa bảo thì lụt ngập hết nhà cửa, đồ vật trôi hết, ngày xưa đi bằng cầu phao nguy hiểm. Khi được Nhà nước đầu tư, xây mới chiếc cầu thì bà con vui lắm, bởi không chỉ được đi lại trên chiếc cầu vững chắc, xe tải nhỏ chạy bon bon mà việc trồng trọt, buôn bán của bà con trở nên thuận lợi hơn”.

Cầu Phao Thôn Thuận Hòa xã Liên Trường trước đây

   Cùng với đó, khi những con đường trong thôn được bê-tông hóa giúp cho việc đi lại trở nên dễ dàng hơn thì người dân đua nhau đưa về những tiện nghi vật chất mà trước đây hiếm thấy. Internet giờ cũng được kết nối về tận thôn, làng. Ngày xưa, nhà nào có được chiếc ti-vi đen trắng sử dụng bằng nguồn điện bình ắc-quy là tuyệt vời lắm rồi. Còn bây giờ, khi mà điện lưới quốc gia vào tận từng nhà thì chuyện chiếc ti-vi màu màn hình phẳng chỉ còn là chuyện nhỏ. Ngày ấy, nhà nào mua được chiếc xe máy thì quả đúng là chuyện lớn của làng. Còn bây giờ, chiếc xe máy phần lớn được người dân xem là phương tiện vận chuyển, giúp giải phóng sức lao động để đưa những sản phẩm nông nghiệp của mình làm ra đến với thị trường một cách nhanh nhất…

   Có thể thấy, những lớp người cao niên như ông Hoàng, bà Hạnh và nhiều người khác đã cảm nhận hết sự thay đổi của quê hương họ theo thời gian, đời sống mọi mặt ở nông thôn bây giờ đã được nâng lên rõ rệt; nhất là 5 năm trở lại đây khi địa phương triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện nay trong thôn chỉ còn 12 hộ nghèo, hộ khá giàu tăng lên rõ rệt chiếm tỷ lệ 72%. Thôn Thuận Hòa là thôn 95% là công giáo, sống hòa đồng, đoàn kết giúp đỡ nhau, sức mạnh của tinh thần đoàn kết lương- giáo đã giúp thôn có những tuyến đường bê tông hóa đẹp.

   Thật vậy, qua mỗi câu chuyện, mỗi con người, chúng tôi hiểu rằng, mỗi tấc đất của Thuận Hòa hôm nay đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, công sức của nhiều người đi trước. Nhìn lại chặng đường đã qua, một khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng đó lại là quãng thời gian để người dân nông thôn, cần cù và chắt chiu rút dần khoảng cách cuộc sống với người dân thành thị. Rõ ràng, khi “ý Đảng, lòng dân” hòa quyện đã trở thành sức mạnh nội sinh để người dân năng động hơn, xây dựng cuộc sống phồn vinh hơn bằng chính đôi tay và nghị lực của mình. Đây là kết quả tương xứng cho sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân trong hành trình xây dựng, phát triển quê hương Thuận Hòa, xã Liên Trường ngày càng văn minh, giàu mạnh và trở thành những miền quê “đáng sống”.

Thu Hoài - MT Quảng Trạch

 

[Trở về]