Bản in     Gởi bài viết  
Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh Quảng Bình tổ chức tổng kết các chương trình an sinh xã hội và Đề án 85/ĐA-BTT về hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo giai đoạn 2014 – 2019 
   Sáng ngày 03-7, UBMTTQVN tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết các chương trình an sinh xã hội và Đề án 85/ĐA-BTT về hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo giai đoạn 2014 – 2019.  

   Tham dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Đăng Quang, UVBCHTWĐ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Trần Văn Tuân, UVBTVTU, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và đại diện lãnh đạo huyện ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận TQVN các huyện, thị xã, thành phố.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết các chương trình an sinh xã hội và Đề án 85/ĐA-BTT giai đoạn 2014-2019

   Giai đoạn 2014 – 2019, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội đồng thời thực hiện công tác chăm lo cho người nghèo thông qua Đề án 85 về hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt năm 2016 và vùng thường xuyên bị thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Trong quá trình thực hiện các Chương trình An sinh xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã thường xuyên nhận được sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và sự quan tâm, phối hợp, chỉ đạo thực hiện của UBND tỉnh, các sở ngành có liên quan.

   Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận các cấp phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên cùng cấp triển khai sâu rộng các hoạt động vì người nghèo, cứu trợ và an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, công tác sử dụng các loại Quỹ và các nguồn ủng hộ an sinh xã hội đã được Mặt trận các cấp thực hiện nhiều nội dung hỗ trợ, cụ thể: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo”, Ban Cứu trợ các cấp đã hỗ trợ xây dựng 927 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho các hộ nghèo, hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo bị thiệt hại do thiên tai gây ra với số tiền trên 30 tỷ đồng; trong đó, trọng điểm là đã hỗ trợ xây dựng 146 nhà ở cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại do thiên tai tại 06 xã trên địa bàn toàn tỉnh với số tiền gần 11,8 tỷ đồng. Mặt trận các cấp đã hỗ trợ cho 5.331 hộ nghèo về vật tư phân bón, giống cây trồng vật nuôi, máy móc thiết bị với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Mặt trận các cấp đã hỗ trợ xây dựng, tu sửa công trình thiết yếu phục vụ cộng đồng nghèo như nhà văn hóa thôn, công trình nước sạch,… hay hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị để sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các thôn, bản thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh với số tiền 720 triệu đồng. Trong những năm qua, Mặt trận các cấp đã hỗ trợ cho hơn 1.400 học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, … với số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay, các cấp Mặt trận đã hỗ trợ khám, chữa bệnh cho hơn 400 lượt người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo với số tiền 285 triệu đồng. Nhân các dịp lễ, Tết cổ truyền dân tộc, 5 năm qua, Mặt trận các cấp đã thăm hỏi, tặng hơn 59.000 suất quà cho các hộ nghèo trị giá gần 20,6 tỷ đồng. Giai đoạn 2014- 2019, Ban Cứu trợ các cấp đã tổ chức cứu trợ, hỗ trợ, động viên kịp thời ngay sau mỗi đợt thiên tai, bão lũ gây hậu quả nghiêm trọng, hỗ trợ an sinh xã hội và một số hỗ trợ với số tiền hơn 345 tỷ đồng.

   Trong 5 năm từ 2014 đến 2019, Mặt trận các cấp đã huy động thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ Cứu trợ và các nguồn an sinh xã hội các cấp với tổng số tiền là 441.677.100.000 đồng. Trong đó Ủy ban Mặt trận tỉnh đã vận động được 126.418.474.000 đồng và đã chi cứu trợ, hỗ trợ là 123.911.061.000 đồng.

   Công tác an sinh xã hội và vận động các nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ Cứu trợ đã được cấp ủy Đảng quan tâm, chỉ đạo; chính quyền, các tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận cùng cấp triển khai thực hiện hiệu quả. Do đó đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, tăng sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng bền chặt; được cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá cao, các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ và hưởng ứng tích cực. Phương pháp và các nội dung hỗ trợ cho người nghèo thiết thực, toàn diện, lấy hộ nghèo làm trung tâm, động viên hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

   Từ năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh đã xin chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, chủ động xây dựng, chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận các cấp thực hiện Đề án 85 và Đề án “Tiếp sức cho người nghèo vùng thiên tai”. Đến nay, Mặt trận các cấp đã hướng dẫn, bình xét, lập danh sách, thủ tục hồ sơ cho 2.050 con bò trị giá 30,75 tỷ đồng cho 2.050 hộ đảm bảo thời gian, quy trình, đúng đối tượng, dân chủ, công khai và minh bạch. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh đã ban hành các kế hoạch hướng dẫn việc tuyên truyền về Đề án 85; phối hợp với Viettel chi nhánh Quảng Bình để tặng sim miễn phí, hướng dẫn sử dụng để nhận tin nhắn và gọi đến số tổng đài để phản ánh tình hình liên quan đến Đề án hỗ trợ bò giống; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án thông qua 08 Chương trình truyền hình thực tế và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    Mặt trận cấp huyện tổ chức được 46 hội nghị với 2.050 hộ được hỗ trợ bò và 3.410 cán bộ kỹ thuật chăn nuôi bò và chuỗi giá trị chăn nuôi cho các hộ được hỗ trợ bò với tổng kinh phí tập huấn gần 300 triệu đồng; phối hợp với ngành chuyên môn hướng dẫn các hộ được hỗ trợ bò trồng cỏ, chuẩn bị chuồng trại đảm bảo; tổ chức phổ biến và ký kết Hợp đồng trách nhiệm với các hộ được hỗ trợ bò. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN cấp huyện đã chủ động làm việc với đơn vị cung ứng bò giống để chọn bò giống, ký kết hợp đồng mua bán, nghiệm thu và tổ chức trao bò. Việc trao bò được tiến hành nghiêm túc, chu đáo và đúng thời gian tại các Chương trình truyền hình thực tế và 65 địa điểm chính trong toàn tỉnh. Giống bò lai Brahman với máu lai từ 50% đến 70% có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, đồng cỏ cũng như tập quán chăn nuôi tại địa phương. Trung bình bò tăng được 6-7 kg/1 tháng tùy theo điều kiện chăn nuôi. Hiện nay đã có 38 con bò sinh bê con, chiếm tỷ lệ 1,85%; có 237 con bò đang mang thai, chiếm tỷ lệ 11,56%. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan như dịch bệnh, tai nạn nên hiện tượng bò chết còn xảy ra. Tổng cộng số bò chết từ năm 2017 đến nay: 52 con chiếm tỷ lệ 2,89%. Tỷ lệ bò sống 97,11% cao hơn so với mục tiêu đề ra của Đề án là 92%.

   Đến nay, có thể khẳng định bước đầu đã thực hiện thành công các nội dung, mục tiêu, giải pháp của Đề án. Đề án 85 là cách làm sáng tạo, hiệu quả của Ban Cứu trợ tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Mặt trận về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2017 – 2020. Do đó dư luận các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao mục đích, ý nghĩa và hiệu quả kinh tế, chính trị và xã hội của Đề án. Đề án đã đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh.

Các tập thể, cá nhân xuất sắc được tặng Bằng khen tại Hội nghị 

   Tại Hội nghị, đã có 34 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh với nhiều thành tích đóng góp cho các chương trình an sinh xã hội và Đề án 85.

   Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang, UVBTV, Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận những kết quả đạt được của Ủy ban Mặt trận các cấp trong việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội và Đề án 85 về hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt năm 2016 và vùng thường xuyên bị thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững đã góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đồng chí đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận các cấp triển khai tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa về công tác vì người nghèo, công tác cứu trợ và công tác an sinh xã hội bằng nhiều hình thức, biện pháp thích hợp nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực cho các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; đồng thời đa dạng hóa các nội dung hỗ trợ cho người nghèo thiết thực, toàn diện, lấy hộ nghèo làm trung tâm, động viên hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững./.

Hoàng Anh. 

[Trở về]