Bản in     Gởi bài viết  
Hoạt động phối hợp giữa Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2012 - 2016 

   Thực hiện Chương trình phối hợp số 117/CTrPH-UBMT-BDT, ngày 27/8/2012 giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (Ban TT UBMT tỉnh) với Ban Dân tộc tỉnh về phối hợp thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2012-2016, qua 4 năm thực hiện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 

    Bám sát nội dung Chương trình phối hợp, Ban TT UBMT tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc ít người thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, gửi gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là các chương trình, chính sách liên quan đến công tác dân tộc. Tích cực phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc; Kế hoạch số 918/KH-UBND ngày 23/7/2014 về triển khai Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

   Thông qua công tác tuyên truyền vận động đã góp phần phát huy vai trò người có uy tín đối với cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức các hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Một trong những sự kiện chính trị quan trọng trong thời gian qua là việc tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Kết quả đã có 166 đại biểu là người dân tộc thiểu số trúng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó: Đại biểu Quốc hội: 01 vị; đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh: 01 vị; đại biểu HĐND huyện: 05 vị; đại biểu HĐND xã: 159 vị.

   Cùng với cả tỉnh, trong thời gian qua nhiều xã, thôn, bản vùng ĐBDTTS đã hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì phát động; Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” đã có nhiều cách làm hay, huy động các nguồn lực thực hiện, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng miền núi, ĐBDTTS. Đời sống văn hóa tinh thần trong ĐBDTTS ngày một nâng cao, đến nay toàn tỉnh đã có 22 bản được công nhận là bản văn hóa.

   Để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chương trình phối hợp, hàng năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đặc biệt Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức bình xét, đề nghị công nhận người có uy tín trong ĐBDTTS của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 107 vị có uy tín ở 107 bản trong ĐBDTTS được công nhận và được hưởng các chính sách nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người có uy tín trong ĐBDTTS. Ngoài ra, hai bên cũng đã phối hợp tổ chức gặp gỡ, tiếp đón và tổ chức cho các đại biểu là người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; tổ chức thăm, tặng quà cho người có uy tín nhân các ngày lễ, tết. Phối hợp tham mưu tổ chức Đại hội Đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ II.

   Cùng với việc triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước. Hai bên đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình. Phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” trong ĐBDTTS đã cổ vũ, thu hút, khích lệ bà con các dân tộc thiểu số phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới nếp nghĩ, cách làm, nhằm khai thác tiềm năng đất đai vùng đồi, rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy và Bố Trạch đã đầu tư chăn nuôi từ 20 - 40 con trâu, bò; trồng và bảo vệ 30 - 50 ha rừng đem lại thu nhập cao. Toàn tỉnh hiện có 659 hộ làm ăn khá, giỏi (trong đó có 472 hộ có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/năm, 187 hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm; đặc biệt có hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm).

   Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh và ban Dân tộc tỉnh còn phối hợp, tổ chức đoàn kiểm tra, nắm tình hình sản xuất và đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ đồng bào trong các dịp lễ Tết, kỳ giáp hạt và thiên tai bão lụt; tổ chức khảo sát thực trạng và nhu cầu về đất ở, đất sản xuất của ĐBDTTS; giám sát việc giao đất, giao rừng cho ĐBDTTS để tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương rà soát, thu hồi một phần đất của các lâm trường để giao cho bà con sản xuất ổn định lâu dài. Hai bên đã phối hợp tổ chức khảo sát việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” theo Đề án 05 của Ban TTMTTQ tỉnh gắn với thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong vùng ĐBDTTS ở các huyện Minh Hóa, Quảng Ninh. Qua đó, tham mưu cho UBND tỉnh, các sở ngành điều chỉnh các nội dung, tiêu chí đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.

   Công tác phối hợp trong trao đổi thông tin về công tác dân tộc được hai bên quan tâm, qua đó góp phần giải đáp và tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách dân tộc; phối hợp xây dựng báo cáo tình hình có liên quan đến công tác dân tộc, kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền có các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, nên thời gian qua tình hình đồng bào vùng ĐBDTTS cơ bản ổn định, không xẩy ra thiếu đói, dịch bệnh nghiêm trọng, không bị động trong mùa bão lũ, an ninh trật tự ổn định, không có truyền đạo trái phép và không để xẩy ra các điểm "nóng" về an ninh trật tự.

   Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban TTUBMT tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh còn những hạn chế, như: Các nội dung, chương trình công tác có lúc chưa kịp thời, thiếu đồng bộ. Công tác phối hợp tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng ĐBDTTS hiệu quả chưa cao. Công tác sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm hàng năm chưa được tiến hành theo kế hoạch đề ra. Việc trao đổi thông tin hai chiều chưa thường xuyên, thiếu kịp thời.

   Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (Ban TTUBMT tỉnh) và Ban Dân tộc tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước nói chung, chính sách dân tộc nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017 - 2020.

Lê Huy - Hoàng Anh

[Trở về]