Bản in     Gởi bài viết  
Nâng cao chất lượng phối hợp giám sát giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh - Thực trạng và giải pháp 

 

      Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam là giám sát mang tính nhân dân, tính xã hội, không mang tính quyền lực nhà nước và đặc biệt là không có chế tài, khác với giám sát mang tính quyền lực của cơ quan dân cử. Việc phối hợp giám sát sẽ hạn chế được một vụ việc, một lĩnh vực nội dung cùng có nhiều cơ quan, tổ chức giám sát ở một thời gian, địa bàn nhất định, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát, nâng cao hiệu lực pháp lý trong kiến nghị thực hiện.

      Để tăng cường công tác phối hợp giám sát có hiệu quả, trong thời gian qua, theo từng nhiệm kỳ của Quốc hội và HĐND các cấp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

      Từ năm 2015 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì tổ chức 11 cuộc giám sát độc lập, trong đó một số đoàn giám sát đã mời đại diện các Ban của HĐND tỉnh tham gia; tham gia hơn 7 cuộc giám sát với Đoàn ĐBQH tỉnh, 15 cuộc giám sát với Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh.

      Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2017, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức 222 điểm tiếp xúc cử tri với khoảng 21.000 cử tri tham dự, có hơn 2.440 ý kiến kiến nghị của cử tri; phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 375 điểm tiếp xúc cử tri với khoảng 34.000 cử tri tham dự, có hơn 3.600 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh đã tạo ra một "cầu nối", một "kênh thông tin" quan trọng để phát huy dân chủ, trí tuệ, phản ánh mọi tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cử tri đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương. Qua đó, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, hoàn thiện hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

     Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phối hợp giám sát của các cơ quan dân cử và Mặt trận Tổ quốc còn gặp một số khó khăn, hạn chế, đó là: Hoạt động phối hợp giám sát trong thực tế vẫn mang nặng tính hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao, phần nhiều mới được thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến tại các kỳ họp, phiên họp; nội dung giám sát có khi còn chồng chéo, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giám sát; chưa tiến hành thường xuyên các hoạt động phối hợp giám sát theo chuyên đề; công tác giám sát việc ban hành văn bản pháp luật còn ít được quan tâm, chưa chủ động, đa số còn theo đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

     Để nâng cao chất lượng công tác phối hợp giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

    Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các cơ quan nhà nước trong tỉnh và nhân dân cần nâng cao nhận thức về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam

    Thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định vai trò về giám sát của MTTQ Việt Nam. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thời kỳ mới; nhận thức về cơ chế, chính sách đối với cán bộ Mặt trận, đoàn thể; về chương trình, nội dung đào tạo cán bộ Mặt trận gắn với nghiên cứu hoạt động thực tiễn trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam.

     Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với các cơ quan dân cử

     Cần duy trì, bám sát nội dung Quy chế phối hợp công tác đã ký kết để triển khai thực hiện. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND các cấp để phù hợp với tình hình thực tế; phù hợp với Quyết định 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh. Cụ thể hóa về nội dung, chương trình, kế hoạch công tác giữa hai bên, định kỳ có sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm. Thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp là điều kiện để cả Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan dân cử tăng cường hiệu quả công tác giám sát xã hội.

     Thứ ba, nâng cao chất lượng các hình thức phối hợp giám sát

     Đối với phối hợp giám sát bằng hình thức tổ chức đoàn giám sát:

    Khi lựa chọn nội dung giám sát cần căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, lựa chọn những vấn đề mà người dân quan tâm, bức xúc để chủ động xây dựng kế hoạch giám sát phù hợp. Cần trao đổi, thống nhất với Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian thực hiện để tránh trùng lặp với nội dung giám sát.

    Căn cứ đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quyết định việc mời đại diện của các cơ quan dân cử, đại diện cơ quan, tổ chức liên quan tham gia đoàn giám sát. Ngoài giám sát theo báo cáo của đối tượng giám sát cần kết hợp nhiều phương thức giám sát khác như trao đổi, phiếu khảo sát. Phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng thành viên đoàn giám sát.

    Sau khi kết thúc cuộc giám sát, cần tiếp tục theo dõi, đôn đốc chặt chẽ việc giải quyết, trả lời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Như thế, hoạt động giám sát, phản biện xã hội mới có tác dụng trên thực tế.

    Đối với phối hợp giám sát theo đề nghị của các cơ quan dân cử:

     Khi cơ quan dân cử mời tham gia giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cử đại diện tham gia đoàn giám sát. Trường hợp phát hiện có vấn đề vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị Trưởng đoàn giám sát kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời. Trường hợp phát hiện có vấn đề vi phạm hoặc chưa phù hợp với chính sách, pháp luật mà cơ quan chủ trì giám sát không kiến nghị thì đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được cử tham gia đoàn giám sát có trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo cơ quan, tổ chức mình để xem xét, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

    Thứ tư, phối hợp tạo điều kiện để nhân dân phát huy dân chủ thực hiện quyền giám sát

     Các cơ quan, đại biểu dân cử cần công khai các hoạt động như: Hoạt động của kỳ họp Quốc hội, HĐND; của đại biểu Quốc hội, HĐND, các cơ quan, tổ chức… Thường xuyên phối hợp trong đổi mới và nâng cao chất lượng tiếp công dân, tiếp xúc cử tri để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân, kịp thời phản ánh, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, HĐND.

    Hoạt động tiếp xúc cử tri, cần theo hướng mở rộng đối tượng thành phần, tăng cường đối thoại và thông tin kịp thời những nội dung mà cử tri quan tâm. Tăng cường hình thức tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề giúp đại biểu nắm bắt chuyên sâu. Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh có thể trực tiếp gặp gỡ cử tri, gặp gỡ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, đại biểu để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề đại biểu quan tâm. Ngoài ra có thể, đưa các vị đại biểu từ đơn vị bầu cử này đến tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử khác, giúp các đại biểu nắm được toàn diện hơn tình hình các địa phương và ý kiến, nguyện vọng của cử tri..

      Thứ năm, đổi mới về tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam

     Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Bố trí cán bộ chuyên trách đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu phù hợp với nhiệm vụ mới của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện quy hoạch và phối hợp luân chuyển cán bộ Mặt trận ở các cấp; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách để có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tham mưu hoàn thiện cơ chế tài chính cho hoạt động của Mặt trận tỉnh, sớm khắc phục những bất hợp lý về lương, phụ cấp, điều kiện làm việc đối với cán bộ chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Mặt trận, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, kèm theo dự trù kinh phí theo các văn bản của Bộ Tài chính để trình Hội đồng nhân dân quyết định./.

Văn Sinh – MT tỉnh

[Trở về]