Bản in     Gởi bài viết  
Phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ta 

    Già làng, trưởng bản có vai trò, vị thế rất lớn đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn dân cư; tiếng nói hành động của họ như có tác dụng dẫn dắt, định hướng cho văn hoá ứng xử của cả cộng đồng nơi  sinh sống.Họ đã và đang đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, góp phần khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng dân tộc để không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

   Các dân tộc thiểu số tỉnh ta chủ yếu sống theo cộng đồng ở 107 bản thuộc 17 xã miền núi, vùng cao, mỗi bản có già làng, trưởng bản. Già làng là những người cao tuổi sinh ra và lớn lên gắn bó lâu năm với bà con dân bản, là người có uy tín lớn trong từng cộng đồng các dân tộc thiểu số, họ được bà con dòng họ, dân làng suy tôn và trở thành “luật tục”, dân trong bản phải nghe theo già làng. Còn trưởng bản, là những người có trình độ nhận thức, hiểu biết nhiều hơn so với người khác, có uy tín  được bà con trong bản bầu lên để thay mặt cho bà con chăm lo mọi công việc trong bản.

Ông Lê Hùng Phi- UVTVTU, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh tặng Bằng khen cho các điển hình đồng bào dân tộc thiểu số

   Như vậy, già làng, trưởng bản có vai trò, vị thế rất lớn đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn dân cư; tiếng nói hành động của họ như có tác dụng dẫn dắt, định hướng cho văn hoá ứng xử của cả cộng đồng nơi họ sinh sống. Đây là những người có khả năng vận dụng những phong tục tập quán để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội. Trong công cuộc phát triển xây dựng nông thôn mới ngày nay, đội ngũ già làng, trưởng bản là những người trước hết đã và đang thay mặt cho từng gia tộc, dòng họ, từng thôn, bản, bằng sự truyền đạt phổ biến mọi kiến thức, hiểu biết đến với bà con. Họ là những người gắn bó, hiểu biết cụ thể hơn ai hết những người dân trong bản, trong gia đình, họ tộc của mình bằng các ngôn ngữ riêng của từng dân tộc. Truyền đạt đến người dân một cách dễ hiểu và tiếp thu nhanh nhất các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, phát luật Nhà nước. Già làng, trưởng bản, còn là những người luôn nắm bắt được tường tận những khó khăn, vướng mắc cũng như tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng và những kiến nghị, đề xuất của bà con dân tộc để phản ánh với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành,  đoàn thể, nghiên cứu, xem xét, giải quyết. Đây là những việc làm rất thực tế có hiệu quả của đội ngũ già làng, trưởng bản tỉnh ta trong những năm qua. Họ đã và đang đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, góp phần khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng dân tộc để không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Điển hình như: Ông Đinh Mể, già làng người Ma Coong xã Thượng Trạch, Bố Trạch, ông luôn gương mẫu, động viên gia đình, dòng tộc, bà con bản làng cố gắng chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong bản làng; Ông Hồ Pung dân tộc Khùa, già làng bản Ông Tú, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, là người có uy tính cao, được bà con dân bản mến phục, tin tưởng. Đây là điều kiện thuận lợi giúp ông tuyên truyền, vận đồng đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là vận động bà con, không trong chờ ỷ lại, đẩy mạnh phát triển khinh tế, xóa đói giảm nghèo, chắm sóc, bảo vệ rừng, không phá rừng Nhà nước giao, không đốt rừng làm rẫy mới mà thực hiện định canh, định cư, phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả cải thiện đời sống. Đến nay bản Ông Tú đảm nhận khoanh nuôi, bảo vệ hơn 500 ha rừng, góp phần quan trong vào công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; Già làng Hồ Văn Pan, dân tộc Vân Kiều ở Bản Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, luôn cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất, làm giàu cho bản thân và tích cực hỗ trợ, chia sẻ, kinh nghiệm cho những hộ khác cùng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống; ông Hồ Hơn, Trưởng Ban Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh. Ông luôn tích cực phối hợp với chính quyền xã, với già làng và những người có uy tín trong bản, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tích cực thực hiện nếp sống văn minh. Năm 2014, bản Lâm Ninh được công nhận là bản văn hóa cấp huyện, 37/46 hộ được công nhận gia đình văn hóa...

   Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, nhiều già làng, trưởng bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta, trình độ hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước còn hạn chế, nhất là về pháp luật. Họ thường bị chi phối bởi tình cảm dòng tộc, cục bộ khi xử lý, giải quyết công việc. Đây cũng là điểm yếu mà các thế lực thù địch thường lợi dụng.

   Để phát huy vai trò tích cực, nhằm động viên các già làng, trưởng bản, phát huy hết được mọi khả năng đóng góp của mình vào sự nghiệp cách mạnh Đảng, Nhà nước, vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trước hết cần tạo được sự thống nhất trong nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền địa phương và các đoàn thể về vai trò, vị trí của già làng, trưởng bản trong sự nghiệp đổi mới.

   Với nhiều hình thức định kỳ, tổ chức gặp mặt giao lưu giữa các già làng, trưởng bản theo từng xã, hoặc cụm xã đây là hình thức sinh hoạt phù hợp, thông qua đó mà cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể truyền đạt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, thông báo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, qua đó tạo điều kiện cho các già làng, trưởng bản có dịp để trao đổi, phản ánh, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể nhân dân, những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào ở từng làng, bản. Trên cơ sở đó giúp cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể hiểu và nắm sâu hơn về tình hình ở cơ sở để đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp.

   Tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật, những tiến bộ KHKT, nhất là những kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, phát triển kinh tế hộ gia đình, cách thức tổ chức cuộc sống văn minh, để các già làng, trưởng bản vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện có hiệu quả. Trang bị cho các già làng, trưởng bản những hiểu biết mới, nắm vững những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thông tin cho họ biết những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Từ đó, giúp các già làng, trưởng bản có nhận thức đúng, có đủ thông tin để tham gia vận động đồng bào các dân tộc tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.  

    Cần có chế độ chính sách giúp đỡ hỗ trợ cho già làng, trưởng bản để động viên khuyến khích họ thêm phấn khởi, có trách nhiệm với công việc chung. Gắn việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” theo Đề án 05 của Ban Thường trực UBMT tỉnh, làm cơ sở để xây dựng “Bản văn hoá”, “Gia đình văn hoá”, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.

   Hàng năm, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp cần xây dựng chương trình, kế hoạch có nội dung tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về công tác già làng, trưởng bản đối với việc góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân diện những điển hình người tốt, việc tốt.  

   Quan tâm, giúp đỡ già làng, trưởng bản là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận TQ, các ban ngành, đoàn thể các cấp, nhằm phát huy và tạo điều kiện cho đội ngũ già làng, trưởng bản trong tỉnh hoạt động ngày càng có chất lượng và hiệu quả, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ tổ quốc.

Trần Xuân Hùng -  CQUB MT tỉnh

 

[Trở về]