Bản in     Gởi bài viết  
TIẾP TỤC PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG BÌNH LẦN THỨ XVI (NHIỆM KỲ 2015-2020). 

Lê Hùng Phi
Chủ tịch Ủy ban MT TQVN tỉnh

Tư tưởng và tinh thần Đại đoàn kết dân tộc là tinh thần và tư tưởng xuyên suốt trong suốt chiều dài lịch sử, là sức mạnh tạo nên những thành công to lớn của cách mạnh Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tổ chức Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam ra đời nhằm tăng cường và phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu của sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
 

        Sau khi Đảng ra đời, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành “Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh” - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ đó đến nay, với mỗi giai đoạn cách mạng, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã có những hình thức tổ chức, tên gọi khác nhau và luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình là đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước vì mục tiêu cách mạng của Đảng, của dân tộc.

   Quảng Bình là vùng đất văn hiến, với bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng vẻ vang đã hun đúc bao thế hệ làm nên những kỳ tích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã lập nên những chiến công hiển hách. Mỗi bước ngoặt lịch sử, sự thành công của phong trào cách mạng đều bắt nguồn từ khối đại đoàn kết dân tộc trên quê hương Quảng Bình, góp phần to lớn và có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Một trong những bài học lớn của cách mạng đó là tư tưởng Đại đoàn kết, đây là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.

   Thực hiện lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, nhân dân Quảng Bình đã đoàn kết cùng với nhân dân cả nước tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

   Một đất nước, một dân tộc còn non trẻ vừa mới ra đời, nhưng Thực dân Pháp lại quay lại muốn cướp nước ta một lần nữa; với truyền thống yêu nước, trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Quảng Bình đã đoàn kết một lòng, chung lưng đấu cật, đóng góp sức người, sức của làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đưa miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

   Sau Hiệp định Pari vừa mới ký kết, Đế quốc Mỹ lại thay chân Thực dân Pháp tiến hành xâm lược miền Nam nước ta, nhân dân Quảng Bình cùng với nhân dân cả nước hơn lúc nào hết, tinh thần đại đoàn kết “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” lại được phát huy cao độ; cùng với sự giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới... chúng ta lại làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, miền Nam giải phóng hoàn toàn, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

   Trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình luôn quán triệt tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng phát huy vai trò và đề cao trách nhiệm của mình là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các giai tầng xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài..., cùng đoàn kết thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới trên quê hương Quảng Bình “hai giỏi”. Là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân..., UBMTTQVN các cấp với chức năng và nhiệm vụ của mình đã tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của cả nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

   Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, 5 năm qua, cùng với kết quả toàn diện của công cuộc đổi mới quê hương, đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh không ngừng được củng cố và tăng cường. Cơ cấu xã hội tiếp tục có những chuyển biến quan trọng. Mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội ngày càng bền chặt, chung sức, chung lòng thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhìn chung các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào đường lối đổi mới và các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã đề ra. Ý thức, thái độ, tình cảm và sự đồng thuận xã hội của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện, chấp hành pháp luật được nâng lên rõ rệt. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng mở rộng và tăng cường. Mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng gắn bó chặt chẽ.

   Các cấp Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tăng cường tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong tỉnh; đã phát huy vai trò tích cực vai trò của người tiêu biểu, người có uy tín trong nhân dân, trong các dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, "Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11) hàng năm được Ủy ban Mặt trận các cấp phối hợp tổ chức vui tươi, trang trọng, trở thành ngày sinh hoạt truyền thống của toàn dân. Khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, tình làng nghĩa xóm ở các cộng đồng dân cư, chung sức, chung lòng hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội của địa phương.

   Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, đi vào chiều sâu, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ vững an ninh, trật tự và an toàn xã hội, ổn định chính trị ở địa phương cơ sở.

   Thường xuyên chăm lo công tác dân tộc, tôn giáo, góp phần đảm bảo và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng về tôn giáo, thực hiện đoàn kết lương giáo với phương châm sống “tốt đời đẹp đạo”, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm quyền tự do tôn giáo; tích cực bồi dưỡng và phát huy vai trò của người tiêu biểu, người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo nhằm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc.

   Mặt trận và các đoàn thể ngày càng thực hiện có hiệu quả hơn chức năng đại diện, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền được tăng cường triển khai theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhất là từ khi có quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị ra đời, đã góp phần phát huy dân chủ, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân.

   Tổ chức tốt việc lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng dự thảo Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai sửa đổi, Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), các Dự án Luật và văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương liên quan mật thiết đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

   Thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016; phối hợp nâng cao chất lượng các Hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tích cực tham gia tiếp công dân và phối hợp giải quyết những vấn đề nhân dân, cử tri kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, nhất là công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

   Từng bước nâng cao vai trò giám sát đối với hoạt động của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, đảng viên, công chức. Phối hợp tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do HĐND các cấp bầu; triển khai Pháp lệnh thực hiện dân chủ và Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, góp phần phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn liền với quyền làm chủ của nhân dân, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ cương xã hội, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân.

    Quan tâm phối hợp tuyên truyền, quảng bá về con người và quê hương Quảng Bình với bạn bè quốc tế gắn với các phong trào bảo vệ môi trường, vì hoà bình, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, xây dựng đường biên giới hữu nghị Quảng Bình - Khăm Muộn (Lào)... góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, phát triển công bằng, bền vững, dân chủ và tiến bộ xã hội.

    Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể theo Kết luận 62 của Bộ Chính trị đã được chú trọng; công tác kiện toàn tổ chức, xây dựng bộ máy của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp đã được quan tâm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước tình hình mới. Công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ được coi trọng; thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cán bộ chủ chốt các cấp để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ.

   Phương thức hoạt động tiếp tục được đổi mới theo hướng tích cực, chủ động, sáng tạo, hiệu quả và hướng về cơ sở. Phối hợp giữa Mặt trận với các cấp chính quyền, các tổ chức thành viên, nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được tăng cường; hoạt động tự quản của nhân dân ở địa bàn khu dân cư tiếp tục nâng cao về chất lượng; vai trò của các cá nhân tiêu biểu, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín ở cộng đồng dân cư được phát huy; quan tâm xây dựng các mô hình, điển hình; biểu dương điển hình tiêu biểu; coi trọng việc phát động phong trào thi đua bằng những việc làm cụ thể, có tác dụng thiết thực, đáp ứng với nhu cầu lợi ích chính đáng của nhân dân.

   Phong cách, lề lối làm việc ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản khắc phục tình trạng hành chính hóa. Thường xuyên bám địa bàn dân cư, chủ động nắm tâm tư nguyện vọng, ý kiến của nhân dân để kịp thời phản ánh với cấp uỷ Đảng, chính quyền; phát huy sáng kiến, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác; phát hiện, tìm cách tháo gỡ, khắc phục những khó khăn vướng mắc ở cơ sở trong quá trình triển khai công tác.

   Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải tự đánh giá còn những tồn tại, khuyết điểm cần khắc phục trong thời gian tới, đó là:

   Việc phối hợp triển khai công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể; công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước chưa được thường xuyên. Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhìn chung chưa nhanh nhạy, thiếu kịp thời. Sự phối hợp giữa Mặt trận với các đoàn thể trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và chương trình công tác có lúc chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Mặt trận và đoàn thể còn thiếu cơ chế phối hợp nên có còn chồng chéo, trùng lắp. Vai trò giám sát và phản biện xã hội tuy có chuyển biến tích cực nhưng kết quả còn hạn chế. Việc chỉ đạo, triển khai một số nội dung, chương trình, kế hoạch đôi lúc còn chậm, gây lúng túng, bị động cho cơ sở.

   Để tăng cường và phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong thời gian tới, MTTQVN các cấp cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

   Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng, tư tưởng, quan điểm đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đến mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh; vận động, tập hợp và phát huy vai trò của các vị tiêu biểu, người có uy tín, lực lượng cốt cán trong cộng đồng dân cư, các dân tộc, các tôn giáo, thực hiện đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch tìm cách chia rẽ nội bộ, chia rẽ nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

   Hai là: Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì và triển khai thực hiện, nhất là nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức triển khai cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, chủ động thực hiện tốt vai trò phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên, với chính quyền, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, tháng cao điểm “Vì người nghèo” góp phần giảm nghèo một cách bền vững. Tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tuyên truyền cho người dân ưu tiên dùng các mặt hàng sản xuất trong tỉnh, với mục tiêu không ngừng nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực, thể hiện lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc. Đẩy mạnh các hoạt động đoàn kết toàn dân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, biển đảo của Tổ quốc.

   Ba là: Chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đồng bộ; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; các Chỉ thị 18, 19, 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương có tác động trực tiếp đến người dân; tham gia và giám sát chặt chẽ công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế tối đa khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Đặc biệt là lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường đối thoại và giãi quyết thấu đáo nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

   Bốn là: Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” trên tinh thần xây dựng, củng cố và phát triển môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đặc biệt là ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc của Việt Nam. Vận động bà con Quảng Bình định cư ở nước ngoài hướng về quê hương, đầu tư phát triển kinh tế và ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo, tham gia xây dựng quê hương.

   Năm là: Kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư theo tinh thần Kết luận 62 của Bộ Chính trị. Xây dựng Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đảm bảo tính đại diện, tiêu biểu và thiết thực, năng động, sáng tạo, hiệu quả. Thường xuyên quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đi đôi với thực hiện chính sách cán bộ kịp thời, cụ thể để tạo nguồn và động lực thực hiện tốt công tác Mặt trận và các đoàn thể trong tình hình mới.

    Đảng Cộng sản Việt Nam xem đại đoàn kết toàn dân, tập hợp sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh cách mạng là vấn đề sống còn, là máu thịt của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - thành công, thành công, đại thành công”...đó không những là trách nhiệm mà còn là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị mà vai trò quan trọng và trực tiếp là MTTQ và các tổ chức thành viên của MTTQVN các cấp.
 

[Trở về]