Bản in     Gởi bài viết  
MẶT TRẬN XÃ TRƯỜNG SƠN LÀM TỐT CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI 
    Nếu xây dựng nông thôn mới ở các địa phương miền xuôi vốn đã gặp nhiều khó khăn, thì xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi còn trở lực gấp bội phần, bởi xuất phát điểm về kinh tế- xã hội khá thấp. Song với cách làm sáng tạo, cùng với vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt thấm nhuần lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh “ Dân vận khéo thì việc gì cũng sẽ thành công”, những năm qua công tác dân vận xã Trường Sơn đã đạt được những kết quả tích cực, cuộc sống bà con dân bản từng bước “thay da đổi thịt” .

   Trường Sơn là một xã vùng cao, biên giới, có diện tích tự nhiên hơn 77.427 ha, chiếm 2/3 diện tích tự nhiên toàn huyện Quảng Ninh. Toàn xã có 19 thôn, bản với 1.136 hộ, 4.665 nhân khẩu; dân cư sống phân bố tại 4 thôn và 15 bản, trong đó: dân tộc Vân Kiều có 674 hộ, 2.880 nhân khẩu, chiếm 61,4% dân số trong toàn xã. Cuộc sống của bà con trong xã cơ bản phụ thuộc vào sản xuất nông- lâm nghiệp và tận thu sản phụ từ rừng nên còn gặp muôn vàn khó khăn. Vì vậy, xác định công tác Dân vận là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong chương trình xây dựng NTM , cấp ủy Đảng, chính quyền xã Trường Sơn, đặc biệt là Mặt trận xã đã tích cực xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai tới các chi bộ đảng, các tổ chức đoàn thể để cùng phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao đất, giao rừng, hỗ trợ cây, con giống, vốn vay cho đồng bào sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... Do đó, cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần cũng như kinh tế của Nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc Vân Kiều nói riêng từng bước được cải thiện đáng kể. Đến nay trong đồng bào dân tộc Vân Kiều có 5 hộ giàu, 23 hộ khá; có 3 bản gồm Bản Cây Sú, bản Khe Cát và bản Sắt đặt danh hiệu bản văn hóa.

Công trình nước sạch ở Bản Đá Chát , xã Trường Sơn

   Có được kết quả trên, đó là một hành trình dài với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là Mặt trận xã. Ông Nguyễn Văn Tráng – CTUBMTTQVN xã Trường Sơn cho hay: “Ban Thường trực Mặt trận thường xuyên tuyên truyền, vận động, giải thích để đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức đầy đủ về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền về công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng, phòng chống lụt bão, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng ngừa các dịch bệnh cho đàn gia súc và tích cực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng thời nắm chắc tình hình tư tưởng và dư luận xã hội trong các tầng lớp nhân dân để tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền kịp thời giải quyết những khó khăn, phát sinh mới góp phần ổn định tình hình chung trên địa bàn”

   Hàng năm Ban Thường trực Mặt trận xã Trường Sơn đã phát động các phong trào thi đua, các Cuộc vận động gắn với thực hiện các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo như: “Mô hình trồng Keo xen Sắn” tại bản Khe Cát, Cổ Tràng, Chân Trôộng, Cây Cà, Trung Sơn và bản Cây Sú; “Mô hình khu dân cư làm tốt bảo vệ rừng cộng đồng” tại bản Trung Sơn, Cổ Tràng, Sắt, Khe Cát, PLoang, Rìn Rìn; “Mô hình trồng đót” tại bản Khe Cát; “Mô hình trồng lạc” tại bản PLoang; “Mô hình khu dân cư phát triển chăn nuôi trâu bò đàn” tại bản Cổ Tràng, Nước Đắng và PLoang; “Mô hình khu dân cư thực hiện tốt công tác KHHGĐ và không sinh con thứ 3 trở lên” tại bản Bến Đường; “Mô hình khu dân cư tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc” tại bản Dốc Mây, bản Sắt; “Mô hình điểm sáng chấp hành Pháp luật ở khu dân cư” tại bản Trung Sơn, Chân Trôộng; “Mô hình khu dân cư nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại bản Bến Đường, Khe Cát; “Mô hình khu dân cư nói không với mê tính dị đoan, bài trừ các phong tục tập quán lạc hậu” tại bản Thượng Sơn và bản Hôi Rấy

   Ngoài việc triển khai thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của Mặt trận cấp trên, Ban Thường trực Mặt trận xã Trường Sơn còn làm tốt công tác ‘Chung tay vì người nghèo’ như kêu gọi các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm hỗ trợ trên 20 nghìn suất quà tặng cho hộ nghèo, gia đình chính sách, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong đồng bào dân tộc Vân Kiều vào dịp Lễ,Tết, giáp hạt, năm học mới, trị giá 4,5 tỷ đồng. Hỗ trợ làm 3 công trình kéo điện lưới phục vụ sinh hoạt cho 52 hộ dân ở các bản gồm: bản Trung Sơn, bản Chân Trôộng, bản Khe Cát trị giá 225 triệu đồng; hỗ trợ 71 bình ắc quy và bộ kích điện phục vụ điện thắp sáng cho 68 hộ dân ở bản Hôi Rấy và bản Nước Đắng trị giá 106 triệu đồng; 18 Tivi cho 15 hộ nghèo và 3 Trường học trị giá 72 triệu đồng; 50 xe đạp cho học sinh nghèo đến trường trị giá 65 triệu đồng; mua trang thiết bị phục vụ dạy học tại các điểm Trường Tiểu học, Mầm Non các bản, trị giá 40 triệu đồng; hỗ trợ 2 đò nhôm phục vụ cho các cháu học sinh đi học và bà con của 2 bản Khe Cát và bản Chân Trộng trị giá 60 triệu đồng; làm mới 5 công trình nước sinh hoạt tập trung cho bà con các bản gồm: bản Khe Cát, Nước Đắng, Hôi Rấy, Dốc Mây, Đá Chát trị giá 395 triệu đồng; 2 công trình thắp sáng đường quê tại bản Cây Cà và Thượng Sơn trị giá 35 triệu đồng...Tổng nguồn lực huy động trong những năm qua hơn 5,6 tỷ đồng.

   Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, trong nhiều năm qua đã làm thay đổi nhận thức cơ bản của đồng bào về chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại trong cộng đồng của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Do đó, từ chổ du canh, du cư với phương thức canh tác lạc hậu, đến nay bà con dân tộc Vân Kiều trong xã đã biết khai hoang, làm thủy lợi, trồng lúa nước và các loại cây nông sản, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ đói nghèo qua hàng năm đều giảm đáng kể. Đến nay 15/15 bản đã có điện sinh hoạt, trường học tại bản, nhà sinh hoạt cộng đồng; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào được khôi phục và phát huy. Bên cạnh đó, các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã được xóa bỏ cơ bản; an ninh biên giới, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị tại 15 bản được củng cố vững chắc; tỷ lệ thu hút đồng bào tham gia vào các tổ chức đoàn, hội đạt trên 90%, có 15/15 bản hình thành tổ “nhân dân tự quản”. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng củng cố vững chắc, góp phần quan trọng vào việc giữ vững quốc phòng - an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã Biên giới.

Hồng Nhung
 

[Trở về]