Bản in     Gởi bài viết  
Người công giáo tâm huyết với công tác Mặt trận 
 Với tâm niệm "Muốn làm người công giáo tốt thì phải làm người công dân tốt và ngược lại muốn làm người công dân tốt thì phải làm người công giáo tốt", anh Phạm Ngọc Thuận, sinh năm 1968, Chủ tịch Hội đồng mục vụ, Trưởng ban Mặt trận thôn Kinh Trừng, xã Đức Hóa, (Tuyên Hóa) đã thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng phấn đấu để xây dựng phong trào "Người công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", góp phần nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
 Gia đình anh Phạm Ngọc Thuận, ở thôn Kinh Trừng, miền quê bên bờ sông Gianh. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào căn nhà khang trang của gia đình anh Thuận, đó là có nhiều giấy khen, bằng khen ghi nhận những thành tích trong công tác Mặt trận của anh được treo trang trọng ngay phòng khách. Trò chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ: sau khi được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng mục vụ (HĐMV), Trưởng ban công tác Mặt trận từ tháng 2 năm 2007, với những trăn trở, suy nghĩ là làm sao thực hiện mọi công việc để xứng đáng với những tình cảm, sự tin yêu của bà con lối xóm, giáo họ Kinh Trừng, cùng với thời gian, anh đã nỗ lực thực hiện để góp phần nâng cao đời sống của người dân thôn Kinh Trừng.

Là thôn công giáo toàn tòng, Kinh Trừng có 70 hộ với 310 khẩu, trước đây đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản trên sông, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của giáo dân còn hạn chế. Đến nay, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, Thường trực Mặt trận xã, cũng như quá trình đóng góp của anh Thuận nên đời sống của giáo dân thôn Kinh Trừng từng bước được ổn định.

Từ những ngày đầu làm Chủ tịch HĐMV, Trưởng ban Công tác mặt trận cho đến nay, anh Phạm Ngọc Thuận luôn lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, tận tụy với việc đời việc đạo, gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước để từ đó mới có thể vận động bà con thực hiện tốt các chính sách của cấp trên.

Anh Thuận cùng với các thành viên trong Ban công tác Mặt trận, Hội đồng mục vụ thôn đã vận động bà con tham gia đầy đủ các sự kiện chính trị như đi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, tiếp xúc cử tri và tham gia các hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Đặc biệt, để người dân trong thôn thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", anh Thuận đã quán triệt đầy đủ mọi chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể, kêu gọi và phát động phong trào nên được bà con giáo dân tham gia đầy đủ và đạt được kết quả nhất định.

Năm 2012 số hộ nghèo trong thôn giảm xuống còn 17%. Phát huy tinh thần đại đoàn kết. Năm 2012, với sự vận động của anh Thuận và Hội đồng mục vụ, đội đua thuyền thôn Kinh Trừng đã đại diện cho huyện Tuyên Hóa tham gia Giải đua thuyền truyền thống do tỉnh tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày 16-6, kết quả đã giành giải 3 toàn tỉnh.

Ngoài việc gương mẫu trong mọi lĩnh vực, sống nghĩa tình với bà con, anh Thuận còn nhắc nhở mọi người luôn xem công việc của thôn như chính công việc của gia đình mình. Nhờ sự sâu sát tìm hiểu, động viên kịp thời những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn nên tình làng nghĩa xóm ngày càng thêm gắn kết.

Mô hình xây dựng "Xứ họ đạo bình yên" từ năm 2007 đến nay vẫn được duy trì và giữ vững, 5 năm liền thôn Kinh Trừng được UBND huyện khen thưởng. Từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động, giáo dân thôn Kinh Trừng đã đồng sức đồng lòng tình nguyện hiến đất, góp công sức cho sự nghiệp đổi mới nông thôn vì tương lai đất nước. Không dừng lại ở đó, nêu cao tinh thần đại đoàn kết của giáo dân thôn Kinh Trừng, một thành quả đáng ghi nhận của thôn là đã hoàn thành và đem vào sử dụng công trình xây dựng Thánh đường nhà thờ giáo họ Kinh Trừng. Đây chính là điểm văn hóa tôn giáo, là nơi mọi quyền lợi của người giáo dân được thực hiện. 

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, anh Thuận luôn năng nổ, vận động bà con giáo dân tích cực thi đua học và làm theo lời Bác, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Nghị định số 92 về biện pháp thi hành pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, chỉ thị 36 thực hiện quyền tự do dân chủ cơ sở, luật bình đẳng giới, luật hôn nhân gia đình được tuyên truyền rộng rãi, từ đó bà con giáo dân hiểu biết và nâng cao nhận thức, thực hiện tốt công tác dân chủ tại địa phương. Điều mà anh Thuận luôn trăn trở, là một bộ phận bà con giáo dân đời sống còn khó khăn, đặc biệt là bà con xóm vạn đò sông nước không có chỗ ở ổn định, nhà cửa còn tạm bợ. Ngoài ra, thôn Kinh Trừng lại nằm trong rốn lũ nên điều kiện đi lại trong mùa mưa lũ còn gặp nhiều khó khăn.

Với những đóng góp của mình, anh Phạm Ngọc Thuận đã được các cấp chính quyền, đoàn thể, Mặt trận tặng nhiều giấy khen, bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận và phong trào thi đua "Người công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Báo Quảng Bình điện tử

[Trở về]