Bản in     Gởi bài viết  
Nhìn lại kết quả 2 năm thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với công tác giảm nghèo bền vững ở tỉnh ta 
 

     Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đã góp phần quan trọng vào thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 14,42% đầu năm 2016 giảm xuống còn 9,48 cuối năm 2017; góp phần đưa 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016, 2017, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 52 xã.

 

     Xác định rõ việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng và xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Mặt trận các cấp, do vậy, trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh luôn đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng thực hiện phong trào giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án số 04/ĐA-MTTW-BTT ngày 28/12/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

     Cuộc Vận động luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 01/7/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động; UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí hàng năm để Mặt trận TQVN tỉnh tổ chức triển khai thực hiện. Nhằm đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, kịp thời triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh gồm 17 đồng chí, do đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh làm Trưởng Ban, thành viên là các sở, ban, ngành liên quan và thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo với 05 thành viên.

     Để Cuộc vận động sớm đi vào thực tiễn và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, nội dung, ý nghĩa của Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: phối hợp với Đài PTTH tỉnh thực hiện 08 phóng sự và nhiều tin ngắn; Báo Quảng Bình đã đăng 04 bài trên 4 số hàng tháng; Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh xây dựng nội dung, thiết kế mẫu, in ấn và phân bổ 1.987 tờ gấp tuyên truyền về 05 nội dung cơ bản của Cuộc vận động về tận khu dân cư; thiết lập mục tin tuyên truyền Cuộc vận động trên Trang thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc tỉnh, qua tổng hợp đã có gần 458 tin bài về Cuộc vận động. Cấp huyện và Mặt trận cơ sở đã phối hợp tổ chức trên 7.170 cuộc tuyên truyền, cấp phát 131.126 tại liệu về cơ sở, khu dân cư.

     Nhằm tạo điều kiện cho các bộ Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên nắm vững các nội dung Cuộc vận động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức 18 lớp tập huấn về các nội dung của Cuộc vận động với 2.112 học viên tham gia, thành phần gồm: cán bộ Mặt trận cấp huyện; trưởng các đoàn thể chính trị xã hội cấp huyện; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận cấp xã; một số ban, ngành có liên quan; Trưởng Ban CTMT khu dân cư; một số chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng. Các cấp Mặt trận đã tổ chức xây dựng 324 mô hình điểm, đồng thời gắn thực hiện 5 nội dung Cuộc vận động với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, lồng ghép vào các phong trào thi đua của các đoàn thể. Cuộc vận động đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp, được đông đảo các tầng lớp nhân đân đồng tình hưởng ứng.

     Thông qua triển khai tổ chức thực hiện Cuộc vận động, các cấp Mặt trận trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con nông dân phát triển sản xuất theo hướng tăng cường liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp liên kết với tổ hợp tác, hợp tác xã; tích cực dồn điền đổi thửa, sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn; hình thành các trang trại tổng hợp, phát huy lợi thế cây trồng vật nuôi phù hợp với với điều kiện tự nhiên của từng địa phương cơ sở. Vì vậy, đã có nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được các địa phương nhân rộng nhằm tăng giá trị gia tăng như: Mô hình nhân rộng ngô lai NK6410, NK4300, Mô hình NK4300 Bt/GT; mô hình trình diễn giống lúa mới: Sumo29, TBR225, Thiên ưu 109; mô hình trồng lúa hữu cơ; mô hình nuôi hươu lấy nhung. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh như: Rau, lúa gạo, mướp đắng, gà đồi, nén,...; áp dụng cơ giới hóa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: Cơ giới hóa trong sản xuất, áp dụng quy trình SRI quy trình VietGap, quy trình sản xuất công nghệ tưới, chăm sóc Israel; công nghệ thủy canh, hữu cơ... đã góp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm được nguồn nước tưới và giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức sản xuất thông qua tăng cường hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp. Việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất cũng được nhiều địa phương chú trọng. Toàn tỉnh có 133 hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp và thủy sản hoạt động theo Luật Hợp tác xã (gồm:127 HTX nông, lâm nghiệp, 06 HTX thủy sản); Có 735 tổ hợp tác (gồm 615 THT nông, lâm nghiệp; 113 THT khai thác hải sản trên biển; 07 THT nuôi trồng và chế biến thủy sản), 86 Tổ đoàn kết khai thác trên biển. Kinh tế trang trại ngày càng phát triển theo hướng chất lượng và giá trị. Toàn tỉnh có 730 trang trại tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động.

    Phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất, hiến tài sản, góp công xây dựng nông thôn mới diễn ra sôi nổi ở cơ sở. Trong 2 năm qua, nhân dân toàn tỉnh đã hiến tặng 240.196 m2 đất, giá trị ước tính 20.063 triệu đồng; đóng góp tài sản, tiền mặt và 206.341 ngày công, giá trị quy đổi ước tính là 53.052 triệu đồng. Bằng các nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới, Nhân dân đã đầu tư xây dựng 351,8 km đường bê tông các loại (trong đó: 37,2 km đường liên xã; 115,3 km đường liên thôn; 148,2 km đường nội thôn xóm; 88,1 km đường trục nội đồng), 78 công trình công cộng, 80 phòng, 06 công trình nước sạch và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác... Nhờ đó mà đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên.

    Công tác vận động xây dựng Quỹ "Vì người nghèo", "Quỹ Cứu trợ" chăm lo hỗ trợ cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cũng luôn được Mặt trận các cấp chú trọng thực hiện có hiệu quả. Trong 2 năm 2016, 2017, Mặt trận các cấp đã huy động được hơn 26 tỷ đồng đóng góp vào Quỹ "Vì người nghèo"; hơn 288 tỷ đồng "Quỹ Cứu trợ". Từ các nguồn Quỹ này Mặt trận các cấp đã hỗ trợ cho hàng ngàn hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị thiên tai bão lũ phát triển sản xuất, xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ con em học sinh nghèo học tập, khám chữa bệnh, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam…Qua đó đã giúp cho hàng trăm hộ ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

    Nét nổi bật trong năm 2017 đó là, được sự quan tâm nhất trí của Thường vụ Tỉnh ủy, Mặt trận TQVN tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng 46 nhà ở cho tộc người Mã Liềng (đồng bào dân tộc Chứt) ở 2 xã Lâm Hóa và Thanh Hóa của huyện Tuyên Hóa và triển khai thực hiện Đề án " Hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt năm 2016 và vùng thường xuyên bị thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017 - 2018”; chương trình truyền hình thực tế "Tiếp sức cho người nghèo vùng thiên tai". Năm 2017, Đề án đã trao 500 con bò giống sinh sản cho 500 hộ nghèo và 500 con sẽ được trao trong năm 2018. Chương trình xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc và hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo vùng thường xuyên bị bão lũ đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân. Việc thực hiện Đề án bước đầu đã tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh tuyên truyền chính sách cho vay vốn xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện chính sách giãn nợ, khoanh nợ đối với hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường biển và lũ lụt gây ra.

     Có thể nói, sau 2 năm thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" ở tỉnh ta đã đạt được nhiều hiệu quả đáng ghi nhận. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân tầng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được giữ vũng. Kết quả thực hiện Cuộc vận động đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của tỉnh về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đưa tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh từ 14,42% (34.083 hộ nghèo) đầu năm 2016 giảm xuống còn 9,48% (23.923 hộ nghèo) vào cuối năm 2017; góp phần quan trọng vào việc đưa 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016, 2007; nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 52 xã. Tổng số khu dân cư được công nhận "Khu dân cư văn hóa" năm 2017 đạt 863 /1236 KDC; 190.611 hộ gia đình được công nhận "Gia đình văn hóa".

     Nhân dân phấn khởi trước những kết quả bước đầu đã đạt được và tin tưởng rằng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, sự phối hợp tích cực đồng bộ của các tổ chức thành viên và sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở tỉnh ta trong những năm tới sẽ đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đưa tỉnh ta ngày càng phát triển./.

Trần Hùng - Ban Tuyên giáo

 

[Trở về]