Bản in     Gởi bài viết  
HỘI LUẬT GIA QUẢNG BÌNH: PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA HỘI LUẬT GIA TRONG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT… 

   Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý trong giai đoạn mới.

    Xác định phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tư vấn pháp luật (TVPL) và hỗ trợ pháp lý là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm kỳ qua (2018-2024), các cấp Hội Luật gia trong tỉnh tiếp tục bám sát chủ trương, kế hoạch của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; sự lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và UBMTTQ Việt Nam tỉnh để chủ động thực hiện nhiệm vụ của Hội nói chung và nhiệm vụ PBGDPL, TVPL và hỗ trợ pháp lý nói riêng. Các cấp Hội đã ban hành Kế hoạch hoạt động, trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội và lồng ghép với các hoạt động chuyên môn của nơi có tổ chức Hội. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò và lợi thế của Hội, từ kết quả đạt được và kinh nghiệm hoạt động qua 20 năm thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII); qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và qua 10 năm thực hiện thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”. Một mặt, với phương châm: ‘‘Mỗi Hội viên, Tư vấn viên là một báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật’’, Hội tiếp tục kiện toàn tổ chức, rà soát đội ngũ Báo cáo viên là Hội viên; kiện toàn Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội. Mặt khác, bên cạnh thực hiện có hiệu quả nguồn kinh phí do ngân sách cấp, Hội đã chủ động, tích cực tham gia ứng tuyển và được chọn chủ trì/phối hợp triển khai các hoạt động của các chương trình, dự án trong và ngoài tỉnh để thu hút, tạo thêm nguồn lực.

Hội Luật gia tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên và môi trường

   Quá trình thực hiện, các cấp hội Luật gia đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc; các cơ quan, ngành, tổ chức có liên quan như:  Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên và Môi trường, Đoàn Luật sư, Tỉnh đoàn, UBND cấp huyện, cấp xã v.v… Đã đổi mới hình thức tuyên truyền, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đối tượng, lĩnh vực địa bàn; vừa chủ động/chủ trì triển khai các hoạt động PBGDPL vừa lồng ghép với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức nơi có tổ chức Hội. Vừa thực hiện thường xuyên, đại trà; vừa quan tâm đối tượng yếu thế, địa bàn đặc thù; lựa chọn các nội dung trọng tâm, có tác động mạnh mẽ, thường xuyên đến đời sống kinh tế - xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, của doanh nghiệp; gắn với các sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng: như Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025; bầu cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 và nhiệm kỳ 2021 - 2026; Dịp Kỷ niệm ngày Quốc khánh, ngày thành lập Hội Luật gia, ngày thành lập, truyền thống của cơ quan, ngành nơi có tổ chức Hội; Hưởng ứng Ngày pháp luật, ngày Doanh nhân hàng năm…

   Nhiệm kỳ 2018 - 2024, với sự phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện từ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam (trực tiếp là Trung tâm Tư vấn pháp luật và Chính sách về y tế HIV/AIDS, Trung tâm tư vấn pháp luật tái hòa nhập cộng đồng; Ban đối ngoại và hợp tác quốc tế); UBND tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tư pháp; Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp của Bộ Tư pháp; Tổ chức Oxfam tại Việt Nam…và các tổ chức, chính quyền tại các địa phương trong tỉnh, đã chủ trì tổ chức thực hiện 780 hội nghị và 98 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn lưu động cho 70.245 lượt người tham gia. Biên soạn và phát hành Tài liệu tập huấn, kỹ năng truyền thông; Tài liệu Hướng dẫn tư vấn pháp luật về môi trường. Tập huấn kỹ thuật chụp ảnh photovoice và tổ chức Cuộc thi câu chuyện ảnh photovoice với chủ đề “Người dân, người dân tộc thiểu số với môi trường xung quanh’’với trên 600 bức ảnh photovoice gửi về dự thi; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường thông qua hình thức sân khấu hóa giữa 06 trường Trung học cơ sở. Các hoạt động trên đã thu hút gần 9.000 lượt người tham gia.

   Lồng ghép với hoạt động nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức nơi có tổ chức Hội, các Cấp hội, Chi hội đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp thực hiện 2.846 buổi tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật cho 241.910 lượt người tham dự. Lồng ghép, phối hợp thực hiện 658 lượt tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; biên soạn, in ấn 70.800 đề cương, cuốn tạp chí, bản tin, sách bỏ túi tìm hiểu pháp luật và 56.737 tờ tơi, tờ gấp; 100% các cấp hội, chi hội đều có các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhiều hình thức phù hợp.

   Với nhiều hình thức như: Tư vấn trực tiếp, tư vấn lưu động, tư vấn qua điện thoại, Zalo, email; tư vấn theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… trong nhiệm kỳ, toàn Tỉnh hội đã thực hiện được 6.131 vụ việc tư vấn cho 8.345 lượt người dân; lồng ghép và thông qua hoạt động chuyên môn của cơ quan nơi đang làm việc, các Hội viên đã hỗ trợ pháp lý, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn, hướng dẫn...cho 3.495 vụ việc, với 3.765 trường hợp trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính, dân sự, đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ tái định cư, chính sách hộ nghèo, về hợp đồng lao động và chế độ cho người lao động, người có công, người khuyết tật...Đồng thời, với trách nhiệm xã hội, các hội viên đã tự nguyện tham gia các hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý miễn phí; tư vấn thường xuyên qua Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội và qua Văn phòng Hội; tổ chức các cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động, tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua Website của Hội; qua Bản tin, tờ gấp, hội thảo chuyên đề pháp luật... và qua các hình thức khác  gắn với nội dung, yêu cầu của đối tượng tuyên truyền.

   Các hoạt động nêu trên đã phần nào đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, thực hiện quyền được tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý; thúc đẩy thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền tiếp cận thông tin của người dân trên địa bàn. Qua kết quả hoạt động của Hội nên cấp uỷ, chính quyền địa phương, UBMT các cấp, các sở, ngành và các tổ chức có liên quan quan tâm, chú trọng hơn. Vị trí, vai trò của Hội Luật gia các cấp ngày càng được tăng cường và khẳng định rõ hơn trong đời sống xã hội.

   Bước sang nhiệm kỳ mới, nhiệm vụ PBGDPL, TVPL và hỗ trợ pháp lý của Hội Luật gia gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Luật tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2029. Tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và của UBND tỉnh về việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị; các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như: Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2024 - 2030”; Đề án ‘‘Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân’’; Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”; Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”; Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”; ”; Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, hải đảo giai đoạn 2024 - 2030”; Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt ‘‘Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 – 2025’’; tiếp tục tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…

Hội Luật gia tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại về các chính sách pháp luật cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

và giải quyết tranh chấp trong kinh doanh của doanh nghiệp 

   Để vị trí vai trò của Hội Luật gia tiếp tục được phát huy, trước hết cần tiếp tục nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và mặt trận các cấp đối với công tác PBGDPL nói chung và đối với Hội Luật gia các cấp trong công tác PBGDPL nói riêng. Tăng cường chỉ đạo, giao nhiệm vụ và hỗ trợ các điều kiện, phương tiện cho hội để thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, đòi hỏi các tổ chức hội và hội viên cần bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ đã được nêu tại các văn bản nêu trên, xây dựng chương trình, kế hoạch, với nội dung nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu rõ ràng. Thực hiện kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL của Hội. Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, cách thức thực hiện PBGDPL. Phát huy hiệu quả các kênh thông tin pháp luật của Hội Luật gia các cấp. Xây dựng mới các mô hình, cách làm chuyên nghiệp, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội (các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; thu hút các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức trọng tài, trọng tài viên, công chứng viên và các tổ chức, cá nhân nghề luật khác…) tham gia cùng Hội Luật gia các cấp thực hiện PBGDPL và TVPL. Tiếp tục thực hiện phương châm “Mỗi luật gia, tư vấn viên là một báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật”.. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm; thực hiện tôn vinh, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ PBGDPL và TVPL.

Nguyễn Thị Lài - PCT Hội Luật gia tỉnh

[Trở về]